QĐND - Từ một món ăn phổ biến của người Pháp, món bánh mì kẹp thịt của Việt Nam đang trở thành một hiện tượng ẩm thực của thế giới. Thậm chí, làm cả thế giới ẩm thực "phát cuồng"…

Bánh mì kẹp đã trở thành đặc sản của ẩm thực Việt Nam

Ngày 24-3-2011, “bánh mì” chính thức được Từ điển Oxford vinh danh, trở thành món ăn thứ hai của Việt Nam, sau phở, được cả thế giới say mê. Thậm chí, phóng viên Đài BBC, Báo Restaurant News hay Ca-mê-rôn Xtau-xơ, người từng là đầu bếp cho Tổng thống Ca-na-đa, đều ca ngợi bánh mì kẹp thịt Việt Nam ngon nhất thế giới. Bánh mì được xếp vào một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, lên ngôi tại ô-xtrây-li-a, được ưa chuộng ở châu âu và đang “làm mưa làm gió” tại Mỹ. Từ “bánh mì” còn được những người say mê ẩm thực trên thế giới gọi theo nguyên tên chứ không dịch theo tiếng Anh thành “bread”, “baguette” hay “sandwich”.

Không giống như món phở thuần Việt, bánh mì vốn không có nguồn gốc từ Việt Nam. Bởi lẽ đơn giản, người Việt trước kia không trồng lúa mì-nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh mì. Đến tận thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, bánh mì dưới dạng bánh sandwich kẹp bơ, pa-tê và thịt nguội, hoặc baguette dài với lớp vỏ cứng ăn với súp mới xuất hiện. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, sandwich và baguette chỉ để phục vụ đội quân viễn chinh Pháp và một số gia đình quyền chức ở Việt Nam. Thậm chí, nó còn được coi là một món ăn quý tộc, chưa được nhiều người tiêu dùng bình dân biết đến. Hơn nữa, hai món ăn này đều khô, không hợp với khẩu vị người Việt. 

Sau khi sandwich và baguette vào Việt Nam ít lâu, các đầu bếp Việt Nam đã sử dụng thêm những nguyên liệu địa phương và bình dân hóa món ăn này. Chiếc bánh mì Việt khác khá nhiều so với nguyên gốc. Với chiếc bánh, các đầu bếp Việt sử dụng nhiều bột nở hơn, khiến vỏ mỏng, ruột xốp mềm, không cứng như baguette. Phần nhân được Việt hóa rất nhiều, ngoài pa-tê, các đầu bếp còn cho thêm vào thịt lợn, rau thơm, dưa chuột và đương nhiên là nước sốt-linh hồn của những chiếc bánh mì kẹp. Bánh mì kẹp thịt trở thành sản phẩm của sự giao thoa văn hóa và ẩm thực, chứa đựng nét tinh tế của phương Đông lẫn phương Tây. Trong đó, nó khắc phục được sự khô khốc của baguette hay sandwich bằng các loại rau, trở thành một món ăn đầy đủ triết lý âm-dương tương sinh.

Những nguyên liệu làm nên chiếc bánh mì kẹp Việt Nam nổi tiếng thế giới. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Con đường của bánh mì kẹp Việt Nam bắt đầu trải dài kể từ năm 1954. Sau khi quân Pháp rút khỏi miền Bắc, những người dân di cư đem theo chiếc bánh mì kẹp vào Sài Gòn. Rồi từ Sài Gòn, sản phẩm ẩm thực độc đáo của Việt Nam đi khắp thế giới, sang Mỹ, châu âu, rồi cả ô-xtrây-li-a và các nước Đông Nam á.

Khoảng hai năm trở lại đây, chiếc bánh mì kẹp thịt Việt Nam trở nên nổi tiếng toàn thế giới, khi các thực khách năm châu, ai ai cũng khuyên nhau thưởng thức. Nhà báo Rô-bớt Mo-xơ của tờ Charleston City Paper, Mỹ, phải thốt lên kinh ngạc: “Món bánh mì của Việt Nam thực sự đã trở thành một hiện tượng ở Cha-le-xtơn. Chúng đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ khu chợ của những người nông dân, cửa sổ của một chiếc xe tải bán thực phẩm lưu động, hay trên bảng thực đơn tại các cửa hàng bán bánh sandwich ở trung tâm thành phố". ở Mỹ, có hàng chục quán bán bánh mì nổi tiếng của Việt Nam như: New Saigon Sandwich, Vietnamese Sandwiches & Bubble Tea, Banh Mi House, Banh Mi Nhu Lan, Banh Mi Ngon, Banh Mi Ba Le… ở Anh không thể không nhắc tới quán Banh Mi 11 nổi tiếng do hai chị em người Việt mở. ở Ma-lai-xi-a, thương hiệu bánh mì mang tên ô Bánh Mì được người dân vô cùng yêu thích. Tập đoàn Yum Brands sở hữu hai chuỗi hiệu ăn nhanh nổi tiếng thế giới-KFC và Pizza Hut-đã mở ra một hiệu bánh mì ở bang Tếch-dát (Mỹ) và đặt tên là Banh Shop.

So với chiếc bánh mì kẹp thịt truyền thống, những chiếc bánh mì kẹp hiện tại muôn hình muôn vẻ hơn nhiều. Chỉ với chiếc bánh mì nóng giòn, người ta có thể kẹp vào đó đủ loại nhân ưa thích. Tuy nhiên, dù theo cách nào thì chiếc bánh mì kẹp Việt Nam không thể thiếu các loại rau để tạo nên một sự kết hợp Đông-Tây hoàn hảo.

Bài và ảnh: VÕ THỤY PHƯƠNG