Các đại biểu tham dự đều đánh giá cao việc tổ chức cuộc tọa đàm, đặc biệt là chủ đề của tọa đàm, cho rằng cuộc tọa đàm thực sự mang tầm quốc gia, vì vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn bó mật thiết với toàn bộ chế độ bầu cử ở nước ta. Chỉ khi tổ chức bầu cử thật tốt, thật hiệu quả thì mới có những điều kiện căn bản để tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Với thành phần tham dự tọa đàm là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, đại diện các cơ quan của Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo chính quyền cơ sở, những cử tri đã tham gia đầy đủ 13 kỳ bầu cử Quốc hội, đại diện của cử tri trẻ lần đầu tiên đi bỏ phiếu; cử tri là bộ đội đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo... cuộc tọa đàm đã thu được những ý kiến khá toàn diện về nhiều vấn đề trong công tác bầu cử ở nước ta.
Cuộc tọa đàm được đồng chủ trì bởi Thiếu tướng Phạm Văn Huấn-Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Đinh Quang Tuấn-Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị); Đại tá Phạm Quốc Huy, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội; Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại tọa đàm.
Sự kiện chính trị trọng đại
Phát biểu đề dẫn, Đại tá Đinh Quang Tuấn nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sắp tới là sự kiện chính trị quan trọng. Cùng với thành công đại hội Đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, người có vinh dự được tham gia đầy đủ 13 kỳ bầu cử Quốc hội Việt Nam và chuẩn bị bỏ phiếu lần thứ 14 để bầu người đại biểu đại diện cho mình tại Quốc hội khóa XIV nhớ lại cảm xúc và ký ức vẹn nguyên về lần đầu tiên trong đời được cầm lá phiếu đi bầu, thể hiện quyền của người làm chủ của một quốc gia độc lập. Trung tướng Phạm Hồng Cư gọi lá phiếu đầu tiên ấy là “lá phiếu của tự do” và hồi tưởng cảm giác lâng lâng khi cầm lá phiếu trên tay, “được hít thở bầu không khí của tự do”, khi mà chỉ cách đó ít lâu-trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra-vẫn còn mang thân phận của một người dân mất nước, thân phận người dân của một nước nô lệ, thuộc địa. “Lúc ấy, chúng tôi chưa có nhiều hiểu biết về quyền, nghĩa vụ công dân như ngày nay. Nhưng riêng việc nghĩ rằng hôm nay mình là công dân của nước Việt Nam độc lập, cầm lá phiếu của nước tự do là sung sướng không thể tả”-Trung tướng Phạm Hồng Cư nói.
Ôn cố tri tân, vị tướng cao tuổi của Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, mỗi lần cầm lá phiếu trên tay là mỗi lần ông gửi gắm vào đó rất nhiều kỳ vọng và nguyện vọng. Cũng như vậy, trong lần bỏ phiếu sắp tới, ông kỳ vọng, Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tiếp tục góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thoát được tình trạng tụt hậu so với các nước phát triển, tiếp tục đổi mới, phát triển.
PGS, TS Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia phân tích tính trọng đại của sự kiện chính trị sắp tới thông qua việc nói về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử. Theo đó, mục đích của cuộc bầu cử lần này là không chỉ tổ chức tốt nhất cho người dân thực hiện quyền bầu cử, mà phải thông qua cuộc bầu cử để tiếp tục phát huy trách nhiệm công dân, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc để tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi thách thức đang đặt ra cho dân tộc chúng ta trong bối cảnh hiện nay. Thông qua bầu cử, một lần nữa, nhân dân Việt Nam khẳng định ý chí, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục con đường mà Đảng và nhân dân đã chọn một cách kiên trì, kiên định và kiên quyết, tạo động lực mới cho phát triển đất nước trong bối cảnh rất khó khăn. Thông qua bầu cử, cử tri trực tiếp bầu những người đủ tầm, đủ đức, đủ tài gánh vác công việc của quốc gia, của địa phương trong bối cảnh nhiều cơ hội và không ít thách thức. “Vì vậy, chúng ta kỳ vọng vào cuộc bầu cử này rất nhiều, kỳ vọng vào sự đồng thuận xã hội, bước trưởng thành mới về dân chủ, pháp quyền để chúng ta vững tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và trong cả tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới”, PGS, TS Lê Minh Thông nói.
Mặc dù ý nghĩa của cuộc bầu cử sắp tới rất lớn và không thể phủ nhận như vậy, nhưng bất chấp tất cả, các thế lực phản động, thù địch vẫn luôn tìm mọi cách chống phá, công kích, phá hoại. Theo Trung tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Phòng Bạn đọc-Cộng tác viên (Báo Quân đội nhân dân), các đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn để xuyên tạc, kích động, gây rối, chống phá bầu cử một cách tinh vi trên các trang mạng xã hội, hay phát động phong trào “ồ ạt tự ứng cử” không nhằm mục đích xây dựng mà chỉ để xuyên tạc, bôi nhọ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa...
PGS.TS Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội phát biểu tại tọa đàm
Để làm thất bại những âm mưu đen tối của các thế lực phản động, thù địch, các đại biểu thống nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền để cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn động cơ, mục đích, cách thức và phương pháp phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch này; vận động cử tri thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình một cách đầy đủ, đúng quy định, bởi kết quả cuộc bầu cử sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất của cử tri và nhân dân Việt Nam với các thế lực này.
Đề cao nguyên tắc Đảng lãnh đạo
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải được lý giải để hiểu thấu đáo, cặn kẽ. Trước hết, sự lãnh đạo của Đảng thể hiện qua việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và bầu cử chính là quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. “Tôi đã tham gia bầu cử Quốc hội từ khóa 3 đến nay là 10 khóa. Theo cảm nhận của bản thân tôi, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử luôn rất chặt chẽ, đã tập trung giải quyết một số mối quan hệ. Trước hết là mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá. Phát biểu của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, trong bầu cử, cơ cấu là tất yếu để bảo đảm tính đại diện của cơ quan dân cử, nhưng trong cơ cấu phải tìm được ứng cử viên chất lượng để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp. Bên cạnh đó, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cũng đề cập đến một số mối quan hệ khác như mối quan hệ giữa dân chủ và tiêu chuẩn, quyền làm chủ của nhân dân và tuân thủ pháp luật, dân chủ trong lựa chọn bầu cử của mỗi cử tri gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri.
Đối với nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc chỉ rõ Đảng lãnh đạo Nhà nước thể hiện qua một số điểm cơ bản. Trước hết là đề ra cương lĩnh, đường lối và cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối đó vào chính sách pháp luật. Đảng cũng quyết định cơ cấu tổ chức của bộ máy Nhà nước; giới thiệu các cán bộ, đảng viên ưu tú nắm các chức vụ trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và thực hiện giám sát, kiểm tra hoạt động của Nhà nước.
Đồng quan điểm về vai trò rất quan trọng của hoạt động giám sát đối với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, ông Lê Truyền, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng vấn đề giám sát và kiểm soát quyền lực. “Tất cả quyền lực của nhân dân thông qua lá phiếu của mình đã ủy quyền cho cơ quan Nhà nước, trong đó, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quyền lực được kiểm soát qua “tai mắt” của nhân dân, qua báo chí, cơ quan ngôn luận và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước với nhau ”, ông Lê Truyền bày tỏ.
Nhắc đến cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này, ông Lê Truyền cho biết, đây là lần thứ hai chúng ta tiến hành bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trong cùng một ngày, cử tri sẽ phải lựa chọn nhiều đại biểu ở các cấp khác nhau, vì vậy, quá trình tuyên truyền phải làm sao để người dân biết được thông tin, từ đó mới quyết định xem lựa chọn ai. Diễn giả Lê Truyền cho rằng, cần phải tạo điều kiện để thông tin hai chiều giữa cử tri và ứng cử viên càng nhiều càng tốt. Thông qua đối thoại, trao đổi cử tri có thể đặt ra những câu hỏi sát sao với chương trình hành động của ứng cử viên, tạo cơ sở để đánh giá, lựa chọn. Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá rất cao, hoan nghênh buổi tọa đàm về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Báo Quân đội nhân dân tổ chức, hoạt động này sẽ góp phần tích cực để tạo điều kiện cho cử tri có thêm thông tin, nâng cao hiểu biết về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Ban tổ chức chụp ảnh cùng các đại biểu dự tọa đàm.
Cùng với việc khẳng định nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong đó có công tác bầu cử, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng làm rõ những yếu tố cơ bản để bảo đảm cho thành công của sự kiện chính trị trọng đại này. Trong phần phát biểu của mình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV nhắc đến bản chất của Nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, vấn đề cốt lõi để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công là phải bảo đảm cho cuộc bầu cử đúng pháp luật. Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh phân tích, theo quy định của pháp luật, công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử. Người có quyền bầu cử được gọi là cử tri. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đều là các cử tri, nhưng cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân. “Tham gia bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp là những công dân luôn ở trên tuyến đầu của Tổ quốc nên phải là những công dân mẫu mực. Không những tham gia bầu cử đúng pháp luật mà còn có trách nhiệm động viên, hướng dẫn những thành viên trong gia đình mình và cử tri nơi đơn vị đóng quân tham gia bầu cử đúng pháp luật, thực sự chọn được người có đức có tài làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.
Trực tiếp bỏ phiếu là trực tiếp xây dựng Nhà nước pháp quyền
Đại diện các thành phần cử tri khi phát biểu tại cuộc tọa đàm đều có chung quan điểm là sẽ phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm với lá phiếu của mình để trực tiếp lựa chọn người đại diện của mình tại các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương; đồng thời sẽ chịu trách nhiệm đồng hành để những người đại diện của mình hoàn thành nhiệm vụ đại biểu, trực tiếp và gián tiếp đóng góp công sức xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thay mặt chị em cử tri trong quân đội, Thượng tá Bùi Thị Lan Phương, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, khẳng định, mỗi hội viên phụ nữ Quân đội xác định không chỉ làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, mà còn là một tuyên truyền viên tích cực làm công tác tư tưởng, vận động người thân trong gia đình, bà con thôn xóm, khối phố hiểu sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của bầu cử. Với nhận thức, tham gia bầu cử cũng là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy Nhà nước nói chung, Quốc hội và HĐND các cấp nói riêng, mỗi cử tri nữ sẽ tham gia tích cực và phát huy quyền làm chủ trong bầu cử. Đó cũng là cách để phụ nữ quân đội khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm của “đội quân tóc dài” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại biểu trẻ Trần Thị Thúy (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hứa sẽ đi bỏ phiếu với trách nhiệm cao nhất, theo dõi danh sách đại biểu, sáng suốt lựa chọn người có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân; tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, là cầu nối tích cực vận động gia đình, hàng xóm, bạn bè có trách nhiệm hơn trong cuộc bầu cử.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ tin tưởng, cử tri cả nước sẽ nô nức tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, đại biểu Lê Như Tiến cũng gửi gắm lời nhắn nhủ tới mỗi cử tri: Không bầu thay, bầu hộ, vì nếu bầu thay, bầu hộ là vi phạm pháp luật về bầu cử và tự tước quyền tham gia xây dựng Nhà nước của mình.
Phát biểu kết luận, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cảm ơn các đại biểu đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm; đồng thời nhấn mạnh, các đại biểu đã đi đến thống nhất, đây là cuộc bầu cử để người dân thể hiện quyền lực chính trị cao nhất của mình, quyền lực chính trị ấy chính là bầu ra đội ngũ những người lãnh đạo đất nước. Đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân, nhưng mục đích chính là để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Sẽ không có Nhà nước pháp quyền XHCN nếu như không có việc thực hiện quyền dân chủ của người dân là bầu ra các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Chính các cơ quan quyền lực này với sự theo dõi, giúp đỡ và giám sát của nhân dân, của hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố để quyết định sự thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, cuộc bầu cử cũng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào quốc tế, nên cử tri cần sáng suốt lựa chọn đại biểu để bầu ra hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước có khả năng thực thi cả những vấn đề đặt ra từ hội nhập quốc tế.
Nhóm phóng viên Phòng Biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính