Ai cũng hiểu rằng, việc đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chính là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ mình trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng, bởi thế nhân dân rất mong chờ đến ngày đó.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước - ngày 22-5-2016. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 mới được ban hành. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc tham gia bầu cử Quốc hội khóa V (tháng 4-1975). Ảnh tư liệu
Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Sở dĩ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, bởi Quốc hội là cơ quan nhà nước do cử tri cả nước bầu ra. Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của nhân dân cả nước. Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Mỗi người dân, mỗi cử tri cũng cần nhận thức rõ rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Lần lại từng trang lịch sử từ khi ra đời, xây dựng và phát triển để thấy rằng, Quốc hội nước ta đã làm được những việc to lớn, vẻ vang cho dân tộc. Từ những ngày đầu tiên ra đời, trong các ngày 16,17 tháng 8 năm 1945 tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đã diễn ra một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, đó là việc tiến hành Đại hội đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào). Sáng kiến về việc triệu tập Quốc dân Đại hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941) tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị đã quyết định phát động cao trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật – Pháp, “lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ. Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị to lớn: thông qua chủ trương tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời).
Có thể nói, Quốc dân Đại hội Tân Trào có vai trò như là một Quốc hội lâm thời hay là một tiền Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời chế độ dân chủ cộng hòa của nước ta và một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới.
Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách và ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, cả nước ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946. Ngày đó, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo, giàu, nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người xứng đáng, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.
Thắng lợi tốt đẹp của cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Lịch sử đã sang trang, một thời kỳ mới đầy triển vọng bắt đầu - thời kỳ nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền của dân, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân về đối nội, đối ngoại... Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng và bảo vệ chế độ mới của nhân dân ta.
Kể từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 nhiệm kỳ hoạt động và dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau đều đã có những công lao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.
Đối với mỗi người Việt Nam, việc được đi bầu cử và thực hiện quyền bầu cử của mình là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm với đất nước. Mỗi cử tri hãy phát huy tinh thần dân tộc, sự nghiêm túc với tư cách là một công dân của một đất nước văn minh, dân chủ, có độc lập, tự do để lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng. Ngày cả nước đi bầu cử, ngày 22-5 đã đến rất gần.
NGUYỄN HÀ MY