Đón chào ngày bầu cử

Tiếng cười nói rộn ràng trên những cánh đồng lúa miền Trung, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Khắp các vùng quê, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn tới thành thị, người dân hướng về ngày bầu cử với niềm tin, phấn khởi.

Để có được không khí rạo rực ấy, công tác tuyên truyền cổ động trực quan về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác tuyên truyền đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân, tác động đến nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ tham gia bầu cử của cử tri.

 Tuyên truyền trực quan về bầu cử ở TP Đà Nẵng.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở VH-TT&DL, Trung tâm Văn hóa thành phố lập kế hoạch tuyên truyền cổ động trực quan trước, trong và sau bầu cử; tổ chức thành 3 đợt (đợt 1 từ 25-3 đến 10-4, đợt 2 từ 10-4 đến 25-4, đợt 3 từ 25-4 đến 25-5). Trong 3 đợt tuyên truyền, Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức lắp đặt 35 cụm pa-nô lớn, 1.102 pa-nô một mặt, 40 pa-nô bốn mặt, 2.204 phướn khẩu hiệu, 550 phướn trang trí, 4.700 cờ các loại; tổ chức thu âm tài liệu hỏi-đáp về bầu cử, phát hành 70 đĩa CD về nội dung này đến các quận, huyện để nhân bản và đưa về 56 phường, xã phát trên đài truyền thanh. Trung tâm Văn hóa-Thể thao các quận, huyện tổ chức loa tuyên truyền cổ động về bầu cử đi qua các tuyến đường chính, các khu dân cư, cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng... Chính sự tuyên truyền sâu rộng ấy đã giúp các cử tri ý thức rõ hơn quyền lợi tham gia bầu cử để lựa chọn người tài đức cho bộ máy Nhà nước các cấp.

Gần 20 năm gắn bó với thành phố bên sông Hàn, cử tri Phan Hữu Thạch ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) phấn chấn tâm sự: “Tôi đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt của thành phố cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Đợt bầu cử sắp tới là sự kiện quan trọng, là ngày hội lớn mà toàn dân hướng đến. Vì thế, tôi mong muốn mọi cử tri luôn giữ tình cảm chân thành, phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trước sự kiện trọng đại này".

Nhân dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng đang phấn khởi hướng tới ngày hội lớn của đất nước. Với hơn 3.000 ngư dân thường xuyên vươn khơi bám biển, cấp ủy, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền về bầu cử. Ông Bùi Kim Oanh, một ngư dân đánh bắt xa bờ cho biết: "Trong thời gian tàu hoạt động trên vùng biển xa, chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin giữa các tàu vào, ra để nắm được tình hình. Chúng tôi tin tưởng đợt bầu cử sắp tới sẽ thành công tốt đẹp, qua đó sáng suốt lựa chọn những người có đủ tài, đức để góp phần quản lý, điều hành đất nước, quê hương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Triệu tấm lòng, một niềm tin

Có thể cảm nhận rõ ngày hội bầu cử là dịp để củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước, với chính quyền các cấp. Già làng Mấu Xuân Dương ở xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) trước đây không chỉ đánh giặc giỏi mà còn nổi danh bởi thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, mang ấm no về cho buôn làng. Nay ở tuổi 75 nhưng già làng vẫn nặng lòng, trăn trở với quê hương, đất nước. Những ngày qua, già làng Dương thường xuyên theo dõi báo, đài về tình hình chuẩn bị bầu cử các cấp. Già làng Mấu Xuân Dương tâm sự: “Cái tai của đồng bào Raglai chỉ biết nghe lời của cán bộ chính quyền nói, cái bụng của đồng bào Raglai một lòng, một dạ vững tin theo lời Đảng gọi. Mong Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đồng bào miền núi, giúp nâng cao đời sống cho buôn, làng".

Pano tuyên truyền về ngày bầu cử trên đường phố Đà Nẵng.
Niềm tin tưởng hướng về ngày bầu cử cũng chính là để vun đắp mối đại đoàn kết toàn dân. Xứ đạo Hòa Xuân, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vẫn thanh bình như mọi ngày, nhưng ngõ xóm, đường thôn những ngày này phong quang, sạch đẹp hơn. Với tâm niệm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “Tốt đời, đẹp đạo”, thời gian qua, để thiết thực chào mừng ngày hội bầu cử, bà con giáo dân đã thi đua lao động, sản xuất. Phaxicô Nguyễn Văn An, giáo dân xã Hòa Xuân tâm sự: “Trong những năm qua, bà con giáo dân luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc từ phía chính quyền. Giáo dân tự do tín ngưỡng, được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Các hộ nghèo đều được chính quyền bố trí vào khu tái định cư, tặng nhà đại đoàn kết. Bà con giáo dân còn được Bộ đội Cụ Hồ giúp đỡ thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình…Vì thế, bà con giáo dân chúng tôi luôn “kính Chúa, yêu nước”, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”...

Người dân miền Trung nói riêng, cả nước nói chung đang gửi gắm niềm tin son sắt và kỳ vọng vào ngày hội bầu cử sắp tới.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG