Phụ nữ từng bước khẳng định vị trí trong xã hội
Trong quá trình phát triển của đất nước, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ ở lĩnh vực chính trị, đặc biệt trong hệ thống các cơ quan dân cử. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ 2015-2020 đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ ở các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội tham gia khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu nữ đã tăng cường những hoạt động về bình đẳng giới, lồng ghép giới... Các hoạt động tại Quốc hội như góp ý xây dựng luật, giám sát, chất vấn của các nữ đại biểu Quốc hội chiếm gần 30%. Các nữ đại biểu cũng tham gia sâu vào những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe phụ nữ, phòng chống tệ nạn buôn bán người, bạo lực đối với phụ nữ, lồng ghép giới vào chính sách, pháp luật.
Theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu HĐND không chỉ là yêu cầu của Đảng, mà còn là mong muốn của giới nữ nói riêng, của cả xã hội nói chung. Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước; HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định và giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, thực hiện nghị quyết của HĐND, vì vậy trong Quốc hội và HĐND phải có người đại diện cho các tầng lớp, các nhóm xã hội, trong đó bao gồm cả phụ nữ. Sự tham gia của các đại biểu nữ trong các cơ quan quyền lực này là cần thiết và có một tỷ lệ thích đáng vì họ không chỉ là một tầng lớp trong xã hội, mà họ còn chiếm hơn 50% dân số. Tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan quyền lực này sẽ là điều kiện, cơ hội để bảo đảm các chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi có tính đến quan điểm, kinh nghiệm của cả phụ nữ và nam giới. Khi đó, chính sách sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong các mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất. Tỷ lệ phụ nữ tại các cơ quan dân cử sẽ bảo đảm cho việc tham gia tích cực của phụ nữ trong việc quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách về bảo vệ quyền con người, về văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường...
Đánh giá về những đóng góp của nữ đại biểu trong cơ quan dân cử, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương-Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII nhấn mạnh, là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, các nữ đại biểu Quốc hội đã không ngừng nâng cao bản lĩnh, trình độ; nghiên cứu, tham vấn, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động của Quốc hội.
Vì xã hội bình đẳng thực chất
Phụ nữ có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của xã hội, tuy nhiên từ thực tiễn hiện nay, đặc biệt từ tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII cho thấy, so với tiềm năng, năng lực và sự cống hiến, đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị chưa thực sự tương xứng. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Nghị quyết số 11-NQ/TW đã xác định chỉ tiêu “phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 xác định: Phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 trên 35%.
Để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng chí Trương Thị Mai kiến nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo để lựa chọn được các nữ ứng cử viên có chất lượng, bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử viên trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là 35% và ít nhất có 30% nữ đại biểu trúng cử vào các cơ quan dân cử.
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, từ lâu các cấp, các ngành đã tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho lực lượng cán bộ nữ. Các văn bản hướng dẫn công tác nhân sự bầu vào Quốc hội và HĐND cũng quy định cụ thể tỷ lệ ứng cử viên nữ để bảo đảm tăng tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử. Bà Bùi Thị An cho rằng, để tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan dân cử, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc bình đẳng giới một cách thực sự ở Việt Nam. Theo nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, quan tâm tới phụ nữ, ủng hộ cho phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và sự phát triển bền vững của đất nước. Bởi đại biểu nữ không chỉ thể hiện ý chí, nguyện vọng của giới nữ mà còn đại diện cho tất cả cử tri cả nước. "Nếu đại biểu thuộc về giai tầng nào thì tiếng nói của giai tầng ấy sẽ sâu sát và mạnh mẽ hơn” - bà Bùi Thị An bày tỏ.
VŨ DUNG