Tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước diễn ra chưa đầy 4 tháng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thù trong giặc ngoài còn đầy rẫy. Quân Tưởng hàng vạn tên còn đó. Quân Pháp đã trở lại. Nhân dân đang thiếu đói. Cách mạng bị đe dọa, uy hiếp. Bọn phản động theo quân Tàu Tưởng ra sức quấy rối Tổng tuyển cử của ta. Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhất quyết tiến hành Tổng tuyển cử. Một phần vì vững tin ở cử tri, vững tin ở nhân dân; một phần cần gấp rút có chiếc “áo giáp” chính trị, pháp lý để đối phó với thù trong giặc ngoài, tranh thủ quốc tế, bảo vệ Nhà nước cách mạng non trẻ vừa ra đời. “Áo giáp” đó chính là Quốc hội do dân bầu ra, đại diện cho quốc gia, cho dân tộc. Trước bầu cử đúng một ngày, Bác Hồ đã cùng một số nhà hoạt động chính trị, tôn giáo, phật tử đến chùa Bà Đá (phía trước Báo Nhân Dân ngày nay ở Hà Nội) làm lễ tuyên thệ. Thề rằng: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh, đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”. Lời thề đó được loan truyền, có sức động viên to lớn đối với cả nước. Các cử tri miền Nam, những người đầu tiên nổ súng kháng chiến, đã vừa đi bỏ phiếu, vừa bảo vệ các điểm bỏ phiếu, hòm phiếu. Nhiều nơi bầu cử đã đẫm máu cử tri của miền Nam ruột thịt.
Ở Hà Nội, phố phường như ngày hội. Các cổng chào dựng lên, cờ đỏ sao vàng ngập trời. Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết”, “Cách mạng Tháng Tám muôn năm”, “Việt Nam của người Việt Nam”… giăng khắp nơi. Được sống ở Thủ đô trong khí thế sôi sục cách mạng đó vào ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước, thật khó mà quên được. Khi đó tôi là một thanh niên với tuổi ngoài 20, đang chập choạng vào nghề báo.
Sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đúng 30 năm sau, tháng 4-1976 mới lại có Tổng tuyển cử lần thứ hai trên cả nước, sau Đại thắng mùa Xuân 1975, giang sơn Việt Nam thống nhất, Nam Bắc một nhà. Lần này, tôi không được bầu ở Thủ đô như lần trước. Là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi vừa bỏ phiếu, vừa làm nhiệm vụ ở TP Hồ Chí Minh. Được Ban đại diện báo ở miền Nam cấp cho một chiếc xe hơi, đi khắp các phố phường thành phố từ sáng sớm đến chiều tối ngày bầu cử. Chỉ mới giải phóng chưa đầy một năm, công việc sau chiến tranh còn ngổn ngang như núi, đời sống nhân dân còn đầy rẫy khó khăn, kẻ thù của cách mạng chưa từ bỏ âm mưu phá hoại. Nhưng cũng như không khí tưng bừng, sôi sục ngày bầu cử đầu tiên khi Hà Nội sắp bước vào chiến tranh, TP Hồ Chí Minh vừa ra khỏi chiến tranh đã đỏ rực cờ sao, tràn ngập hoa lá, vang tiếng hát ca đi làm nhiệm vụ công dân, sau bao năm chờ đợi. Được sống trong ngày hội lớn đó của dân tộc ở TP Hồ Chí Minh, càng thấy thấm thía lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Càng thương Bác đã không được vào thăm miền Nam giải phóng như mong muốn lúc cuối đời.
Hai kỷ niệm sâu sắc về hai lần bầu cử Quốc hội, thời gian cách xa nhau đúng 30 năm. Trong suy nghĩ và cảm xúc của tôi, Quốc hội ta có một lịch sử thật anh hùng. Được như vậy, là vì nhân dân ta rất anh hùng và tin vào Quốc hội. Mong rằng, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng đó, đưa đất nước ta tiến lên, vượt mọi khó khăn thử thách, vì một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, hòa bình.
BẢO LINH (lược ghi)