Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa thực tiễn to lớn, góp phần hoàn thiện chế độ bầu cử và là động lực mạnh mẽ để mỗi kỳ bầu cử Quốc hội tiếp sau diễn ra thành công tốt đẹp.
Dấu ấn về nền dân chủ thực sự của chế độ mới
Những ngày này, tâm trạng của cụ Nguyễn Thị Thêm (96 tuổi, ở thôn Vĩnh Kỳ, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) trở nên phấn chấn, háo hức hơn thường nhật. Tuy sức yếu vì tuổi tác nhưng gần đây cụ thấy trong người như khỏe ra để đón chờ ngày hội bầu cử diễn ra vào 22-5-2016. Cụ móm mém cười: "Đời tôi sống qua 3 thời kỳ, tham gia và chứng kiến đầy đủ các kỳ bầu cử Quốc hội. Lần nào sắp đến dịp bầu cử, tâm trạng tôi cũng phấn chấn, vui sướng. Thế nhưng, hạnh phúc nhất, vinh dự nhất vẫn là lần đầu tiên được đi bầu cử vào năm 1946".
Cụ Thêm nhớ lại, quang cảnh ngày 6-1-1946 như một ngày hội lớn của nhân dân địa phương. Từ sáng sớm, từng đoàn người ăn mặc chỉnh tề, tấp nập đi bỏ phiếu. Ai cũng nô nức, vui sướng khi bản thân được thực hiện quyền công dân, được hưởng ích lợi từ nền dân chủ thật sự của chế độ mới.
Nhân dân thủ đô Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu
Hơn 70 năm trước, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó chỉ một ngày, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Tiếp đó, ngày 17-10-1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử. Điều 2 của sắc lệnh này chỉ rõ: “Tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử”. Đó là một minh chứng sinh động cho nền dân chủ thực sự của chế độ mới.
Theo PGS, TS chuyên ngành Lịch sử Đảng Trường Sĩ quan Lục quân 1, Đại tá Lê Quang Phi, ngày ấy, để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Đại tá Lê Quang Phi, khẳng định: Hành động này chứng tỏ, Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người có tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.
Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí chuẩn bị càng náo nức, sôi nổi. Tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền vận động Tổng tuyển cử diễn ra bằng nhiều hình thức phong phú, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc, đa dạng. Thế nhưng, hơn tất cả là khát vọng cháy bỏng của người dân được cầm lá phiếu đi bầu, lựa chọn những người đủ “đức” và “tài” bầu vào bộ máy chính quyền mới. Chứng kiến không khí đi bầu năm ấy, Trung tướng Phạm Hồng Cư (90 tuổi, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), tâm huyết chia sẻ: Ngay những ngày đầu của chính quyền non trẻ đã cho thấy tính ưu việt của nền dân chủ mới; thật đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.
Vượt “mưa bom, bão đạn” thực hiện quyền cử tri
Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người nhấn mạnh: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Hưởng ứng lời hiệu triệu đó, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Lịch sử Đảng bộ Hà Nội ghi lại những câu chuyện đi bầu cho thấy khát vọng cháy bỏng được thực hiện quyền công dân của nhân dân Thủ đô: Ở nhiều nơi, các cụ già, những người ốm không đi được thì đòi con cháu hoặc người hàng xóm cõng, cáng đến nơi bầu cử để tự tay mình bỏ lá phiếu vào hòm phiếu...
Tại nhiều điểm bỏ phiếu, bất chấp lưỡi lê, mũi súng quân thù đang lăm le, đe dọa, quần chúng vẫn hăng hái tham gia tổng tuyển cử với tất cả dũng khí cách mạng. Tại các địa điểm ở Tây Nguyên như Buôn Krong, Prong (tỉnh Đắc Lắc), nhân dân tập trung ở nhà làng để bỏ phiếu; địch tới bao vây, nhân dân chạy sâu vào rừng; địch tấn công vào rừng, nhân dân đi sâu vào khe suối, mang theo gạo ăn để bỏ phiếu. Trong vùng địch tạm chiếm đóng, nhân dân tập trung bỏ phiếu, quân Pháp và Việt gian kéo đến khủng bố, nhân dân phải mang hòm phiếu chạy đến một nơi khác và tiếp tục bỏ phiếu. Ví như ở xã Mỹ Hòa (TP Cần Thơ), trong ngày bầu cử, nhân dân phải di chuyển hòm phiếu đến bốn địa điểm khác nhau để hoàn thành việc bỏ phiếu. Tại nhiều đô thị như Nha Trang, Sài Gòn, Tân An, hàng chục cán bộ ta đã bị địch sát hại trong lúc tổ chức bầu cử...
Ở miền Bắc, bọn Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội theo gót quân đội Tưởng Giới Thạch kéo về nước với mưu đồ lật đổ Chính phủ ta. Chúng âm mưu phá hoại cuộc Tổng tuyển cử và ám sát, bắt cóc những người được Mặt trận Việt Minh giới thiệu, ứng cử. Tại Hà Nội, chúng mang súng tiểu liên đến Ngũ Xã (một làng nghề nằm cạnh hồ Trúc Bạch, phía tây Thăng Long, nay là phố Ngũ Xã thuộc địa phận quận Ba Đình, TP Hà Nội) để ngăn cản, không cho đặt hòm phiếu, chúng cấm cả nhân dân treo cờ... Cuối cùng, đồng bào Ngũ Xã phải kéo sang khu phố gần đó để bỏ phiếu.
Vượt qua “mưa bom, bão đạn” và mưu đồ dã tâm của kẻ thù, ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, sự đoàn kết, dũng cảm đấu tranh của nhân dân ta đã góp phần quyết định đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thắng lợi vẻ vang. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, nhân dân cả nước đã bầu vào Quốc dân đại hội 333 đại biểu, trong đó Bắc Bộ có 152 đại biểu, Trung Bộ có 108 đại biểu và Nam Bộ có 73 đại biểu… Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm-chiến sĩ quyết tử bảo vệ Thủ đô năm 1946 (năm nay 95 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, hiện ở ngõ 1035, phố Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phân tích: "Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên mang nhiều ý nghĩa: Không những là sự hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực của Nhà nước mà còn để lại nhiều bài học quý báu trong công tác tổ chức, nhất là việc phát huy vai trò của nhân dân, phát huy dân chủ XHCN để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Những bài học đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay".
NGUYỄN TẤN TUÂN (tổng hợp)