QĐND - Cuộc di dân xây dựng vùng kinh tế mới từ ba thập kỷ trước đã hình thành dọc tuyến biên giới Tây Nam những khu làng đậm chất Bắc Bộ. Cùng với đồng bào các dân tộc ở địa phương, sắc màu văn hóa của người dân đến từ những vùng quê miền Bắc đã tạo cho không gian văn hóa vùng biên sự đa dạng, phong phú, thống nhất trong mái nhà đại đoàn kết toàn dân tộc…

Hội làng bên suối Cây Đa

Con suối rất đẹp và thơ mộng, bắt nguồn từ nước bạn Cam-pu-chia, chảy qua những trảng rừng xanh um. Khi vượt qua lãnh thổ nước bạn, nó “vẽ” một đường cong mềm mại ôm lấy một vùng đất đỏ ba-dan màu mỡ ở vùng biên giới thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Bên bờ con suối này đang có một dòng văn hóa vùng Kinh Bắc được nuôi dưỡng, tiếp biến...

Chúng tôi về đây tham dự lễ hội văn hóa theo lời “rủ rê” của mấy đồng đội biên phòng ở đồn Kà Tum, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh. Vùng này thời chiến tranh là rừng hoang. Từ khi thực hiện chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới, nơi đây được Nhà nước bố trí cho người dân các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh vào lập làng trong giai đoạn 1986-1994. Từ mấy chục hộ dân đầu tiên, đến nay đã phát triển thành hai làng quan họ trù phú là làng Đông Hà, xã Tân Đông và làng Suối Ngô, xã Suối Ngô, mỗi làng có hơn 300 hộ dân. Cùng với những thôn, ấp của người dân bản địa, nơi đây được đầu tư phát triển thành một vùng văn hóa đa sắc, bà con có cuộc sống ổn định, no ấm.

Cùng các liền chị về dự hội làng quan họ Đông Hà. Ảnh: TRUNG KIÊN

Đêm hội mừng Xuân ở Nhà văn hóa Tầm Phô, chúng tôi cùng các chiến sĩ biên phòng vui múa hát với bà con. Sắc áo vàng của những chư tăng, phật tử Khơ-me hòa cùng áo the khăn xếp, nón ba tầm, áo tứ thân, khăn mỏ quạ của các liền anh, liền chị khoe sắc dưới ánh trăng rằm. Bên điệu múa lâm thôn, hát điệu cúng trăng của thôn nữ Khơ-me là lời quan họ giã bạn bâng khuâng, dặt dìu.

Ông Dương Văn Ngọ, Bí thư chi bộ của làng quan họ Đông Hà, tấm tắc: “Khi mới vào đây, chúng tôi chỉ mong có được ngày ba bữa. Giờ đây có cuộc sống đủ đầy, chúng tôi quan tâm hơn đến chuyện giữ gìn, phát huy vốn văn hóa Kinh Bắc. Chúng tôi thành lập các đội văn nghệ, tổ chức luyện tập, biểu diễn, dạy hát cho thanh-thiếu niên, duy trì hoạt động hội làng hát giao duyên mỗi độ Xuân về”.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kà Tum, nói rằng, Đông Hà, Suối Ngô là những làng quan họ độc đáo trên tuyến biên giới Tây Nam. Vốn văn hóa quan họ ở đây được duy trì, phát triển từ nhu cầu tự thân của bà con qua các thế hệ.

Những “sứ giả văn hóa” vùng biên

Dọc biên giới Tây Nam thuộc địa phận các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và một số tỉnh Tây Nguyên… có nhiều cộng đồng dân cư được quy hoạch, xây dựng thành những làng văn hóa. Bên cạnh những làng được hình thành từ 20-40 năm về trước, là các khu làng trẻ, mới xây dựng và đang xây dựng. Việc chăm lo hỗ trợ cuộc sống cho bà con trong các cộng đồng dân cư này đều có dấu ấn đậm nét của Bộ đội Cụ Hồ, trong đó các cán bộ, chiến sĩ chính là những “sứ giả văn hóa”, giúp bà con xóa bỏ hủ tục, phát huy phong tục, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh. Những bản làng của người Mông ở Đắc Ơ, tỉnh Đắc Nông là một trong những điển hình. Đồng bào dân tộc Mông ở đây đã được Binh đoàn 16 lập làng, hỗ trợ phát triển sản xuất, duy trì phong tục văn hóa. Dự án kinh tế quốc phòng của Công ty 15 (Quân khu 5) cũng đã hình thành ở Tây Nguyên những khu làng trù phú của bà con đến từ các tỉnh phía Bắc. Tại Tây Ninh, Bộ CHQS tỉnh được Chính phủ giao làm chủ dự án lập 3 khu làng ở huyện Tân Châu, gồm: Chàng Riệc, Cầu Sài Gòn và Cầu Sài Gòn 2. Hiện đã hoàn thành dự án ở làng Chàng Riệc. Đây cũng là khu làng trẻ nhất, được xây dựng thành làng văn hóa kiểu mẫu ở vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh với hơn 500 hộ gia đình của 5 dân tộc: Kinh, Mường, Tày, Nùng, Khơ-me. Định kỳ 3 tháng một lần, Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và cơ quan văn hóa tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa thể thao, hằng năm tổ chức lễ hội văn hóa dân gian vào dịp cuối năm.

Theo GS, TS Trần Ngọc Thêm, việc bảo tồn văn hóa trong các cộng đồng dân cư xa quê được thực hiện theo hai cách, bảo tồn thụ động và bảo tồn chủ động. Ở cách thứ nhất, người dân thực hiện những thói quen sinh hoạt, phong tục văn hóa như một nhu cầu tự thân. Kết hợp với việc bảo tồn chủ động khi có sự can thiệp, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, các giá trị văn hóa sẽ được giữ gìn bền vững trong hành trình tiếp biến…

Những sắc màu văn hóa làng đã góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc trên tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc!

PHAN TÙNG SƠN