Cử tri thực sự rất quan tâm đến chương trình hành động của các ứng cử viên, bởi đó không chỉ được coi là “lời hứa trước cử tri” nếu trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà thực sự đó còn là cơ sở để cử tri xem xét, đánh giá một ứng cử viên có đủ phẩm chất trở thành một đại biểu đại diện cho tiếng nói của mình hay không. Cùng với quá trình nghiên cứu hồ sơ lý lịch, xem xét quá trình công tác, những việc đã làm được của ứng cử viên đó, khi đó cử tri sẽ quyết định có bầu cho họ hay không.
Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Để có những chương trình hành động có thể thuyết phục được cử tri thì mỗi ứng cử viên cần phải xây dựng chương trình hành động làm sao bảo đảm được hai yêu cầu: Thứ nhất, theo đúng yêu cầu trong các quy định của pháp luật; thứ hai, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mà cử tri nói chung, đặc biệt cử tri nơi người đó ứng cử, mong đợi nhất là những vấn đề mà dư luận xã hội đang bức xúc, hoặc cử tri ở địa phương đó đang hết sức quan tâm mà cần phải có những tháo gỡ, giải quyết.
Khi mà dân trí ngày càng cao, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển ngày càng nhanh và mạnh như hiện nay thì quyền giám sát của nhân dân càng được thể hiện rõ nét, chắc chắn cử tri sẽ không chấp nhận một bản chương trình hành động chung chung hay nặng về lý thuyết suông mà thiếu tính thực tiễn. Một chương trình hành động xa vời, không sát với địa phương, không có giải pháp giải quyết thấu đáo những vấn đề nổi cộm ở địa phương nơi ứng cử viên đó ứng cử thì chắc chắn cử tri sẽ không bao giờ chấp nhận. Một chương trình hành động “vay mượn” sẽ không có chỗ đứng trong lòng cử tri. Hiện nay, hoạt động chất vấn nghị trường đã trở nên phổ biến thì những bản chương trình hành động vay mượn sẽ dễ dàng bị bộc lộ. Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, điều quan trọng đối với chương trình hành động của người ứng cử là khi đã hứa gì với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó. Cử tri tinh tường lắm. Nếu chỉ hứa những điều cử tri muốn nghe nhưng là hứa suông thì không thuyết phục được.
Thực tế cũng đã chứng minh, đã có những ứng cử viên đưa ra chương trình hành động rất hay, rất hấp dẫn, tuy nhiên khi trở thành đại biểu thì họ lại chẳng thực hiện được bao nhiêu trong chương trình hành động đó. Cử tri rất cần một đại biểu thực sự song hành giữa nói và làm. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) từng chia sẻ rằng: Từ trải nghiệm thực tế, tôi thấy, cử tri luôn dõi theo chương trình hành động của đại biểu. Vừa rồi, khi đi tiếp xúc cử tri báo cáo về kết quả hoạt động của mình sau Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, một số cử tri đã đưa ra tờ chương trình hành động của tôi ở đầu nhiệm kỳ mà cử tri vẫn giữ đến tận bây giờ. Cử tri đã soi rọi những điều mà tôi báo cáo với những điều mà tôi đã hứa với cử tri ở trong chương trình hành động trước đây...
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với các nữ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa III (tháng 4-1966). Ảnh tư liệu
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, một chương trình hành động thể hiện được khả năng thực tế của ứng cử viên, đáp ứng được mong đợi của cử tri thì nó phải được xây dựng trên những cơ sở như: Ứng cử viên đó phải nắm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nắm rõ quyền hạn, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để từ đó có được lời hứa trong phạm vi thẩm quyền của mình. Chương trình hành động phải rất sát với cơ sở, với địa phương ứng cử viên đó ứng cử để hiểu được mong muốn của người dân, cử tri cần gì, muốn tháo gỡ những vướng mắc gì? Từng đối tượng, thành phần cơ cấu dân cư ra sao… Và một điều rất quan trọng, ngay sau khi trình bày chương trình hành động, qua đóng góp của cử tri, ứng cử viên phải bổ sung, hoàn thiện chương trình hành động đó. Nếu trở thành đại biểu thì hãy lấy đó làm bản soi rọi trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Để xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì việc bầu cử thành công có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bản chất của Nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật và thực hiện đúng công tác bầu cử chính là thượng tôn pháp luật. Trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là một vinh dự rất lớn nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với mỗi ứng cử viên. Ở đó chắc chắn không có chỗ cho những tư tưởng vụ lợi. Hãy xác định mình là những đại biểu vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc thì mới xứng đáng trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bởi họ chính là những người nói tiếng nói của người dân.
TẠ TRƯỜNG THỊNH