QĐND - Năm 2014 có một điểm nóng, một sự kiện, đều liên quan đến nước Nga. Điểm nóng, là U-crai-na; sự kiện, là việc bán đảo Crưm được sáp nhập vào nước Nga. Châu Âu đã phải vẽ lại bản đồ của mình…
“Con cáo” NATO và “miếng mồi” không gian hậu Xô-viết
Có lẽ khi tiếp tế nước và thức ăn cho những người biểu tình trên Quảng trường Mai-dan ở thủ đô Ki-ép của U-crai-na, cũng như tiếp đón các nhà lãnh đạo phe đối lập với chính quyền của Tổng thống V.Y-a-nu-cô-vích, nhiều chính khách phương Tây không bao giờ có thể ngờ được rằng, họ đang làm công việc chuẩn bị vẽ lại đường biên ở châu Âu! Chính xác hơn là một phần đường biên của nước Nga với U-crai-na.
Bất ngờ là ở chỗ, người cầm bút vẽ lại đường biên không phải là các chính trị gia trong những hành lang quyền lực phương Tây, mà là người đàn ông lần thứ hai liên tiếp được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là người quyền lực nhất thế giới: Tổng thống Liên bang Nga V.Pu-tin.
Nhưng câu chuyện nào cũng có những căn nguyên của nó.
Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết trong thập niên cuối cùng của thế kỷ trước đã chứng kiến một trong những vụ “lấn chiếm” không gian ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. Một nhà nước hùng mạnh bỗng vỡ vụn dưới sức nặng của những sai lầm tích tụ và bởi những đòn đánh hiểm độc từ bên ngoài, dĩ nhiên để lại một khoảng trống quyền lực mênh mông từ Á sang Âu, từ Trung Đông đến châu Phi. Nước Nga, quốc gia kế thừa hợp pháp vai trò và vị trí Liên bang Xô-viết trước đây đứng trước một bi kịch: Tài sản quốc gia bị đám tài phiệt xâu xé, chia chác với giá rẻ mạt; các nguồn lực của đất nước bị suy giảm đến mức kiệt quệ.
Thực trạng đó đặt NATO, tổ chức quân sự vốn là một đối trọng trong suốt nửa thế kỷ với khối Hiệp ước Vác-sa-va do Liên Xô đứng đầu, trước một cơ hội lớn: Nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng, lấn sâu vào không gian hậu Xô-viết.
Đấy là một “cuộc hành binh về phía Đông” hầu như không có điểm dừng. Năm 1999, Ba Lan, Hung-ga-ri, CH Séc, những đồng minh thân thiết một thuở của Liên Xô, khi ấy là nước Nga, trở thành những nước đầu tiên thuộc khối Hiệp ước Vác-sa-va gia nhập NATO.
Năm năm sau, tháng 3-2004, NATO mở một đợt kết nạp mới, thu nhận thêm: Ê-xtô-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Xlô-vê-ni-a, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Xlô-va-ki-a; ba trong số những thành viên mới này của NATO, trước đó, thậm chí còn là những nước Cộng hòa Ban-tích thuộc Liên Xô (trước đây)!
Thêm một quãng thời gian 5 năm nữa, đến tháng 4-2009, đến lượt: An-ba-ni, Crô-a-ti-a vào NATO. Các nước như: Ma-xê-đô-ni-a, Bô-xni-a Héc-xê-gô-vi-na, Mông-tê-nê-grô, Xíp, Gru-di-a cũng nhận được “thiếp mời” của NATO. Một bức màn sắt vô hình cứ áp sát dần biên giới nước Nga. Con cáo lần lượt thò từng cái chân vào trong chuồng gà mà cũng chẳng thèm xin phép một cách chiếu lệ rằng “cho tớ gửi nhờ cái chân một chút vì rét quá”.
Nhưng nước Nga không phải là cái “chuồng gà” để “con cáo” NATO tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm.
Điểm chốt chính là U-crai-na.
“Vùng đệm” chiến lược
Thật ra thì Gru-di-a năm 2008 đã là một thứ giấy quỳ nhạy làm hiện hình phản ứng hóa học giận dữ của Nga trước việc các thế lực bên ngoài đụng chạm đến lợi ích an ninh của nước Nga. Khi Gru-di-a phạm phải một sai lầm trầm trọng trong những ngày đang diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh, ra đòn trước, tấn công vào khu vực ly khai Nam Ô-xê-ti-a thì nước Nga đã phản ứng cấp kỳ. Tổng thống Nga khi ấy, Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Nga, V.Pu-tin (gấp rút quay về trong khi đang dự Thế vận hội Bắc Kinh) đã trực tiếp chỉ đạo tác chiến, đánh bật quân Gru-di-a ra khỏi Nam Ô-xê-ti-a. Khi ấy, Gru-di-a đang nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng chưa được chấp nhận và các chiến hạm mang tên lửa của Mỹ, dù áp sát Gru-di-a, không dám manh động tấn công trực tiếp vào quân Nga. Kết quả là sau cuộc chiến chớp nhoáng 5 ngày ấy, cả Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a đã tuyên bố độc lập và nước Nga nhanh chóng công nhận chủ quyền của hai chủ thể mới này, tạo nên một “vùng đệm” cho nước Nga trước khả năng mở rộng của NATO. Một cuộc vẽ lại đường biên ngoạn mục của bộ đôi quyền lực Đ.Mét-vê-đép - V.Pu-tin!
Nhưng có vẻ như phương Tây không học được bài học nào từ sự kiện đó.
Lý do thì có nhiều, nhưng có lẽ phần nhiều bởi phương Tây được củng cố niềm tin cho rằng, Gru-di-a chỉ là một “tai nạn”. Sau đó, chẳng phải đã có một Li-bi bị phương Tây “bề hội đồng” mà nước Nga không hề có phản ứng nào đó sao! Rồi Xy-ri, đồng minh thân thiết, bạn hàng quan trọng mua vũ khí của nước Nga cũng chìm vào trong cuộc nội chiến đẫm máu bởi các lực lượng nổi lên từ phong trào “Mùa xuân Ả-rập” mà nước Nga cũng chỉ phản ứng có mức độ…
Nhưng U-crai-na là một chuyện hoàn toàn khác.
Trước hết, đấy là “vùng đệm” chiến lược đối với nước Nga trước sự tham lam của “con cáo” NATO đang mở rộng không gian ảnh hưởng đến sát biên giới của xứ Bạch dương. Thứ nữa, sự gần gũi về sắc tộc, ngôn ngữ, những gắn bó trong lịch sử giữa nước Nga với U-crai-na vẫn giữ một vai trò không thể phủ nhận trong việc định hình một trật tự ở châu Âu. Nếu phương Tây quyết định can thiệp để thay đổi trật tự này theo hướng có lợi thì hẳn nhiên nước Nga không thể an phận thủ thường ngồi yên.
Phong trào biểu tình ở Quảng trường Mai-dan, rồi sau đó là cuộc chính biến ở Ki-ép với lý do chính phủ trì hoãn ký một hiệp định liên kết với EU là lằn ranh đỏ mà Mát-xcơ-va không cho phép vượt qua. Một lần nữa, phương Tây lại sửng sốt trước tốc độ ra đòn dứt khoát của nước Nga.
Lần này là bán đảo Crưm.
Một cuộc trưng cầu dân ý với đại đa số người được hỏi ý kiến đều mong muốn quay trở lại với nước Nga, tiếp đó là quyết định của Quốc hội Crưm-vốn được lập nên từ năm 2010, chứ không phải chỉ khi các sự kiện xảy ra mới hình thành-đã đưa Crưm và thành phố Xê-va-xtô-pôn sáp nhập trở lại vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Một lần nữa, những đường biên ở châu Âu lại được vẽ lại. Như trước đó, NATO đã từng dùng 78 ngày đêm không kích dữ dội năm 1999 để vẽ lại đường biên với Cô-xô-vô ở Xéc-bi-a.
Đó chính là một trong những diễn biến bất ngờ và nổi bật nhất trong đời sống quốc tế năm 2014 vừa mới trôi qua mà những hệ lụy của nó chắc chắn sẽ không dừng lại ở một hai năm tiếp theo, khi mà bóng dáng một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới đang xuất hiện ở phía chân trời.
VĂN YÊN