Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vừa là một mục tiêu của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, vừa đặt ra những yêu cầu cho cuộc bầu cử. Trên thực tế, một bộ phận cử tri chưa phải đã nhận thức đầy đủ về quan hệ giữa hai vấn đề này mà thường dừng lại ở mục tiêu trực tiếp là có đủ số lượng đại biểu đúng tiêu chuẩn và cơ cấu. Nhận thức đúng quan hệ nói trên sẽ làm tăng thêm ý nghĩa cuộc bầu cử. Lá phiếu của cử tri không chỉ lựa chọn các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp xứng đáng mà còn là lá phiếu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thứ hai là mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Mối quan hệ này phản ánh cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta đã được Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) và các Đại hội Đảng gần đây khẳng định. Việc đề cập Nhà nước pháp quyền XHCN cần đặt trong mối quan hệ này để tránh các hạn chế, thiếu sót mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ ra như: Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định cụ thể; các chính sách để thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng còn thiếu và chưa đồng bộ… Như vậy, nhận thức về mối quan hệ này cũng như sự thể hiện mối quan hệ này trong thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính vì vậy, Đại hội XII của Đảng đã đòi hỏi phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời coi việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Thứ ba là quan hệ giữa lập pháp-hành pháp-tư pháp. Đây là quan hệ giữa các thiết chế cơ bản trong bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời cũng là một trong những mối quan hệ có sự nhận thức khác nhau, kể cả những quan điểm sai trái, đối lập. Những nhận thức không đúng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thường tập trung vào hai vấn đề. Một là đồng nhất giữa Nhà nước pháp quyền dựa trên thiết chế tam quyền phân lập và Nhà nước pháp quyền XHCN. Hai là quan hệ giữa các thiết chế của Nhà nước pháp quyền XHCN.
Xét về quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước trong lịch sử thì thiết chế tam quyền phân lập là một bước tiến của nhân loại, vượt qua những hạn chế của các thiết chế trong xã hội nô lệ, xã hội phong kiến. Song do những điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta nên Nhà nước không áp dụng thiết chế tam quyền phân lập. Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".
Trong quá trình triển khai việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn. Tuy nhiên, vẫn còn những thiếu sót, hạn chế, tồn tại như chưa quy định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các thiết chế; sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ của các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp; hoạt động của các thiết chế đó chưa liên hệ mật thiết với thực tiễn, với cuộc sống của người dân… Để khắc phục thiếu sót, hạn chế như nói trên, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt là việc xác định cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước giữa các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Trung ương và địa phương; hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có việc xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.
MẠNH HƯNG (lược ghi)