Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Y Biêr Niê, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắc Lắc về công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử tại địa phương. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

  Đồng chí Y Biêr Niê.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được tỉnh Đắc Lắc chuẩn bị như thế nào? 

Đồng chí Y Biêr Niê: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là ngày hội sinh hoạt chính trị dân chủ của các tầng lớp nhân dân. Cử tri sẽ phát huy quyền, nghĩa vụ công dân của mình để bầu ra những người tiêu biểu tham gia cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Thời gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và cơ quan chức năng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh đã thành lập Ủy ban Bầu cử các cấp; ban hành, quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản có liên quan đến công tác bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng; tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú, nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử; kịp thời xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử và người ứng cử. Tỉnh đã thành lập 200 Ủy ban Bầu cử (cấp tỉnh 1; cấp huyện 15; cấp xã 184); 1.791 Ban bầu cử các cấp và 1.849 Tổ bầu cử. Danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong tỉnh đã được công bố với 15 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, 141 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, 947 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện và 9.311 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã. Danh sách các ứng cử viên và cử tri đã được niêm yết đầy đủ… Hiện các ứng cử viên đang tiến hành tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Ngày 22-5-2016, toàn tỉnh sẽ có 1.262.174 cử tri tham gia bầu cử.

PV: Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của tỉnh đã làm gì để bà con hiểu, chấp hành tốt pháp luật về bầu cử, thưa đồng chí?

Đồng chí Y Biêr Niê: Tôi cho rằng, tuyên truyền là một trong những nội dung quan trọng để cuộc bầu cử thành công. Đắc Lắc là tỉnh có đông đồng bào các DTTS sinh sống nên thời gian qua, công tác tuyên truyền về bầu cử được Ủy ban Bầu cử tỉnh tiến hành theo phương châm “gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu, hiệu quả”. Đối với nhân dân, nhất là đồng bào, cử tri các DTTS, chúng tôi lựa chọn nội dung cơ bản, cốt lõi nhất về pháp luật và quy định bầu cử để tổ chức tuyên truyền. Trọng tâm là các vấn đề về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri; những lưu ý khi tham gia bầu cử… Nội dung này được tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng thông qua chuyên trang, chuyên mục của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương; hệ thống truyền thanh, truyền hình, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu; thành lập các đội tuyên truyền lưu động; tổ chức triển lãm sách, tranh ảnh và các hoạt động văn hóa-văn nghệ… Tại địa bàn đồng bào các DTTS, chúng tôi đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đến tận các gia đình tổ chức tuyên truyền về bầu cử; đồng thời thông qua các hình thức giao lưu văn nghệ, sân khấu hóa để tuyên truyền giúp bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu nội dung bầu cử.

PV: Thưa đồng chí, cử tri hiện rất quan tâm việc các ứng cử viên tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử. Vậy các ứng cử viên cần làm gì để công việc này diễn ra hiệu quả, đúng quy định của pháp luật?

Đồng chí Y Biêr Niê: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định, các ứng cử viên được vận động bầu cử bằng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng... Tôi cho rằng, để việc vận động bầu cử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, công khai, đúng pháp luật thì MTTQ các cấp cần phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc cử tri; cung cấp thông tin cần thiết về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, giúp người ứng cử xây dựng chương trình hành động của mình để trình bày trước cử tri…

Bên cạnh đó, các ứng cử viên cần chuẩn bị chu đáo; kết hợp vận dụng linh hoạt các hình thức vận động theo quy định; tìm hiểu kỹ tình hình kinh tế-xã hội, nắm bắt phong tục tập quán, tiếp thu và trao đổi để cử tri rõ; trả lời rõ các câu hỏi mà cử tri quan tâm với quan điểm rõ ràng, giải pháp thực hiện cụ thể. Mặt khác, phải nghiêm cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân; không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Bà con dân tộc Ê Đê xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột cùng cán bộ địa phương trao đổi về công tác bầu cử. Ảnh: Văn Chung 
PV: Phát huy quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cử tri là nhân tố quyết định thành công bầu cử. Vậy cử tri cần lưu ý vấn đề gì khi tham gia bầu cử? 

Đồng chí Y Biêr Niê: Quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cử tri được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể. Để cuộc bầu cử thành công, cùng với công tác chuẩn bị của chính quyền, cơ quan chức năng thì cử tri là nhân tố quan trọng, quyết định đến sự thành công ấy. Theo tôi cử tri phải có thái độ chính trị đúng đắn, tinh thần xây dựng, trách nhiệm to lớn của mình trước nhân dân, dân tộc thông qua lá phiếu dân chủ của mình. Nói cụ thể, trước khi thực hiện quyền bầu cử của mình, mỗi cử tri cần dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các ứng cử viên; đi bỏ phiếu đúng thời gian, đúng nguyên tắc, quy định; sáng suốt lựa chọn và bầu những đại biểu tiêu biểu về phẩm chất, năng lực; tuân thủ tốt nội quy của phòng bỏ phiếu; thực hiện nghiêm pháp luật về bầu cử. Đồng thời, cử tri cũng hết sức tỉnh táo trước những âm mưu chia rẽ, gây mất đoàn kết, tư tưởng bè phái, cục bộ trong quá trình bầu cử.

PV: Thưa đồng chí, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho bầu cử cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Vậy tỉnh đã triển khai các biện pháp gì để thực hiện tốt nội dung này?

Đồng chí Y Biêr Niê: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, LLVT bảo đảm tốt an ninh, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử; giải quyết tốt các vấn đề phức tạp từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự ảnh hưởng đến bầu cử. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phát động quần chúng phòng ngừa, tố giác tội phạm; chủ động nắm và quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng để xử lý, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, chủ động xử lý tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ tốt cho các hoạt động trước, trong và sau ngày bầu cử. Bảo vệ an toàn các điểm tổ chức bầu cử, nơi đặt hòm phiếu, niêm yết danh sách ứng cử viên và cử tri; bảo vệ các mục tiêu trụ sở cấp ủy, chính quyền các cấp…Tôi tin tưởng rằng,với truyền thống cách mạng, sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với đất nước, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắc Lắc sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYÊN THẮNG (thực hiện)