QĐND - Ngay khi công bố danh hiệu “Nhân vật của năm” thuộc về những người trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch Ê-bô-la, Tạp chí Time, Mỹ, đã nhận được sự đồng tình của đông đảo công chúng trên thế giới.
Trên trang bìa Tạp chí Time đã in 5 gương mặt đại diện cho những người chống lại “thần chết” Ê-bô-la. Đó là bác sĩ Ken Bran-ly, bác sĩ Giê-ri Brao, y tá Sa-lô-mê Ca-oan, tình nguyện viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), y tá Ka-xi Hích-cốc và Pho-đây Gan-la, lái xe cứu thương.
Ken Bran-ly là bác sĩ người Mỹ đầu tiên nhiễm vi-rút Ê-bô-la tại Li-bê-ri-a. Tháng 10-2013, Ken đã cùng gia đình chuyển tới sống tại Li-bê-ri-a. Mục đích ban đầu của Ken không phải là để chiến đấu với dịch Ê-bô-la nhưng anh tập trung vào công việc này khi dịch bệnh bắt đầu lây lan. Đến giữa tháng 7-2014, khi nhận thấy cơ thể mình xuất hiện những triệu chứng nhiễm vi-rút Ê-bô-la, Ken đã tự cách ly mình. Khi ấy, trung tâm điều trị bệnh Ê-bô-la chỉ còn một liều huyết thanh trị Ê-bô-la duy nhất. Ken đã từ chối nhận và nhường cho đồng nghiệp, Nan-xi Rai-bôn, một nhân viên cứu trợ cũng bị nhiễm Ê-bô-la. Đầu tháng 8, anh được chuyển về Mỹ. Việc điều trị cho Ken tiến triển hết sức tốt đẹp.
 |
Bìa Tạp chí Time vinh danh những "chiến binh" trên mặt trận chống Ê-bô-la |
Khác với Ken Bran-ly, Pho-đây Gan-la, 33 tuổi, là một lái xe cứu thương ở thủ đô Môn-rô-vi-a ở Li-bê-ri-a. Vào tháng 8-2014, Pho-đây phải chở một cậu bé 4 tuổi từ nhà tới bệnh viện. Trước đó, chính anh đã đưa 7 thành viên của gia đình này đi cấp cứu và cả 7 người đều đã tử vong. Đến nhà cậu bé, Pho-đây nhìn thấy cậu đang nằm thoi thóp và nôn mửa. Anh nhanh chóng bế cậu bé và đưa ra xe. Cậu bé liên tục nôn thẳng vào ngực Pho-đây. Lúc này, anh mới phát hiện ra bộ đồng phục bảo vệ đang mặc không hề kín. Nhưng bất chấp mối hiểm nguy, Pho-đây nhanh chóng lái xe tới trung tâm điều trị của MSF. Ngay ngày hôm sau, Pho-đây bắt đầu bị sốt. Anh đã tự cách ly mình khỏi gia đình. May mắn, sau hai tuần điều trị, Pho-đây thoát khỏi cơn nguy kịch. Lập tức, anh trở lại với công việc lái xe cứu thương cấp cứu những bệnh nhân Ê-bô-la. Hơn thế, niềm lạc quan của anh còn được truyền cho những bệnh nhân đang tắt dần hy vọng sống.
Giê-ri Brao, 44 tuổi, là một bác sĩ phẫu thuật người Li-bê-ri-a. Anh đã biến nhà nguyện của bệnh viện-nơi mình công tác thành trung tâm điều trị Ê-bô-la đầu tiên trên đất nước này. Bệnh dịch ngày càng bùng phát dữ dội, số bệnh nhân Ê-bô-la được chuyển về trung tâm của Giê-ri ngày càng tăng, khi trong tay anh và đồng sự có rất ít tiền, rất ít thuốc men. Không cam lòng nhìn những bệnh nhân liên tiếp ra đi, Giê-ri quyết định thử nghiệm điều trị Ê-bô-la bằng các sản phẩm vi-ta-min. Thần may mắn đã mỉm cười với anh. Tình hình sức khỏe của những bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này tiến triển khả quan. Đến tháng 9-2014, cứ hai bệnh nhân lại có một người sống sót. Dần dần, tỷ lệ này ngày càng tăng. Trong khi trước đó, không một bệnh nhân Ê-bô-la nào sống sót ra khỏi trung tâm của Giê-ri.
Ngoài Ken Bran-ly, Pho-đây Gan-la, Giê-ri Brao, hai khuôn mặt còn lại trên bìa Tạp chí Time là Ka-xi Hích-cốc và Sa-lô-mê Ca-oan. Ka-xi là một nữ y tá 33 tuổi đến từ bang Mên, Mỹ. Đau đớn trước sự tàn phá của dịch Ê-bô-la, cô đã kháng lệnh cách ly những y sĩ, bác sĩ chống Ê-bô-la từ Tây Phi trở về nước. Trong khi đó, Sa-lô-mê Ca-oan đã túc trực bên giường bệnh, tắm rửa và chăm sóc những người nhiễm vi-rút Ê-bô-la dù bố và mẹ cô đều đã thiệt mạng vì vi-rút này.
PHẠM VĂN LONG