Ông nói, trải qua nhiều lần bầu cử, lần nào cử tri cũng đặt cả tấm lòng của mình vào từng lá phiếu để “chọn mặt gửi vàng”, gửi gắm vào đó tất cả tâm tư, nguyện vọng của mình.
Ông là Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, người tham gia nhiều hoạt động bảo vệ cho lần Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam và tham gia tất cả các kỳ bầu cử Quốc hội kể từ đó đến nay…
Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ảnh: Trường Giang
Lòng dân là vàng
Trung tướng Phạm Hồng Cư kể, trong lần Tổng tuyển cử đầu tiên, thế hệ của ông đi bỏ phiếu với tâm trạng sung sướng rất đặc biệt, bởi đó là thế hệ đã phải trải qua 2 chế độ, cầm lá phiếu đi bầu cử để tự mình thành lập nên nhà nước khi mà chỉ cách đó ít ngày còn phải sống với thân phận “vong quốc nô”. Bởi thế, thế hệ của ông gọi đó là “lá phiếu của tự do”. Với những lá phiếu ấy, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người dân đã xác quyết quyền làm chủ của mình với đất nước, cùng nhau lập ra một nhà nước vì mình mà hành động.
Lúc bấy giờ, tình hình đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, phía Nam, thực dân Pháp trở lại gây chiến tranh xâm lược. Phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng lấy tiếng vào giải giáp quân đội Nhật, nhưng lại kéo theo bọn phản động để lật đổ Chính phủ lâm thời với ý đồ “bóp chết” nền độc lập non trẻ của nước ta, lập lại chế độ thuộc địa lệ thuộc vào quân Tưởng. Việc Tổng tuyển cử được tổ chức trong tình hình rất căng thẳng như vậy, nhưng lòng dân rất tin tưởng và phấn khởi.
“Bỏ phiếu bầu Quốc hội để lập nên Chính phủ chính thức, không phải là Chính phủ lâm thời nữa, là việc làm rất ý nghĩa, bảo đảm cho việc giữ vững độc lập, làm cho chúng tôi được hít thở bầu không khí của tự do. Vì thế, chúng tôi đi bỏ phiếu với niềm hạnh phúc, sung sướng, lâng lâng, gửi gắm vào lá phiếu nguyện vọng của lòng dân là xây dựng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nền độc lập mới giành được”, Trung tướng Phạm Hồng Cư nói.
Vì thế, ngày 2-9-1945 là một ngày hội lớn của cả dân tộc, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì ngày 6-1-1946 lại là một ngày hội lớn tiếp theo của cả dân tộc. Khắp nơi trên đất nước cờ hoa rực rỡ, những khẩu hiệu được treo bằng cả 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung và Việt, như “Độc lập hay là chết”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”. Còn nhân dân thì nô nức đi bầu cử, các đoàn thể và cả các cháu thiếu nhi cũng tuần hành gõ trống ếch và hô to các khẩu hiệu cổ vũ bầu cử. Việc tụ tập phản đối và những lời hô “Đả đảo Tổng tuyển cử”, “Đả đảo Chính phủ lâm thời” của các thế lực phản động gần như bị đè bẹp bởi những tiếng hô vang dội của lòng dân: “Ủng hộ Tổng tuyển cử”, “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”.
Cử tri cả nước khi ấy ai ai cũng muốn trong lá phiếu của mình có tên Hồ Chí Minh để được bầu Bác Hồ, rất nhiều nơi mời Bác Hồ về địa phương mình ứng cử. Lòng dân như thế, nên ai cũng tin tưởng chắc chắn Bác Hồ sẽ trúng cử. Kết quả công bố sau đó đúng như vậy, Bác Hồ trúng cử với tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số 333 đại biểu Quốc hội khóa I.
Để Tổng tuyển cử thành công
Sự ủng hộ của lòng dân với chế độ, với Bác Hồ thể hiện rất rõ qua những lần các đội bảo vệ bầu cử trấn áp các thế lực phản động. Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ như in sự ủng hộ của nhân dân trong những lần cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đi giải tán bọn phản động tụ tập đông người, phát hành báo chúng in ra và rải truyền đơn chống phá Tổng tuyển cử. Trong một lần tổ của ông khi đó do đồng chí Nguyễn Anh Bảo dẫn đầu đi làm nhiệm vụ ngăn chặn âm mưu phát hành báo của tổ chức phản động chống phá Tổng tuyển cử, khi chúng mang tới chợ Đồng Xuân để phân phát, đồng chí Nguyễn Anh Bảo tiến lại hỏi tên ôm chồng báo:
- Báo này là báo gì?
Tên ôm chồng báo trả lời:
- Báo Việt Nam!
Đồng chí Nguyễn Anh Bảo nói:
- Việt Nam gì chúng mày, chúng mày là Việt gian!
Sau đó, hai bên xảy ra xô xát. Bà con tiểu thương và nhân dân gần đó chỉ đợi có thế là lao vào cùng trừng trị bọn phản động, khiến bọn chúng phải bỏ cả báo mà tháo chạy. Khi chúng tháo chạy rồi, nhân dân còn tiếp tục truy đuổi. Bọn Quốc dân Đảng canh gác gần đấy cũng chỉ dám bắn chỉ thiên và đứng im trong ụ súng chứ không dám ra hỗ trợ đồng bọn. “Qua việc này, chúng tôi rút ra rằng, nếu gặp sự phản kháng quyết liệt của lòng dân thì bọn chúng phải chịu thua”, Trung tướng Phạm Hồng Cư nhấn mạnh.
Một lần khác, trung đội của ông khi đó đi tuần hành ở Bờ Hồ. Bọn phản động chiếm mấy toa tàu điện rồi bắc loa hô khẩu hiệu chống phá Tổng tuyển cử. Đồng chí Lê Thành Quế tiến lên, bắt nhịp để đồng bào hô to: “Ủng hộ Tổng tuyển cử”, “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh” để át đi tiếng loa của bọn chúng, đồng thời mắng bọn chúng là lũ Việt gian. 3 tên từ trên tàu vác súng xuống đánh đồng chí Quế. Nhân dân thấy vậy bèn ùa vào trừng trị bọn phản động. “Tôi còn nhớ, bấy giờ ông chủ hàng xe đạp ở đầu phố Hàng Đào đưa cả gậy, tuýp xe đạp cho dân để đánh bọn chúng. Bọn phản động tập trung ở đó rất đông, nhưng bị dân trấn áp thì vứt cả loa để chạy và bắn lại, đạn trúng tim đồng chí Lê Thành Quế và đồng chí đã hy sinh”. Trung tướng Phạm Hồng Cư giọng bỗng lạc đi khi nhắc tên người trung đội trưởng của mình.
Giải phóng sức sản xuất
Từng trải qua tất cả các kỳ bầu cử Quốc hội từ khóa đầu tiên đến nay, Trung tướng Phạm Hồng Cư nghiệm ra một điều, kỳ bầu cử nào, lòng dân cũng có những nguyện vọng thiết tha gửi gắm vào từng lá phiếu. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV này, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ, cử tri khu phố nơi ông sinh sống đã trao đổi với nhau rất nhiều và nhất trí với nhau rằng, cử tri “chọn mặt gửi vàng” bầu ra Quốc hội và Chính phủ mới lần này sẽ thực hiện một cách sáng tạo, thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu bằng cách đổi mới mạnh mẽ hơn, giải phóng hoàn toàn sức sản xuất... Với sức mạnh lòng dân được gửi gắm qua đợt bầu cử này, các đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ thực thi tốt sứ mệnh được nhân dân trao cho, biến sức mạnh của lòng dân thành động lực sớm đưa nước ta tiến lên sánh vai cùng bè bạn năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
CHIẾN THẮNG