QĐND - Trong sử sách cũ viết về lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, về những người lính Việt Nam, thường thấy những câu: “Huynh đệ chi binh”, “phụ tử chi binh”. Ấy là những câu nói về tình đồng đội, về mối quan hệ của những tướng lĩnh chỉ huy với những người lính. Tình thâm ấy như thể tình cha con, tình anh em, bè bạn. Thời nào cũng vậy, ở cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nào cũng thế, như đã trở thành truyền thống, thành nét son của văn hóa Việt Nam. Chính nhờ có truyền thống đó mà dân tộc ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn để “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều” để sau này tự hào “là một nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to”.

Truyền thống “tướng sĩ một lòng phụ tử” của những người lính Việt Nam luôn song hành cùng những cuộc chiến tranh chống quân xâm lược bảo vệ đất nước suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Truyền thống ấy trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống (thế kỷ 11), nhà Nguyên (thế kỷ 13) đã được phát huy cao độ; đến thế kỷ 15, trong Khởi nghĩa Lam Sơn, tinh thần “tướng sĩ một lòng” ấy lại được Lê Lợi, Nguyễn Trãi phát huy, phát triển lên ở mức độ cao hơn và được Nguyễn Trãi lần đầu tiên đúc kết trong tác phẩm nổi tiếng “Bình Ngô đại cáo”: Nhân dân bốn cõi một nhà/ Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thời bấy giờ, theo tác giả “Bình Ngô đại cáo” thì nhờ có sự đoàn kết “bốn cõi một nhà” và tinh thần “tướng sĩ một lòng” mà nghĩa quân Lam Sơn thoát được tình cảnh: Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội.

Về điển tích “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, sử cũ chép: Nghĩa quân Lam Sơn khi mới dựng cờ tụ nghĩa, đóng quân trong rừng rậm, trên những ngọn núi ở đầu sông đầu suối xa xôi, nhưng được nhân dân hết lòng ủng hộ, chở che. Một bữa, có một già làng đem đến biếu Lê Lợi một ché rượu quý. Nhưng vì binh sĩ quá đông mà ông lại rất thương quân lính nên đã đổ bình rượu xuống sông để mọi người cùng được uống. Chén rượu mà quân sĩ cùng uống ấy gọi là “chén đồng”-chén rượu cùng nhau uống thề đồng tâm đồng lòng với nhau. Thật là nghĩa khí và cảm động! Xưa, cha ông ta là vậy.

Nhưng đến khi Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời (1944), nhất là sau mùa Thu tháng Tám năm 1945 thì truyền thống “tướng sĩ một lòng” của người lính Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Đó là tình đồng đội, tình đồng chí của những người lính của thời đại mới, của nước Việt Nam mới-những người lính Cụ Hồ. Truyền thống “tướng sĩ một lòng” đã mang một nội hàm mới. Ấy là vẻ đẹp mà những người lính các thời đại trước chưa có, như: Trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam; từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ; có tinh thần đồng đội; sống yêu đời, ham học hỏi và cầu tiến bộ...

Bác Hồ-Người sáng lập và rèn luyện Quân đội ta, Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang rất quan tâm đến sự nghiệp xây dựng một quân đội kiểu mới, trong đó Người đặc biệt quan tâm việc xây dựng “đạo làm tướng”.

Đối với tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, Bác Hồ đã khái quát 6 đức tính của đạo làm tướng là: “Trí-Dũng-Nhân-Tín-Liêm-Trung”. Riêng với chữ nhân, Người giải thích: “Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ”. Trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên, tháng 3-1948, cũng như trong các bài viết khác gửi cho đội ngũ chính ủy, Người luôn căn dặn: Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên lúc thường cũng như lúc ra trận. Cán bộ coi đội viên như chân tay, đội viên coi cán bộ như đầu óc. Bộ đội chưa ăn thì cán bộ không được kêu đói. Bộ đội chưa được mặc ấm thì cán bộ không được kêu rét. Người nhấn mạnh: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”.

Bộ đội ta-Bộ đội Cụ Hồ, suốt bảy mươi năm qua luôn coi Bác là “Người cha thân yêu” thật gần gũi. Có lẽ tình cảm, sự quan tâm săn sóc của Người với các thế hệ chiến sĩ cũng sâu nặng như tình phụ tử, cha con. Bộ đội ta gọi Người là Bác, Bác gọi cán bộ, chiến sĩ ta là các chú, các em. Tình cảm ấy đã đi vào sử sách văn chương suốt hàng chục năm qua. Trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” nhà thơ Minh Huệ mô tả thật chân thực và cảm động: Anh đội viên nhìn Bác/ Càng nhìn lại càng thương/ Người Cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm/ Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng. Lại có chuyện kể rằng: Một lần, Bác Hồ nhìn thấy các chiến sĩ phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình trong cái nắng hầm hập như thiêu như đốt. Bác nhờ một đồng chí lên hỏi xem bộ đội có đủ nước uống không? Được báo cáo lại là không đủ, Bác liền bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Người, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Sau đó, Bác dành toàn bộ số tiền là nhuận bút mà các báo trả cho Người để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không.

   Học tập và làm theo tấm gương của Bác, nhiều cán bộ các cấp của quân đội đã gương mẫu đi đầu trong việc tu dưỡng rèn luyện “đạo làm tướng” và viết nên những câu chuyện thật cảm động về nghĩa tình đồng đội, về tình cảm cán-binh. Một dạo, người ta thấy trong tư gia của tướng Nguyễn Chuông (nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2) ở Khu tập thể Mai Dịch có cả những người phụ nữ chít khăn tang đến. Hỏi ra mới hay, vì ngay trong nhà ông có lập bàn thờ các liệt sĩ. Ông nhớ rành rọt từng người với tên gọi, cá tính, kể cả những đồng đội thời xa xưa như anh Phượng-người bạn cùng tham gia giành chính quyền ở Phú Thọ năm 1945, sau cùng vào bộ đội ở cùng một trung đội, rồi hy sinh ở Điện Biên năm 1954. Hai mươi năm sau, từ những chiến trường ác liệt ông trở về tìm bạn. Được biết bạn là con trai độc nhất, chưa vợ con, mẹ bạn thì đã mất. Ông không biết thắp nén nhang cho người liệt sĩ Điện Biên năm xưa ở đâu, bèn về lập am thờ bạn tại nhà mình... Và, khi nghĩ về đơn vị cũ (Sư đoàn 312) ông không thể không bị ám ảnh bởi câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Nếu tất cả trở về đông đủ/ Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn. Thế là trên bàn thờ người lính Điện Biên có ghi tên tuổi của những người lính trẻ đã hy sinh ở Sảm Thông-Long Chẹng, Cánh Đồng Chum cuối thập niên 1960 đầu 1970 và ở Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972 bên cạnh chữ “Tại tâm”. Góc nhỏ tâm linh ấy của vị tướng già luôn ngát hương không chỉ ngày rằm, mồng Một, 27-7 mà còn cả những ngày lễ, Tết khác.

Người cán bộ, người lãnh đạo, chỉ huy không chỉ là “người chị”, “người anh”, “người bạn” của bộ đội mà còn là những người sống thật giản dị, gương mẫu và vị tha. Chuyện kể rằng: Tướng Nguyễn Sơn-thời được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 4, nổi tiếng là một vị tướng nghiêm lệnh nhưng lại rất quý anh em văn nghệ sĩ và đặc biệt thương yêu chiến sĩ. Một hôm, ông cùng người lính cần vụ đi qua một trạm gác. Tuy là tướng, là tư lệnh lừng danh, quân ta nghe thì hãnh diện, địch nghe danh thì khiếp sợ, nhưng ít khi ông mặc quân phục. Người gầy khô, mặt sạm nắng, tóc rễ tre, tứ thời chỉ thích mặc quần sọc, nên mới gặp chẳng ai nghĩ đó là một ông tướng. Anh lính gác cũng vậy, thấy một ông cán bộ ăn mặc loàng xoàng, nom bề ngoài cũng không có dáng vẻ gì lại phì phèo điếu thuốc thơm của “đế quốc thực dân”, bèn chặn đường quát: “Ai cho phép đồng chí hút thuốc của kẻ địch?”. Nói rồi giằng lấy điếu thuốc từ miệng vị tướng, tiện thể tịch thu luôn cả bao thuốc trong túi quần ông. Thấy vậy, anh lính cận vệ vội chạy lại quát: “Đồng chí kia! Đồng chí không biết đây là ai à? Tư lệnh Quân khu đó”. Người lính gác nghe vậy vô cùng ngạc nhiên và hoảng hốt. Thấy vậy, tướng Nguyễn Sơn ôn tồn bảo: “Không sao, đồng chí ấy làm như vậy là đúng!”. Và ông tự nguyện nộp bao thuốc lá vừa hút một điếu cho người lính gác...

Truyền thống “tướng sĩ một lòng”, chuyện về tình đồng đội, nghĩa cán-binh trong đời sống chiến đấu, công tác của bộ đội ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ đơn vị nào, lúc thường cũng như trong chiến đấu; lại có thể kể nữa, kể mãi không vơi không cạn. Những giai thoại ấy đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân.

Thập Tam trại, tháng 12-2014

NGÔ VĨNH BÌNH