Trước hết, đó là sự tin tưởng, quan tâm của cử tri. Có những lần sau khi tôi phát biểu trên diễn đàn Quốc hội đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, thư từ của cử tri bày tỏ sự quan tâm. Đối với tôi, đó chính là niềm mong mỏi mà cử tri gửi gắm cho mình. Song, tôi vẫn còn nhiều điều day dứt, trăn trở khi trong hai nhiệm kỳ chưa truyền đạt được hết tâm tư, tình cảm của cử tri đến với Quốc hội, nhất là những cử tri ở địa bàn còn khó khăn như tại Quảng Trị, nơi tôi ứng cử đại biểu Quốc hội. Khi tôi phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, có những cử tri là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang theo dõi rất kỹ, động viên, ủng hộ, điều đó tạo nên sức mạnh cho người đại biểu. Đằng sau đại biểu chính là nhân dân, là cử tri đã bầu ra mình, đã tin tưởng trao gửi lá phiếu cho chính mình, vì thế tôi luôn tâm niệm phải suy nghĩ để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Cuộc bầu cử lần này được soi sáng dưới ánh sáng Hiến pháp năm 2013 và căn cứ vào các luật quan trọng như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo tôi, trong công tác tuyên truyền phải bám sát Hiến pháp năm 2013, trong đó có quyền tự do dân chủ, quyền trực tiếp và gián tiếp của người dân trong xây dựng chính quyền. Nhân dân trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra người thay mặt cho mình tham gia vào chính quyền ở Trung ương và địa phương, đó là bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Trong tuyên truyền về công tác bầu cử có nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu nói đến ý nghĩa, tầm quan trọng của bầu cử, ngày hội của toàn dân. Giai đoạn 2, gần đến ngày bầu cử, tuyên truyền nhiều về các ứng cử viên, danh sách ứng cử viên, chương trình hành động của họ. Giai đoạn bầu cử tuyên truyền mạnh về việc toàn dân nô nức đi bầu, không bầu thay, bầu hộ. Nếu bầu thay, bầu hộ tức là mình tự tước đi quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền. Khi đã có kết quả bầu cử thì tuyên truyền về kết quả, thắng lợi của cuộc bầu cử. Công tác tuyên truyền phải hết sức lưu ý bảo đảm cơ hội bằng nhau, bình đẳng giữa các ứng cử viên. Luôn thể hiện sự dân chủ, công khai, minh bạch, tránh những biểu hiện thiên lệch trong bầu cử.
Tôi cũng xin nói thêm về mối quan hệ giữa chất lượng và cơ cấu. Đã là cơ quan đại diện thì phải đại diện cho các ngành, các giới, các thành phần của xã hội. Nhưng không vì nhấn mạnh cơ cấu, tính đại diện mà xem nhẹ chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Chất lượng của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là rất quan trọng, vì đại biểu là chủ thể làm nên hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp. Nếu đại biểu không bảo đảm chất lượng, trình độ, năng lực mà có biểu hiện cơ hội, lợi ích nhóm sẽ dễ dẫn đến làm thiên lệch, méo mó chính sách, pháp luật và những quyết định quan trọng.
Vừa rồi, qua giám sát công tác bầu cử ở một số tỉnh, thành phố, tôi thấy ở nhiều địa phương có những cách làm hay, như tổ chức tập huấn cho các đối tượng khác nhau mà sắp tới làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Tập huấn về kỹ năng giao tiếp, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Trong vận động bầu cử, quan trọng nhất là chương trình hành động. Chương trình hành động đừng nói điều viển vông, trên mây trên trời mà nói những vấn đề thiết thực của đất nước, của địa phương. Muốn như thế, ứng cử viên không thể hứa suông mà phải nắm được tình hình địa phương nơi mình ứng cử. Bằng nhiều kênh khác nhau, ứng cử viên cần tìm hiểu kỹ về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, cả những thế mạnh của địa phương cũng như điểm còn bất cập để cùng chung tay góp sức hoàn thành nhiệm vụ. Khi trình bày chương trình hành động của mình, ứng cử viên nên cố gắng tạo sức hút để được cư tri quan tâm, lưu ý, cảm thấy người này xứng đáng bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp, thay mặt cho nhân dân tham gia vào chính quyền Trung ương và địa phương.
BẢO LINH (lược ghi)