Đồng chí Vũ Mão. Ảnh: Hoàng Nhưỡng.

Chuẩn bị khá chu đáo

Phóng viên (PV): Với góc độ là một chuyên gia về công tác bầu cử, đồng chí có thể đánh giá về việc chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021?

Đồng chí Vũ Mão: Việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này khá chu đáo và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Có được kết quả này là nhờ chúng ta được thừa hưởng kinh nghiệm của 13 khóa bầu cử trước, đặc biệt là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946-cuộc bầu cử mẫu mực, để lại nhiều bài học cho các khóa sau này. Cuộc bầu cử lần này chúng ta có nền móng cơ bản của bản Hiến pháp năm 2013, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp hiện hành. Trước đây, chúng ta tách riêng, lần này chúng ta gộp chung hai cuộc bầu cử, tất nhiên vẫn có những phần riêng. Đồng thời, việc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và không khí sôi nổi, không khí đổi mới của đất nước cũng là một cơ sở rất quan trọng cho cuộc bầu cử lần này.

Cần tuyên truyền tới từng nhà

PV: Đồng chí từng chia sẻ, các kỳ bầu cử trước đây thường gấp gáp là một hạn chế qua nhiều năm vẫn chưa khắc phục được. Vậy, theo đồng chí cần làm gì để hóa giải những vấn đề này trong thời gian tới?

Đồng chí Vũ Mão: Có thể nói các cuộc bầu cử khối lượng công việc rất lớn, các công đoạn của công việc cũng rất nhiều. Trước đây công việc chuẩn bị chỉ gần 3 tháng, sau này ta chuẩn bị cụ thể hơn, tỷ mỉ hơn, sâu sắc hơn, cho nên thời gian tăng lên hơn 4 tháng, nhưng vẫn cập rập. Nhớ lại, cuộc tổng tuyển cử năm 1946 thời gian chuẩn bị rất ngắn, sau 2-9-1945 đã có chủ trương cho cuộc tổng tuyển cử, thời gian chuẩn bị chỉ hơn hai tháng nhưng kết quả lại rất tốt. Theo tôi cần tìm giải pháp hợp lý, chúng ta cắt bớt đi những phần không cần thiết hoặc kéo dài thời gian để công tác chuẩn bị sâu hơn, thấm hơn…

 PV: Vậy theo đồng chí để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, các cơ quan làm nhiệm vụ công tác bầu cử và mỗi cử tri cần phải làm gì?

Đồng chí Vũ Mão: Công tác tuyên truyền về bầu cử vẫn còn những khiếm khuyết, người dân cũng chưa ý thức được đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Theo tôi, cần phải có một đợt cao trào, chỉ đạo công tác tuyên truyền sao cho mạnh và sâu sắc, phải rà soát kỹ, giải quyết hết những tồn đọng, những gì mà chúng ta còn khiếm khuyết. Còn về cử tri thì theo tôi phải có một công tác tuyên truyền sâu hơn, đến từng nhà. Ở địa phương tôi, tôi thấy đã có những việc rất tốt. Cách đây vài hôm, gia đình tôi có nhận được một danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, từ đó giúp chúng tôi nắm vững hơn về thành phần đại biểu. Cần phải tạo cho người dân ý thức được tầm quan trọng ngày hội bầu cử của toàn dân. Đây có thể coi như một chiến dịch mà đã là chiến dịch thì phải dồn hết sức lực vào, một cao trào và quyết đoán thần tốc đến cùng. Cùng với đó là khó khăn trong đời sống của người dân, tâm tư nguyện vọng của người dân phải được các đại biểu nắm vững. Khi mà mọi người cảm thấy ngày bầu cử mang không khí của ngày hội thì ai cũng háo hức mong chờ và thực hiện đúng trọng trách của mình.

Đại biểu phải gần dân, giúp dân

PV: Tâm thế cử tri nói chung cũng như truyền thông thường để ý nhiều đến bầu cử đại biểu Quốc hội hơn là đại biểu HĐND, trong khi lực lượng này lại rất quan trọng ở cơ sở, đồng chí có khuyến nghị gì đối với việc phát huy vai trò của đại biểu HĐND?

Đồng chí Vũ Mão: Có lần tôi sang thăm Pháp, gặp một nghị sĩ cộng sản, được ông ta đưa về thăm một thành phố vệ tinh của thủ đô Paris, nơi mà ông làm thị trưởng. Ông ấy họp Quốc hội xong, hàng tuần đều xuống địa phương tiếp xúc với cử tri và tại lần tiếp xúc tiểu thương của ông ấy tại chợ rất cởi mở, thân tình. Tôi nghĩ rằng, đại biểu Quốc hội và HĐND của ta cũng cần phải đổi mới cách tiếp xúc cử tri sao cho gần gũi như vậy. Vai trò này của HĐND các cấp hiện nay còn thiếu. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ.  Hiến pháp năm 2013 khẳng định rằng: Có HĐND ở tất cả các cấp, đó là một điều quan trọng của nhà nước pháp quyền. Bây giờ phải làm sao để vị trí, vai trò của hội đồng nhân dân các cấp tăng lên. Theo tôi, trong tuyên truyền, trong vận động bầu cử lần này thì chúng ta chưa làm nổi bật vấn đề đó. Các đại biểu HĐND các cấp phải xuống cơ sở, gặp gỡ tìm hiểu những băn khoăn và khó khăn của người dân rồi đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Chỉ khi người dân thấy được đại biểu HĐND có ích cho họ thì họ mới coi trọng.

PV: Từng là Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương, xin đồng chí chia sẻ một vài kỷ niệm sâu sắc về những lần chỉ đạo bầu cử?

Đồng chí Vũ Mão: Tôi nhớ trong các cuộc bầu cử thì vai trò của Tổng Thư ký là vất vả nhất. Đến nhiệm kỳ này thì không còn chức danh Tổng thư ký Hội đồng bầu cử nữa, theo tôi việc không còn chức danh đó là điều rất đáng tiếc. Cái mà tôi trăn trở nhất là số ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương phải phân bổ về các tỉnh, thành phố, ví dụ tổng số là 500 thì trên Trung ương phân về các địa phương khoảng 150 để ứng cử. Tâm lý các đại biểu trên Trung ương muốn chọn chỗ thuận lợi nhất cho mình. Tuy nhiên, chỉ đáp ứng được khoảng 30% còn lại phải đi vào các tỉnh xa Trung ương. Nếu phân công không hợp lý thì có thể không trúng cử, mà đã là đại biểu Trung ương giới thiệu xuống lại không trúng cử thì là điều rất buồn. Song nếu các tỉnh xa Trung ương mà có đại biểu Quốc hội là người Trung ương thì rất tốt. Nguyện vọng của người dân cũng muốn người trong chính phủ, người ở Trung ương tham gia đại biểu Quốc hội ở địa phương mình. Trường hợp đồng chí Nguyễn Sinh Hùng là một ví dụ. Khi đồng chí là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi đã vận động đồng chí vào trong Nam ứng cử, bởi trong đó kinh tế đang phát triển, đổi mới, họ rất cần một người trong lĩnh vực tài chính. Ban đầu đồng chí trúng cử với số phiếu bình thường nhưng qua thực tiễn công tác, đến lần sau đồng chí đã trúng cử với số phiếu rất cao.

PV: Để phát huy tốt vai trò của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, sau bầu cử, theo đồng chí về phía đại biểu và phía cử tri cần phải làm gì?

Đồng chí Vũ Mão: Thứ nhất, chúng ta phải kiện toàn bộ máy nhân sự làm sao đủ mạnh, đủ chất lượng để hoạt động. Thứ hai, phải có ngay một chương trình hành động để triển khai công việc, tổng hợp tất cả các chương trình hành động của các đại biểu ở cả phương để có những cái tinh hoa nhất, cốt lõi nhất, thêm vào đó là những kiến nghị của cử tri thành một chương trình hành động của nhiệm kỳ. Những vấn đề tổng kết khóa XIII, những bài học kinh nghiệm gửi gắm sang khóa XIV, những vấn đề kiến nghị của cử tri phải được tổng hợp và có những giải pháp thực hiện. Thứ ba, hiện nay thực trạng kinh tế, chất lượng bộ máy công quyền, vấn đề nợ công... cần phải có chương trình hành động để giải quyết từng vấn đề cụ thể.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG NHƯỠNG - VĂN THI (thực hiện)