Nguyễn Văn Trân, Phó chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình:

Hòa vào không khí ngày hội lớn

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, huyện Kiến Xương có 9 đơn vị bầu cử với 249 điểm bỏ phiếu. Từ nhiều tháng nay, công tác chuẩn bị bầu cử ở địa phương chúng tôi đã được quan tâm đặc biệt, mọi công việc được tiến hành khẩn trương, tỉ mỉ, dân chủ và đúng luật. Ủy ban bầu cử huyện đã tổ chức tập huấn công tác bầu cử cho 1.132 đại biểu. Từ ngày 14 đến 17-5, Ủy ban bầu cử huyện đã chia làm 3 đoàn đi kiểm tra tất cả các điểm bầu cử trên địa bàn. Trước ngày hội lớn một vài ngày, công tác chuẩn bị bầu cử tại các xã và điểm bỏ phiếu đều đồng bộ. Các điểm bỏ phiếu bầu cử được chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác bầu cử, như: Tăng âm, loa, đài, mi-crô, băng, đĩa tuyên truyền, cổ động trước và trong khi bầu cử... 19 điểm bỏ phiếu tại nhà dân (vì nhiều thôn chưa có nhà văn hóa) được Ủy ban bầu cử huyện đặc biệt quan tâm. Từ nhiều tuần qua, Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Kiến Xương đều dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử. Các tổ chức đoàn thể các cấp trong huyện cũng chú trọng tuyên truyền công tác bầu cử lồng ghép trong các buổi hội họp, sinh hoạt của tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho các hội viên, đoàn viên về công tác bầu cử. Gần đến ngày bầu cử, các cử tri đều có ý thức đến điểm bỏ phiếu để xem thông tin về những ứng cử viên trên danh sách được niêm yết, đây chính là cơ sở để cử tri hòa mình vào ngày hội lớn, lựa chọn bầu ra các đại biểu có đức, có tài, làm tròn trách nhiệm công dân.

Hà Nội rực rỡ trong ngày hội lớn của đất nước. Ảnh: Tuấn Huy.

Trung tá Nguyễn Hữu Quang, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1:

Gửi niềm tin qua lá phiếu

Chúng tôi xác định, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh, đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, ngay từ khi có hướng dẫn của cấp trên, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt mọi công tác cho ngày bầu cử. Trong đó, chúng tôi chú trọng tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nắm chắc các nội dung của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; các đối tượng được tham gia bầu cử; tỷ lệ đại biểu là nữ giới; tiểu sử, nội dung liên quan đến các đại biểu ứng cử... giúp bộ đội nắm chắc quy định, hiểu rõ trách nhiệm của mình để cùng nhau gửi niềm tin qua lá phiếu, lựa chọn đại biểu xứng đáng, nói lên được nguyện vọng, tiếng nói chung của cử tri.

Ngoài tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh nội bộ, chúng tôi còn đưa những nội dung liên quan đến bầu cử vào ‎các buổi sinh hoạt, học tập; qua hệ thống pa-nô, bảng tin. Trung đoàn cũng tổ chức các buổi học tập chuyên đề về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Tại các tiểu đoàn, đại đội cũng tổ chức các buổi sinh hoạt, học tập về nội dung trên, đồng thời lồng ghép vào ngày chính trị-văn hóa-tinh thần...

Ông Lừ Kim Hồng, 86 tuổi, dân tộc Thái, trú tại bản Khoa, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La:

Ấn tượng sâu sắc về những lần đi bầu cử

Sáng 22-5, tôi sẽ cùng người thân trong gia đình đi tới trung tâm xã Mường Khoa để thực hiện quyền công dân, bỏ phiếu bầu những đại biểu ưu tú nhất vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Còn nhớ, lần đầu tiên tôi được tham gia bầu cử là năm 1960, năm đó là bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. Mặc dù là sinh viên mới ra trường, nhưng tôi ý thức được tầm quan trọng của mỗi lá phiếu, thấy được trách nhiệm của bản thân với đất nước. Con đường tới địa điểm bầu cử rất khó khăn, chúng tôi phải vượt sông Đà bằng thuyền thô sơ rồi đi bộ tới điểm bỏ phiếu. Không khí ngày bầu cử thật sôi nổi, hào hứng và nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân.

56 năm trôi qua, lần bầu cử nào cũng cho tôi cảm xúc như lần đầu tiên đi bầu cử. Mặc dù người dân quê tôi còn nghèo, đường sá đi lại khó khăn, ít được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cử tri chúng tôi luôn mong muốn sẽ được góp phần công sức nhỏ bé của mình để lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Chúng tôi gửi gắm niềm tin vào những đại biểu được cử tri lựa chọn, mong họ sẽ luôn lắng nghe và giải quyết những thắc mắc của người dân, đặc biệt quan tâm hơn tới các chính sách hỗ trợ cho các xã còn gặp nhiều khó khăn như xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La của chúng tôi.

Một góc TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc) trước ngày bầu cử. Ảnh: Lại Nguyên Thắng. 

Nguyễn Đức Thuận, số nhà 169 phố Xã Đàn, quận Đống Đa, TP Hà Nội:

Tiếp xúc thường xuyên với đại biểu là biện pháp giám sát hiệu quả nhất

Là cán bộ đã nghỉ hưu lâu năm và trải qua nhiều cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, tôi nhận thấy: Điều cử tri chúng tôi trăn trở nhất, đó là sau khi trúng cử các đại biểu sẽ làm gì cho dân, cho nước. Các đại biểu có thực hiện đúng như những gì họ đã hứa trong “Chương trình hành động” mà họ đã tiếp xúc với cử tri trước đó hay không? Với những đại biểu sinh sống hoặc sinh hoạt tại địa phương thì việc giám sát đơn giản hơn vì cử tri chúng tôi sẽ biết được họ đã làm gì và chưa làm gì sau khi trúng cử. Trên cơ sở đó kịp thời góp ý để các đại biểu phát huy hết khả năng của mình. Nhưng còn đại biểu không sinh sống ở nơi ứng cử, cử tri không được tiếp xúc nhiều, không biết nhiều thì phải làm sao?

Chính vì vậy, cử tri chúng tôi có một kiến nghị, với những đại biểu không ở nơi ứng cử thì ngoài tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp, định kỳ nên tổ chức gặp gỡ, trao đổi với cử tri tại địa phương và thông báo cho người dân biết họ đã và sẽ làm gì. Đây chính là cơ sở để cử tri có thể theo dõi, giám sát đối với những người mà mình đã lựa chọn bầu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có thực hiện đúng những lời hứa với cử tri trước khi bầu cử không.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Hùng (Đồn Biên phòng Dào San, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu):

Vinh dự và trách nhiệm

Ngày 22-5, cũng như cử tri cả nước, chúng tôi-những chiến sĩ trẻ Đồn Biên phòng Dào San, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu cầm lá phiếu đi thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình lựa chọn, bầu những đại biểu ưu tú nhất vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Qua cuộc bầu cử, mong rằng cử tri cả nước sẽ chọn được những đại biểu có đức, có tài đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, qua đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Lần đầu được cầm lá phiếu cử tri để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, ban đầu tôi cũng rất hồi hộp, lo lắng, nhưng sau khi được chỉ huy đơn vị cung cấp đầy đủ thông tin về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, thông tin về các ứng cử viên, cách viết phiếu, gạch phiếu… tôi đã rất tự tin và sẵn sàng đi bầu cử. Được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc bầu cử tại nơi đơn vị đóng quân, tôi và các đồng đội quyết tâm sẽ mang hết tinh thần trách nhiệm của mình để bảo vệ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp.

NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG BẠN ĐỌC VÀ CỘNG TÁC VIÊN