PV: Ông có đánh giá, nhận xét gì về chất lượng, hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội? Việc tiếp xúc cử tri có thực chất hay không, cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh như thế nào để tăng tính hiệu quả của hoạt động này?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Tôi thấy, việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội là một hoạt động có hiệu quả, thiết thực vì đã thông báo tới cử tri toàn bộ những hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Hoạt động này cũng rất thực chất và có chất lượng tốt vì nó phản ánh đầy đủ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri với ĐBQH.

Tuy  nhiên, phải mở rộng việc tiếp xúc cử tri đa dạng hơn tới các thành phần, các đối tượng, lực lượng quần chúng để cử tri được nói lên tiếng nói của mình, tránh việc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội hay ứng cử viên chỉ toàn là những cử tri chuyên nghiệp, thường xuyên tham dự...

Ông Phạm Ngọc Thạch (đứng) phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ III của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Bạch Đằng. Ảnh nhân vật cung cấp..

PVQua các phiên tường thuật trực tiếp thảo luận của Quốc hội tại hội trường về những vấn đề quan trọng của đất nước, đánh giá của ông về việc tổ chức các phiên tường thuật có cần thiết hay không?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Đây là hoạt động rất cần thiết, vì nó công khai, dân chủ để dân biết, dân được nghe, được giám sát các hoạt động của Quốc hội. Thời lượng các phiên chất vấn là đảm bảo và tốt nhưng tôi thấy những vấn đề thuộc an ninh quốc gia, những vấn đề thuộc về bí mật thì cần có chọn lọc, không nên truyền trực tiếp vì khi đại biểu Quốc hội phát biểu mà chưa có chỉ đạo, có thể làm ảnh hưởng tới dư luận chung và không định hướng được dư luận.

Tôi cho rằng một số nội dung khi trả lời chất vấn tại Quốc hội không thể trả lời cặn kẽ và hết được. Chúng ta phải thông cảm và phải hiểu được nhà nước, ở tầm nào thì trả lời đến đâu, trả lời ở mức độ nào, phải có cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm trả lời các câu hỏi, các nội dung của cử tri, của ĐBQH chất vấn.

PVĐể đại biểu Quốc hội tăng tính đại diện cho nhân dân, nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người dân, theo ông đại biểu Quốc hội khóa tới cần lưu ý những nội dung gì? Nói cách khác là làm thế nào để đại biểu Quốc hội thực sự là người đại diện cho người dân, nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Phải khẳng định trước tiên, người đại biểu tham gia vào cơ quan dân cử phải “có tâm, có tầm, có trách nhiệm”. Phải gần dân, sát dân, tăng cường tiếp xúc với nhân dân, ở nơi nào khi có vấn đề bức xúc, những vấn đề nhạy cảm, khó khăn thì cần đại biểu ở đó phải xuống trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Phải thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình là phản ánh trung thực, đầy đủ những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề, dư luận mà người dân còn thắc mắc và có ý kiến. Nếu đại biểu chỉ ngồi một chỗ, sẽ không nắm được vấn đề, không đi thì làm sao biết người dân phản ánh những gì.

Ngoài ra, với các ứng viên khi đi tiếp xúc cử tri, đi vận động bầu cử nơi mình ứng cử phải tìm hiểu về địa phương nơi mình ứng cử thông qua các báo cáo kinh tế-xã hội, các hoạt động thông tin đại chúng để từ đó nắm tâm tư nguyện vọng của người dân, rồi mới đề ra chương trình hành động của mình.

PV: Đánh giá của ông về việc tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cá nhân đại biểu Quốc hội...) tại địa phương, vấn đề này cần được tổ chức, thực hiện như thế nào để đáp ứng yêu cầu của đời sống?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Tôi thấy rằng các hoạt động giám sát của Quốc hội thông qua các phiên chất vấn được thể hiện rất tốt nhưng việc giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội, rồi của các đại biểu Quốc hội đối với từng địa phương còn chưa được dành nhiều thời gian. Đặc biệt là những vụ việc lớn, tham nhũng, dân sinh, hoặc cải cách hành chính… thì vai trò giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội đối với các tỉnh, thành phố còn chưa tốt, cần phải làm tốt hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu của đời sống.

Khi đã có kết luận của cơ quan giám sát thì cần phải kiểm tra, đôn đốc, giám sát một cách quyết liệt, hay nói cách khác là giám sát việc giám sát. Ví dụ như có văn bản ra không đúng với nghị quyết của Quốc hội, nhiều văn bản không đúng luật nhưng vẫn tồn tại-đây chính là điểm cần thể hiện vai trò giám sát của Quốc hội-khi thấy các văn bản trái với luật thì có quyền bác bỏ toàn bộ, hoặc bác bỏ một phần. Hoặc như các nghị định, các luật đã ban hành và có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ, chưa thực thi được vì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Tôi cho rằng đây là một trong những điểm hạn chế của Quốc hội. Quốc hội khi thông qua luật, nghị định thì cần phải nhanh chóng có văn bản hướng dẫn kèm theo. Ngoài ra, thời gian họp của Quốc hội cũng cần cải tiến, ngắn gọn, tập trung vào giải quyết những vấn đề giám sát, những vấn đề kiểm tra để Chính phủ, chính quyền và các cơ quan nhà nước làm cho tốt hơn.

Tôi tin tưởng và kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, để Quốc hội gần dân hơn, hoạt động có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Đó vừa là yêu cầu, vừa là đòi hỏi mà cử tri gửi gắm tới các đại biểu dân cử.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

PHÚC THẮNG (thực hiện)