Với cơ chế đại diện dân chủ này, cử tri và nhân dân cả nước mới thực hiện được quyền dân chủ chính trị cơ bản của mình một cách gián tiếp. Nếu người đại biểu không thực sự có trách nhiệm, không đủ uy tín, ý chí và nguyện vọng của cử tri sẽ không được biết đến, quyền lợi của họ cũng khó được thực hiện. Để bảo đảm cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực sự là người đại diện cho cử tri và hoạt động có hiệu quả, pháp luật đã có nhiều quy định rất cụ thể, minh bạch.

 

Theo Hiến pháp năm 2013, nhân dân được coi là người chủ thực sự của đất nước, được làm chủ chính mình, làm chủ xã hội, đồng thời cũng là đối tượng được phục vụ. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự trở thành hiện thực khi cơ chế đại diện phát huy hiệu quả thông qua các vị đại biểu xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân. Xuất phát từ yêu cầu này, pháp luật đã có những quy định nhằm bảo đảm cho các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được bầu ra và hoạt động có hiệu quả. Các quy định đó bao gồm cả về phương diện tổ chức, hoạt động cũng như các biện pháp bảo đảm cho hoạt động của các đại biểu. Các nội dung này được thể hiện rất cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Có thể nói, các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện bảo đảm cho các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã ngày càng trở nên hoàn thiện so với trước đây. Những quy định đó là cần thiết để bảo đảm cho các đại biểu thực hiện nhiệm vụ thay mặt cho cử tri và nhân dân cả nước hay địa phương tùy theo phạm vi mà mình được đại diện. Tuy nhiên, để bảo đảm cho các điều kiện đó được thực thi thì quá trình bầu cử phải diễn ra nghiêm túc, đúng luật. Kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về nguyên tắc bầu cử “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Đây là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo đối với hoạt động bầu cử nhằm bảo đảm chất lượng của hoạt động bầu cử, phản ánh được bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ XHCN ở Việt Nam. Hiến pháp cũng có chế định mới về Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, thay cho Hội đồng Bầu cử Trung ương trước đây chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu. Điều đó thể hiện rõ tính quan trọng của hoạt động bầu cử để hình thành nên các cơ quan đại diện dân cử.

Để triển khai các quy định trên đây, các chủ thể và cơ quan hữu quan phải đặc biệt chú ý đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các thành viên, đặc biệt trong quá trình giới thiệu người ứng cử, hoạt động tự ứng cử, hiệp thương qua các vòng để có một danh sách người ứng cử có chất lượng tốt nhất. Khi đó, cử tri sẽ có điều kiện hơn để lựa chọn người xứng đáng nhất đại diện cho mình.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng có những quy định khác để cử tri có điều kiện tham gia một cách đầy đủ nhất vào hoạt động bầu cử. Đó là các quy định về việc lập danh sách cử tri, khiếu nại về danh sách cử tri, tố cáo sự gian lận hay vi phạm trong quá trình tổ chức các hoạt động bầu cử, về thời gian bầu cử (được thông báo trước 115 ngày) và vào ngày nghỉ (ngày Chủ nhật)…

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là hoạt động sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện đại. Chế độ bầu cử dân chủ đã sớm được hình thành và tiếp tục được kế thừa, củng cố, hoàn thiện cho đến nay. Có thể nói, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp chính là tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh. Còn các quy định khác của pháp luật chính là điều kiện pháp lý và các điều kiện thực tế bảo đảm cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân vào một chế độ dân chủ.

THÙY LÂM (lược ghi)