Phóng viên (PV): Trong lần bầu cử này, ở Kiên Giang có vi phạm về việc bầu hộ, bầu thay. Ông có thể nói rõ hơn về vi phạm này và hình thức xử lý sắp tới như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vi phạm ở Kiên Giang là rõ rồi, đó là việc gom phiếu để đi bầu thay ở một tổ bầu cử. Đấy là hành vi rất nghiêm trọng. Vì thế nên Hội đồng Bầu cử quốc gia mới quyết định hủy kết quả bầu cử và cho bầu lại ở tổ này. Đến nay, Kiên Giang đã tổ chức bầu lại vào ngày 5-6 vừa qua. Người nào gây ra việc đó dẫn đến phải hủy kết quả thì theo Bộ luật Hình sự sẽ phải xử lý.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Thùy Lâm.  

PV: HĐND lâu nay bị đánh giá là có chất lượng hoạt động còn thấp. Việc bầu thiếu đại biểu liệu có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thực ra thì không thiếu nhiều. HĐND cấp tỉnh trên cả nước chỉ thiếu có 8 người trên tổng số 3.908 đại biểu, tức là khoảng 0,2%. Cấp huyện thiếu 120 người trên tổng số 25.179 đại biểu, tương đương với khoảng 0,4%. Cấp xã thiếu 6.626 người trên tổng số 291.273 đại biểu, tương đương với hơn 2,2%. Như thế không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của các HĐND. Nếu nơi nào bầu thiếu với tỷ lệ chưa đủ 2/3 tổng số đại biểu được bầu thì đã cho bầu thêm rồi.

PV: Ví dụ, ở Thanh Hóa bầu thiếu tới hơn 400 đại biểu HĐND cấp xã. Điều này có ảnh hưởng gì không và cần rút kinh nghiệm như thế nào trong việc giới thiệu người ứng cử?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đấy là thiếu trên cả tỉnh và số thiếu ấy nằm rải rác ở các xã. Các xã thiếu một vài đại biểu là chuyện hết sức bình thường. Không ai khác, người dân ở xã là người hiểu rất rõ người ứng cử, vì sống với nhau trong cùng một cộng đồng dân cư. Vì thế, việc lựa chọn của cử tri là rất sát.

PV: Riêng trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV có 5 địa phương bầu thiếu đại biểu, nhưng tại sao chỉ tổ chức bầu cử thêm ở Cần Thơ mà không tổ chức bầu cử thêm ở 4 địa phương còn lại?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo luật. Luật của chúng ta quy định là khi một đơn vị bầu thiếu so với số lượng đại biểu được ấn định, thì Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét quyết định. Vừa qua, chỉ duy nhất Cần Thơ có văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cho bầu cử thêm. 4 tỉnh khác không có đề nghị. Sóc Trăng chỉ có văn bản hỏi có nên bầu thêm hay không, chứ không có văn bản đề nghị cho bầu cử thêm.

PV: Lần bầu cử này triển khai thực hiện một thiết chế mới trong Hiến pháp về Hội đồng Bầu cử quốc gia. Vậy, có gì khác nhau giữa lần bầu cử này với các lần bầu cử trước?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Khác chứ! Bây giờ, Hội đồng Bầu cử quốc gia hoạt động theo một thiết chế đã được Hiến pháp công nhận. Đơn giản như việc công bố xét tư cách đại biểu. Theo quy định cũ, chúng ta phải chờ đến khi Quốc hội thông qua việc xem xét tư cách đại biểu thì (người trúng cử) mới chính thức trở thành đại biểu Quốc hội. Bây giờ, thẩm quyền đó thuộc về Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau 30 ngày kể từ khi công bố kết quả bầu cử, nếu qua xem xét thấy người trúng cử không có vấn đề gì, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo hay có nhưng đã được giải quyết thì sẽ xem xét công nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Như vậy, trước khi Quốc hội họp Kỳ thứ nhất thì người trúng cử đã được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội rồi.

Thứ hai, Hội đồng Bầu cử quốc gia trực tiếp chỉ đạo thành lập các tiểu ban, các bộ phận và có Văn phòng giúp việc Hội đồng Bầu cử quốc gia. Vì thế, hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia rất chuyên nghiệp. Trong kỳ bầu cử vừa qua, cử tri đi bầu đạt tỷ lệ cao nhất, tới 99,35%. Số lượng bầu thêm, bầu lại cũng ít hơn.

Đặc biệt, Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn rất nhanh, đầy đủ, chi tiết. Dưới địa phương hỏi gì, ngay lập tức, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia có văn bản trả lời kịp thời, tháo gỡ ngay vướng mắc cho địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THÙY DƯƠNG (ghi)