Thuở ấy, để cứu đói cho dân, Đảng ta có chủ trương phá kho thóc mà quân Nhật, Pháp vơ vét của nhân dân ta để phân phát lại cho nhân dân. Tôi là người có mặt ở huyện, tham gia cùng đoàn du kích buộc tri huyện mở kho gạo cấp cho dân để cứu đói. Quá sợ hãi, tên tri huyện phải giao chìa khóa cho chúng tôi. Dân chen nhau xếp hàng nhận thóc. Lo ngại không kiểm soát được tình hình nếu để dân ùa vào cướp kho, anh Lê Hữu Kiều bèn giơ một chiếc đấu gỗ lên, nói với bà con: “Bà con ở xã nào thì đứng theo xã đó. Mỗi đấu này được hai lon gạo, mỗi người sẽ được cấp một đấu gạt bằng”. Nghe vậy, bà con xếp hàng tuần tự lên nhận gạo. Các đội viên du kích đong cho mỗi người một đấu có gạt bằng. Tôi là người trẻ nhất, nhưng cũng cấp phát gạo cho bà con nhanh nhất.

Đến ngày bầu cử Quốc hội 6-1-1946, tôi được anh Lê Hữu Kiều đề nghị tham gia công tác bầu cử ở địa phương. Khi ấy, tôi mới 17 tuổi. Vì nghĩ mình chưa đủ tuổi, nên tôi từ chối. Nhưng anh Kiều nói, tôi biết chữ, đọc thông viết thạo, mà dân mình khi ấy có tới 90% không biết chữ, nên muốn tôi làm thư ký. Ai đưa phiếu nói là bầu cho người nào, tôi sẽ giúp họ viết vào phiếu để họ bỏ vào hòm phiếu.

Lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV này, tôi lại được đi bầu cử khi đã thành ông lão có chắt. Kỳ bầu cử này, ở quê tôi không còn ai mù chữ, phải nhờ viết hộ. Có ở trong cuộc mới hiểu hết giá trị của việc đưa một nước từ gần như toàn dân mù chữ đến giai đoạn phát triển như hiện nay. Nhớ lại chuyện cũ, lớp già 90 tuổi như chúng tôi càng thấy tự hào hơn khi cầm lá phiếu trên tay đi thực hiện quyền công dân. Mong rằng, chúng tôi sẽ còn được tham dự lần bỏ phiếu thứ 15 để được chứng kiến sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ hơn của nước nhà…

NGUYỄN TRẦN THIẾT (nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân)