Có nhiều công việc khác nhau trong quá trình chuẩn bị bầu cử mà MTTQVN tham gia như tổ chức tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, công tác; tổ chức 3 lần hiệp thương; tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử và giám sát các hoạt động bầu cử. Những công việc này đều được MTTQVN xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách chính thức các ứng cử viên, MTTQVN đang tập trung sang giai đoạn tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên vận động bầu cử.

Đồng chí Lê Truyền. Ảnh: TRƯỜNG GIANG. 


Thông qua các cuộc tiếp xúc giúp cử tri hiểu được từng ứng cử viên và các ứng cử viên cung cấp được thông tin đến cử tri. Đây là năm thứ hai chúng ta tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Cử tri sẽ phải lựa chọn nhiều đại biểu ở các cấp khác nhau, vì vậy, quá trình tuyên truyền phải làm sao để người dân biết được thông tin, từ đó mới quyết định xem lựa chọn ai. Đây là yêu cầu rất khó khăn, không phải đơn giản có thể thực hiện được. Cần phải tạo ra nhiều cơ hội để cử tri và đại biểu tiếp xúc với nhau. Việc thông tin hai chiều phải được thực hiện càng nhiều càng tốt để ứng cử viên có thể trao đổi, đối thoại với cử tri. Thông qua đó, cử tri đặt ra những câu hỏi sát với chương trình hành động của ứng cử viên. Tôi rất hoan nghênh buổi tọa đàm về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Báo Quân đội nhân dânphối hợp tổ chức, hoạt động này sẽ góp phần tích cực để tạo điều kiện cho cử tri có thêm thông tin, nâng cao hiểu biết về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Một vấn đề khác tôi cũng muốn chia sẻ, đó là mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. MTTQVN luôn quan tâm đến cả hai yếu tố này. Yếu tố cơ cấu có vai trò cực kỳ quan trọng bởi các thành phần như: Phụ nữ, thanh niên, người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số… đều rất cần có đại diện trong Quốc hội, HĐND. Khi MTTQVN xây dựng cơ cấu, không thể biết sẽ có bao nhiêu người tự ứng cử, ai tự ứng cử. Người tự ứng cử cũng như người được giới thiệu đều phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn. Ứng cử viên nằm trong thành phần cơ cấu nào sẽ được lựa chọn từ những người cùng thành phần đó. 

Một điểm nữa tôi mong muốn Nhà nước pháp quyền đặc biệt coi trọng đó là vấn đề giám sát và kiểm soát quyền lực. Chúng ta cần phải hiểu gốc của vấn đề là tất cả quyền lực của nhân dân thông qua lá phiếu của mình đã ủy quyền cho cơ quan Nhà nước, trong đó, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quyền lực được kiểm soát qua “tai mắt” của nhân dân, qua báo chí và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước với nhau. Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền, giám sát bầu cử, nâng cao nhận thức của người dân về bầu cử. Báo chí làm tốt nhiệm vụ của mình là góp phần tích cực cho thành công của bầu cử.