QĐND - Gần ba thập kỷ nay, có Xuân nào ta không nói tới hai từ Đổi mới? Có tháng nào, ngày nào hai từ ấy không hiện hữu trên báo chí và trong lòng mỗi người chúng ta?
Đổi mới là cách mạng. Tiến trình Đổi mới có lúc nhanh, lúc chậm, lúc trầm lắng, lúc thăng hoa. Nhưng dòng chảy chính vẫn là tiến về phía trước.
Mùa xuân này, nói gì về Đổi mới?
Bỗng nhớ lại buổi trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hội nghị bàn tròn các nhà báo châu Á-Thái Bình Dương họp tại TP Hồ Chí Minh, tháng 1-1988. Nhà báo Nhật Su-du-ki hỏi về đánh giá tình hình sau một năm Đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu lên những việc làm được và cả những khó khăn, rồi nói: “Tôi thường ví xã hội chúng tôi như một người bị ốm nặng, không thể có một vị thuốc thần nào lập tức có thể giúp đứng dậy đi ngay và chạy ngay được!”.
 |
Pháo hoa mừng Xuân trên bầu trời Thủ đô. Ảnh: Vũ Khánh Chi.
|
Lời nói trên rất thật. Chả là thời điểm Đại hội VI (năm 1986) khai sinh ra Đổi mới, chính là lúc đất nước ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng. 5 biểu hiện nghiêm trọng nhất: Sản xuất trì trệ, thất nghiệp gia tăng, lưu thông phân phối rối loạn, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn… Đầu tháng 4-1987, tại Hội nghị Trung ương 2, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói: “Không cần phải suy nghĩ nhiều, mỗi chúng ta đều thấy rõ, hiện nay lạm phát đang là vấn đề nghiêm trọng nổi lên trong nền kinh tế nước ta. Nó được biểu hiện trên bề mặt xã hội đến mức mà mỗi bà nội trợ, mỗi người dân đều cảm nhận được hằng ngày. Chỉ trong vòng hơn một năm, khối lượng tiền tệ ném vào lưu thông đã tăng lên rất nhiều lần” (lúc này lạm phát đang ở mức 3 con số).
Ngày 29-12-1987, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VIII, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói: “Những sai lầm do duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp khiến cho làm ăn thua lỗ, chẳng những ăn hết vốn tự có mà còn ăn cả vào vốn các nước bạn bè cho vay và giúp đỡ, ăn cả vốn đi vay bằng đô-la của một số nước. Nói nôm na như là nấu nồi cơm, ăn hết cơm rồi, vét cháy ăn, rồi ăn luôn cả nồi”.
Lúc ấy có người ví: Khủng hoảng đang lồng lên như một con ngựa bất kham. Nhưng bất kham đến đâu rồi cũng có một bàn tay kỵ sĩ biết kiềm cương. Một năm… Hai năm… Rồi ba năm… Đến năm thứ tư, năm Canh Ngọ (1990), năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 1986-1990, khủng hoảng chưa ra khỏi nhưng đã được ngăn chặn và đẩy lùi một bước. Đổi mới đã giành được những thành tựu bước đầu quan trọng. Người ốm nặng đã đứng dậy và thẳng lưng đi. Đó là cơ sở để bước vào năm Tân Mùi (1991), Đại hội VII của Đảng đề ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”-Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta thời kỳ Đổi mới!
Năm Bính Tý 1996, Đại hội VIII của Đảng (tháng 7-1996) khẳng định: Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội! Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm Tân Tỵ 2001, năm mở đầu thế kỷ 21, với tầm nhìn thế kỷ, Đại hội IX của Đảng ta đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 “đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, tạo nền tảng để đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Vậy là tròn tuổi 15, chàng Dũng sĩ Đổi mới của chúng ta đã làm nên nghiệp lớn!
Năm Bính Tuất 2006, Dũng sĩ Đổi mới tròn 20 tuổi. Tổng kết 20 năm Đổi mới, Đại hội X của Đảng khẳng định: Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt của đất nước đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều…
Với chủ trương tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cả nước hướng tới gia nhập WTO, sẵn sàng đưa con tàu Việt Nam ra biển khơi.
Và năm Tân Mão 2011, nhìn lại thập niên đầu thế kỷ, Đại hội XI của Đảng đánh giá, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Mười năm (2011-2020) phải là mười năm phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) còn phóng tầm nhìn xa hơn: Từ nay đến giữa thế kỷ 20, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vậy là, mấy mươi năm về trước, từng được ví như một người ốm nặng vừa gượng dậy, đất nước ta nay đã trở thành một lực sĩ mạnh khỏe, tự tin sải bước đi lên. Nhưng quy luật của tự nhiên, xã hội và con người không phải không có chỗ giống nhau. Một người ốm yếu phút chốc có thể trở thành mạnh khỏe. Còn người cường tráng cũng có lúc nhức đầu sổ mũi, nhất là những khi trái gió trở trời…
Bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI vừa qua là bốn năm thử thách cam go. Trên mặt trận kinh tế, lại diễn ra một trận chiến mới, rất quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Đó còn là trận chiến nhằm thực hiện ba đột phá chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế.
Một năm… Hai năm… Ba năm… Rồi bốn năm. Năm 2014, một chuyển biến đi lên dần rõ nét. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP tăng trưởng 5,8%, quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Và năm Ất Mùi 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Cơ hội và thách thức vẫn còn đan xen. Cần có bản lĩnh thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch 5 năm này, để rồi tiến lên mạnh mẽ hơn trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Trách nhiệm ấy đè nặng lên vai năm con dê.
Trong vòng ba mươi năm Đổi mới, năm con dê ba lần ra mắt. Hai lần trước đều đem lại điều may mắn: Tân Mùi 1991 và Quý Mùi 2003. Vậy con dê Ất Mùi 2015, với đôi sừng cứng cáp, ắt sẽ đem lại điều may mắn mới. Nó không chỉ húc đổ giậu thưa mà còn có sức húc đổ những rào cản dày như tham nhũng, lãng phí, quan liêu xa dân… của những tiêu cực xã hội, để dọn quang đường tiến lên.
Đó là điều ta tin tưởng!
Xuân Ất Mùi 2015
HÀ ĐĂNG (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương)