Cơ hội công bằng cho các ứng cử viên
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, bởi thế tất cả đều phải thượng tôn pháp luật. Yêu cầu tối thượng trong bầu cử đó là đúng luật, dân chủ và công bằng. Đối với cử tri, lựa chọn ai, bầu ai cũng rất khách quan. Đồng chí Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Việc tuyên truyền và các phương pháp tuyên truyền phải được chuẩn bị tốt, công khai, minh bạch, công bằng”. Trên thực tế, việc tuyên truyền cho các ứng cử viên trong vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện minh bạch, công bằng.
Câu trả lời cử tri sẽ bầu cho ai thì đến ngày 22-5 mới có đáp án chính xác nhất. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu rằng, cử tri sẽ bầu cho những người có đức, có tài, có tâm, là người sẽ đại diện cho cử tri nói lên tiếng nói của nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân và làm việc vì nước, vì dân. Ở đó sẽ không có chỗ đứng cho những người vụ lợi.
Lực lượng văn hóa văn nghệ và nhân dân khu phố Đồng Xuân (Hà Nội) tham gia tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa III. Ảnh tư liệu
Quốc hội đã công bố danh sách 870 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV để bầu 500 đại biểu là rất rộng và mang tính dân chủ cao. Con số này gần đạt tới tỉ lệ 2 chọn 1. Danh sách những người ứng cử để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở các địa phương cũng rất rộng. Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vận động bầu cử là giai đoạn rất quan trọng với mỗi ứng cử viên, bởi danh sách người ứng cử để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân rất lớn, với số dư là hai. Trong khi đó, trải qua 3 bước hiệp thương, tất cả những người ứng cử có tên trong danh sách chính thức đều có đầy đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực để đảm trách vai trò làm người đại diện cho dân tại cơ quan quyền lực nhà nước tối cao hoặc cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tức là, trong danh sách này, cơ hội được cử tri lựa chọn hay gạch tên sẽ được chia đều cho tất cả người ứng cử.
Để lựa chọn ứng cử viên khi bầu, cử tri sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố. Ngoài hồ sơ lý lịch, quá trình công tác, những kinh nghiệm thực tiễn… của ứng cử viên thì “chương trình hành động” của họ được coi là “bản sát hạch” để cử tri có lựa chọn ứng cử viên đó hay không. Chương trình hành động được ứng cử viên trình bày tại hội nghị cử tri nơi địa phương họ ứng cử. Một chương trình hành động có tính thuyết phục phải sát với thực tế, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương đó, phải đưa ra được những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc của địa phương đó... Tất nhiên đó phải là chương trình hành động có tính khả thi chứ không phải một bản truyết trình suông trên giấy. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) từng chia sẻ rằng: Từ trải nghiệm thực tế, tôi thấy, cử tri luôn dõi theo chương trình hành động của đại biểu. Vừa rồi, khi đi tiếp xúc cử tri báo cáo về kết quả hoạt động của mình sau Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII, một số cử tri đã đưa ra tờ chương trình hành động của tôi ở đầu nhiệm kỳ mà cử tri vẫn giữ đến tận bây giờ. Cử tri đã soi rọi những điều mà tôi báo cáo với những điều mà tôi đã hứa với cử tri ở trong chương trình hành động trước đây...
Không mâu thuẫn giữa cơ cấu và chất lượng
Một vấn đề luôn được đặt ra trong mỗi kỳ bầu cử đó là giải quyết thế nào giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu. Đây là hai vấn đề nhưng lại không hề mâu thuẫn nếu chúng ta làm tốt. Trên thực tế, chúng ta đã làm tốt khi giải quyết mối quan hệ này. Ngay từ những vòng hiệp thương giới thiệu ứng cử viên, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm chặt chẽ, nghiêm túc và có tính thuyết phục giữa cơ cấu và tiêu chuẩn chất lượng. Chất lượng đại biểu bao giờ cũng phải được đặt lên hàng đầu, điều đó thể hiện rõ nhất qua học vấn của chính những ứng cử viên. Về trình độ văn hóa, trong số 870 người ứng cử để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội thì số có trình độ đại học trở lên chiếm 97%, cao đẳng chỉ chiếm 3%. Về phẩm chất đạo đức, các ứng cử viên được phiếu tín nhiệm giới thiệu ở các địa phương, khu vực ứng cử rất cao qua 3 vòng hiệp thương chặt chẽ. Và theo quy định của Quốc hội, ngay cả khi các ứng cử viên đã trở thành đại biểu Quốc hội thì họ vẫn hoàn toàn có thể bị bãi nhiệm nếu không đủ phẩm chất, năng lực. Trên thực tế có những đại biểu Quốc hội từng bị bãi nhiệm.
Đồng bào các dân tộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II (tháng 5-1960). Ảnh tư liệu
Mặc dù đặt ra yêu cầu cao về chất lượng, tuy nhiên, cơ cấu đại biểu rất quan trọng, bởi Quốc hội nước ta là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do cử tri cả nước bầu ra. Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của nhân dân, phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Trong Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “… Trong cuộc toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối…”. (*)
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn (TCCT), Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội tổ chức ngày 28-4, đồng chí Lê Truyền, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Trong mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm đến cả hai yếu tố này. Yếu tố cơ cấu có vai trò cực kỳ quan trọng bởi các thành phần như: Phụ nữ, thanh niên, người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số… đều rất cần có đại diện trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân… Người tự ứng cử cũng như người được giới thiệu đều phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn. Ứng cử viên nằm trong thành phần cơ cấu nào sẽ được lựa chọn từ những người cùng thành phần đó.
Khi chúng ta làm tốt vấn đề cơ cấu thì đương nhiên trong cơ cấu đã phải tính đến chất lượng đại biểu. Chọn những đại biểu có chất lượng tốt trong chính cơ cấu thành phần đó để giới thiệu. Như vậy trong mỗi cơ cấu thành phần như: Phụ nữ, thanh niên, người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số… đều đã được chọn những người tốt, người có phẩm chất, năng lực đại diện cho thành phần đó để giới thiệu. Đây cũng là vấn đề cử tri rất cần lưu tâm để khi bỏ phiếu bầu, cần lựa chọn làm sao để bầu được những đại biểu vừa có phẩm chất, năng lực tốt lại vừa đại điện được cho các thành phần trong xã hội. Đó mới thực sự là một Quốc hội của dân, do dân và vì dân, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.
NGUYỄN ANH TUẤN
(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4 (1945-1946), xuất bản lần thứ hai, tr. 189-192.