Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Tần ngược xuôi giữa các bản, ban ngày lên nương, ra đồng cùng bà con, tối về lại họp bản giải đáp những thắc mắc của mọi người. Trên gương mặt mỗi người đều háo hức chờ đến ngày hội bầu cử.

Đưa cho chúng tôi xem bản dịch sang tiếng Mông, nội dung cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Đại úy Vàng A Chiếu - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Tần (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) - tác giả của bản dịch nói một cách hào hứng: “Đây là tâm huyết của mấy anh em chúng tôi trong gần một tuần, ban ngày xuống địa bàn còn ban đêm thì ngồi cặm cụi bên trang giấy. Những từ chuyên môn hẹp, chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của các bác, các chị ở cơ quan HĐND. Trước khi phổ biến xuống người dân các làng bản, chúng tôi đem đọc cho các cụ cao tuổi xem đã dễ hiểu chưa, đã hợp với ngôn ngữ Mông chưa?”. Nghe anh chia sẻ, chúng tôi hiểu đó là kết quả không chỉ là trách nhiệm của người lính với nhân dân địa bàn, mà còn là trách nhiệm của một chàng trai dân tộc Mông với chính những người đồng bào Mông của mình.

 Đại úy Vàng A Chiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Tần tuyên truyền luật bầu cử tới người dân tại bản Nậm Tiến 1, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ.


Tuy nhiên, theo Đại úy Chiếu thì điều quan trọng hơn đó là việc tiếp cận đối tượng cần được tuyên truyền. Không ít trường hợp, đi khắp bản chỉ gặp toàn người già và con trẻ vì thời điểm này cũng là thời gian làm nương của bà con. Đặc biệt, bà con vùng cao không chỉ lên nương theo kiểu sáng đi tối về mà nhiều nhà ở ngoài nương cả tuần. Vậy là không còn cách nào khác, cán bộ Biên phòng lại lên đường ra nương, ra ruộng. Và, tranh thủ cả lúc bà con nghỉ giải lao, các anh vận động mọi người dù có bận đến mấy cũng phải về đúng ngày để thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Thậm chí, nhiều cán bộ, chiến sĩ tay giúp dân cấy lúa nhưng miệng vẫn nói về việc người dân tự tay bỏ lá phiếu bầu người lãnh đạo cũng chính là có trách nhiệm với bản thân, bởi mình muốn bản làng thay đổi thì phải lựa chọn đúng người. Ngoài việc đến từng bản, gõ cửa từng nhà, Đồn Biên phòng Pa Tần còn tăng thời lượng trên hệ thống truyền thanh mỗi ngày về nội dung bầu cử; đồng thời cung cấp băng cát-sét về các bản để trưởng bản phát lại cho dân nghe về trách nhiệm công dân, của các cử tri trước cuộc bầu cử sắp tới, về việc phải giữ yên trật tự xã hội trên địa bàn biên giới nói chung và từng làng bản nói riêng...

Không khí chuẩn bị cho bầu cử tại xã Pa Tần.

 

Ông Vàng A Tính, bản Nậm Tiến 1, xã Pa Tần cho biết: “Cả tháng nay, các đồng chí Bộ đội Biên phòng, cán bộ xã đã đến tuyên truyền, vận động bà con chuẩn bị đi bầu cử. Nghe các anh nói thì việc bỏ phiếu không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mình trong việc bầu ra những người vừa có đức vừa có tài. Tại các điểm bầu cử danh sách cử tri, danh sách người ứng cử đã được niêm yết công khai, tôi đến xem và đã nghĩ kỹ mình sẽ bỏ phiếu cho ai rồi”. Còn chàng thanh niên Lù Mí Sinh lại hào hứng: “Đây là lần đầu tiên em được đi bầu cử, cảm thấy rất vui. Em cũng mong một ngày nào đó mình có tên trong danh sách người ứng cử. Thế nhưng, các anh Biên phòng bảo, để được như vậy thì em phải học thật tốt, tham gia nhiều họat động của địa phương, mọi người sẽ tin, quý mến và sẽ giới thiệu em”.

Sau những ngày được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuyên truyền, người dân khắp các thôn, bản của xã Pa Tần đang nóng lòng chờ đến ngày bỏ phiếu để bầu ra những cán bộ vào hệ thống cơ quan dân cử các cấp. Trong lòng, ai cũng kỳ vọng vào các đại biểu với những chủ trương, chính sách thiết thực hơn, quan tâm thường xuyên và hiệu quả hơn đến các chương trình, dự án đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bởi vậy, mỗi lá phiếu là một niềm tin của đồng bào gửi gắm đến từng đại biểu mà họ đã tin tưởng, lựa chọn.

Bài, ảnh: TRÚC HÀ