QĐND - Trong các năm 1992-1994, tôi có may mắn được tham gia cùng Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân và một số cơ quan chức năng, thực hiện ước nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là phối hợp xác minh, thu thập thông tin đầy đủ về danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ)-tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Từ lâu, Đại tướng đã đau đáu nỗi niềm: 34 đội viên Đội VNTTGPQ khi thành lập đội, ai còn, ai mất, hoàn cảnh gia đình ra sao; đã được giải quyết chế độ, chính sách như thế nào? Trên cơ sở kết quả khảo sát hết sức công phu và nhiều cuộc hội thảo, năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập QĐND Việt Nam, nhóm tác giả thuộc Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã hoàn thành cuốn sách “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”. Khi chúng tôi đến tặng cuốn sách, Đại tướng rưng rưng xúc động, mắt rớm lệ khi lật mở từng trang, thấy lần lượt hiện về hình ảnh đồng đội của mình-34 đội viên Đội VNTTGPQ ngày đầu thành lập (22-12-1944).
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên năm 2004. Ảnh: Đoàn Hoài
|
Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một danh tướng lừng danh, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”. Ông không chỉ là một thiên tài quân sự, mà còn là một vị tướng suốt đời giữ trọn “đức nhân” trong “đạo làm tướng”. “Đức nhân” trong con người ông được biểu hiện qua những mối quan hệ chủ yếu: Với nhân dân; với bộ đội; với kẻ địch và với chính bản thân mình.
Với nhân dân, Võ Nguyên Giáp luôn hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân”, “nước lấy dân làm gốc” của các bậc tiền nhân. Ngay từ buổi đầu thành lập Đội VNTTGPQ, ông đã soạn thảo “Mười lời thề danh dự” của đội và trực tiếp huấn thị các đội viên thấm nhuần sâu sắc nội dung “Mười lời thề danh dự”, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ quân-dân. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, trên cương vị là Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên nhắc nhở các mặt trận, các địa phương “thà mất đất chứ nhất quyết không để mất dân”. Với ông, yếu tố chính trị quần chúng là chỗ dựa không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của quân đội cách mạng. Ông là một trong số những học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng tạo dựng hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Với bộ đội, vị Đại tướng-Tổng Tư lệnh như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, chiến dịch lớn, ông thường viết thư thăm hỏi, động viên bộ đội và rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; luôn coi trọng việc mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể; lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới. Đã là người cầm quân, ai cũng phải khát khao chiến thắng, song ở Võ Nguyên Giáp, không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá, mà phải làm sao chiến thắng luôn đi kèm với giảm thấp nhất hy sinh xương máu của bộ đội. Ông luôn quan niệm: Quý trọng sinh mệnh của cán bộ, chiến sĩ, suy cho cùng cũng là quý trọng sinh mệnh của dân.
Đối với kẻ địch, thấm nhuần sâu sắc tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”.
Với chính mình, ông là một người nghiêm khắc nhưng khiêm tốn, bình dị, bao dung và độ lượng. Võ Nguyên Giáp luôn giáo dục cấp dưới đã biết “nhân hòa” thì không kiêu căng; cán bộ không được kiêu căng với chiến sĩ; kiêu căng ắt tạo ra kiêu binh; đã coi trọng “nhân hòa” thì phải biết khiêm nhường. Đức khiêm nhường và đức hy sinh đều là những biểu hiện cao cả của nhân hòa và dũng khí.
Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC LONG, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.