Phóng viên (PV): Tính tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã được Hà Nội chuẩn bị như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Hà Nội đã cơ bản hoàn tất cả về công tác tổ chức và công tác nhân sự. Mọi công việc về bầu cử được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời. Hà Nội đã sớm chủ động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác bầu cử. Các địa phương chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, niêm yết danh sách ứng cử viên và tiểu sử khoa học tại các điểm bỏ phiếu, phát thẻ cử tri và thông báo thường xuyên cho cử tri biết về nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong ngày bầu cử để cử tri tìm hiểu, lựa chọn bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan dân cử.
PV: Các hoạt động tuyên truyền về bầu cử đã được Hà Nội triển khai từ rất sớm trên toàn thành phố. Đồng chí có thể nhận xét về hiệu quả của hoạt động tuyên truyền này?
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hà Nội là địa phương có số cử tri đông và số đại biểu được bầu nhiều nhất cả nước, vì vậy để nhân dân hiểu được ứng cử viên, bầu chọn những người tiêu biểu thì công tác tuyên truyền rất quan trọng. Do vậy, Ủy ban Bầu cử thành phố đã đề nghị các cơ quan báo chí của Hà Nội; Ủy ban Bầu cử các quận, huyện, thị xã tuyên truyền công khai, minh bạch, khách quan về các ứng cử viên để cử tri nắm rõ tiểu sử, quá trình công tác, cơ cấu đại biểu... Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Có thể nói, hoạt động tuyên truyền đã được đẩy mạnh trên toàn địa bàn, góp phần giúp mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi của việc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc.
PV: Vậy những nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Cho đến nay, dù mọi công việc chuẩn bị đã sẵn sàng, song thành phố luôn yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử, các cơ quan, tổ chức hữu quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình chuẩn bị chu đáo và làm tốt từng khâu, từng việc, bảo đảm công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp trên địa bàn diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, tỷ lệ cử tri đi bầu cao, bầu đủ số đại biểu. Công tác tuyên truyền cũng sẽ tiếp tục được tăng cường dưới nhiều hình thức. Thành phố yêu cầu các tiểu ban an ninh trật tự các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, xử lý kịp thời các tình huống gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Cùng với cả nước, thủ đô Hà Nội quyết tâm nỗ lực ở mức cao nhất để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thật sự là ngày hội của toàn dân.
PV: Chương trình hành động của ứng cử viên sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn của cử tri. Vậy theo đồng chí thế nào là chương trình hành động có hiệu quả?
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Điều mà nhiều cử tri quan tâm là người ứng cử khi đã hứa với nhân dân về chương trình hành động cụ thể của mình thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó. Chương trình hành động của các ứng viên phải sát thực với tình hình địa phương, gắn với cuộc sống của nhân dân nơi mình đến vận động bầu cử. Các ứng cử viên cần nghiên cứu kỹ tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương nơi mình đến ứng cử; những khó khăn của cơ sở để từ đó đưa ra kế hoạch nếu trúng cử sẽ tham gia giải quyết khó khăn đó trong nhiệm kỳ tới.
PV: Trên thực tế, ở đâu đó vẫn còn có hiện tượng cử tri đi bỏ phiếu thay người khác. Vậy đồng chí có điều gì nhắn nhủ với cử tri để họ thực hiện tốt nhất quyền công dân của mình?
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc: Việc này diễn ra ở Hà Nội không phải là nhiều. Trình độ của cử tri Hà Nội tương đối cao, trách nhiệm tham gia xây dựng chính quyền của người dân Hà Nội rất tốt. Việc tiếp nhận thông tin đối với cử tri ở Hà Nội rất thuận lợi, nên điều đó có xảy ra, nhưng không phải phổ biến. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đó, phải làm tốt khâu tuyên truyền. Vì thế, Ủy ban Bầu cử TP đã đề nghị các cơ quan báo chí; Ủy ban Bầu cử các quận, huyện, thị xã tuyên truyền công khai, minh bạch và công bằng. Từ đó, để người dân thấy được trách nhiệm, niềm tự hào của mình khi được đi bỏ phiếu, xây dựng bộ máy chính quyền. Tôi tin rằng, nhân dân Thủ đô sẽ đi bầu cử với tỷ lệ cao.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
VŨ DUNG (thực hiện)