Ngay khi chúng ta giành được chính quyền bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết phải có Hiến pháp và xây dựng hệ thống pháp luật. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Người đề nghị rõ: Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Quốc hội đầu tiên của nước ta đã được bầu từ cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Quốc hội khóa I trong kỳ họp thứ hai ngày 9-11-1946 đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên, trong đó đặt lên hàng đầu nguyên tắc tất cả mọi quyền bính thuộc về nhân dân.
Mục tiêu lớn nhất của bầu cử cũng là để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hoàn thiện nhất. Tại buổi tọa đàm “Chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn (TCCT), Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội tổ chức ngày 28-4 vừa qua, PGS,TS Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng, nói đến bầu cử phải nói đến nhà nước, tổ chức thật tốt kết quả bầu cử thì chúng ta mới có nhà nước pháp quyền. Bầu cử là hình thức giám sát tốt nhất, cao nhất của nhân dân. Chỉ có thông qua bầu cử, người dân mới thể hiện được địa vị làm chủ của mình, thực hiện được quyền chọn ra người thay mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia.
Các chiến sĩ Hải quân Hạm đội 147 bầu cử Quốc hội thống nhất tại hòm phiếu 512, khu vực 4, TP Hồ Chí Minh (4-1976). Ảnh tư liệu
Hiểu thấu đáo thế nào là nhà nước pháp quyền XHCN là điều không dễ đối với mọi tầng lớp nhân dân nói chung cũng như đối với mọi cử tri khi được thực hiện quyền bầu cử. Bởi thế, trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, của công tác tuyên truyền đó là làm sao để người dân hiểu được phần nào mô hình nhà nước ấy. Khi hiểu được phần nào về nhà nước ấy, cử tri càng nhận thấy trách nhiệm của mình cao hơn, vinh quang hơn để góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và chính bầu cử là cách thể hiện trách nhiệm công dân cao nhất, cũng là cách thức thể hiện đúng pháp luật nhất trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng vững mạnh, ngày càng hoàn thiện. Bởi đặc trưng dễ nhận thấy nhất của nhà nước pháp quyền XHCN là thượng tôn pháp luật.
GSTS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước cho rằng, các cuộc bầu cử dân chủ là hoạt động tiêu biểu quan trọng nhất trong các hoạt động dân chủ trực tiếp của người dân. Thông qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền công dân, quyền làm chủ của dân được thể hiện đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN: Mọi quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Phải làm cho cuộc bầu cử đúng là ngày hội của toàn dân, toàn dân hăng hái, nô nức chờ đón ngày được đi bầu cử ra cơ quan đại diện cho mình. Đó là cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân, có cơ cấu hợp lý, hội tụ đầy đủ đại biểu của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, hội tụ đầy đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, nhân văn Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm “Chung tay xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN” tổ chức ngày 28-4 tại Báo Quân đội nhân dân vừa qua, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích: Nhà nước pháp quyền XHCN là mô hình nhà nước mà tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Thứ hai, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan làm chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thứ ba, pháp luật chi phối mọi quan hệ xã hội, tức là tính tối thượng của pháp luật. Thứ tư, nhà nước pháp quyền phải bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 có hẳn một chương về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Thứ năm là tôn trọng luật pháp quốc tế và chính luật pháp quốc tế cũng giúp bảo vệ Nhà nước chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng yêu cầu các nước khác phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Thứ sáu là vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là nguyên tắc của Đảng cầm quyền.
Cử tri Côn Đảo bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Khóa Vi (tháng 4-1976). Ảnh tư liệu
Như vậy, chúng ta đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chính là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại diện – cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Tham gia bầu cử chính là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo PGS, TS Lê Minh Thông, chỉ có qua bầu cử thì người được bầu mới trở nên tự tin hơn, vì thấy mình có “sức mạnh” thực sự. Nếu bầu cử càng tốt, càng minh bạch thì tính chính đáng càng cao và sẽ được nhân dân tin tưởng hơn. Do đó cần tuyên truyền làm sao để người dân thực hiện việc bầu cử tốt nhất, thể hiện được sức mạnh niềm tin của cử tri. Tỷ lệ bầu càng cao thì người được bầu càng tự tin vì đằng sau họ là nhân dân, vì được nhiều người tin tưởng giao phó và từ đó càng có trách nhiệm hơn với xã hội, với nhân dân. “Nói đến bầu cử là nói đến dân chủ, nói đến dân chủ là nói đến nhà nước pháp quyền, không có bầu cử thì không bao giờ có nhà nước pháp quyền. Vì vậy, để xây dựng nhà nước pháp quyền phải chăm lo, chỉ đạo, thực hiện tốt quyền bầu cử trong tư cách là quyền chính trị quan trọng bậc nhất của công dân”, PGS, TS Lê Minh Thông khẳng định.
Ngày hội non sông, cử tri cả nước đi bầu cử đã đến gần. Mỗi cử tri bằng trí tuệ, trách nhiệm công dân của mình hãy sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn”.
NGUYỄN HÀ MY