QĐND - Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát là người có công lớn trong việc đặt nền móng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với những chiến công hiển hách của hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông cũng là vị Tư lệnh đầu tiên của người lính giữ biển được Đảng, Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.

Chiếc đồng hồ Bác tặng

Ngày 24-1-1959, Cục Phòng thủ bờ bể phát triển thành Cục Hải quân, Đại tá Nguyễn Bá Phát được bổ nhiệm giữ chức Phó cục trưởng Cục Hải quân. Bác Hồ giao nhiệm vụ cho ông với một huấn lệnh duy nhất: “Vì chú là gốc lính thủy Pháp, nên có nhiều kinh nghiệm đi biển”. Sau này, khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bác Hồ lại căn dặn: “Chú đã có công quật ngã thằng Pháp ở dưới mặt biển thì bây giờ chú phải quật ngã tiếp thằng Mỹ xâm lược này nữa chứ, chú Phát!”.

Tư lệnh Nguyễn Bá Phát được gặp Bác Hồ trong buổi lễ tuyên dương công trạng năm 1964. Ảnh tư liệu.

Hơn 50 năm đã trôi qua, có nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trên đất nước ta và trên thế giới, nhưng chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 vẫn còn in đậm trong tâm khảm và là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân. Trong trận đầu thử lửa, hải quân ta đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ và quân dân các địa phương đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống trung úy giặc lái An-vơ-rét. Trong buổi lễ tuyên dương công trạng, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã được Bác Hồ tặng một chiếc đồng hồ đeo tay có khắc tên của Người bằng chữ Hán. Chiếc đồng hồ đó, ông luôn giữ bên mình và coi đây là kỷ vật quý giá nhất trong cuộc đời ông.

Tư lệnh đi “đốc chiến”

Mùa hè năm 1968, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát dẫn đầu đoàn cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh Hải quân từ Hải Phòng vào Vĩnh Linh để kiểm tra, chỉ đạo Đoàn 126 đang hoạt động chiến đấu ở chiến trường bắc Quảng Trị. Thời gian này, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Hành trang dã chiến của tư lệnh trong chuyến đi “đốc chiến” lần này là chiếc đài bán dẫn hiệu National nhỏ xách tay, một chiếc bi đông trên vai, với một cây gậy chống để đi trên vùng cát biển được anh em gọi là “cây kiếm lệnh”. Khi đoàn đến địa phận tỉnh Hà Tĩnh thì các cầu phà bị địch đánh phá hỏng, không thể đi bằng xe ô tô mà phải chia thành từng tốp nhỏ và chuyển qua đi bằng xe đạp theo các đường mòn vòng tránh và đường làng. Cùng đi trong tốp hành quân của tư lệnh có 4 người.

Đường hành quân vất vả, bữa cơm hằng ngày là cơm nắm, muối vừng nên mọi người dễ xuống sức. Vốn tuổi không còn trẻ, sang ngày thứ hai, có lúc xe đạp của tư lệnh lảo đảo. Anh em trong đoàn lo cho sức khỏe của ông, bảo nhau đi chậm lại và đề nghị đưa ông vào khu sơ tán của cơ quan tỉnh Quảng Bình nghỉ lại một hôm cho lại sức, rồi hôm sau sẽ tiếp tục đi. Ông cười và nói: “Cũng mệt thật. Nhưng anh em đi được thì mình cũng đi được”.

Đến Lệ Thủy, qua sông Kiến Giang, đoàn phải gửi xe đạp lại ở thôn Quảng Cư, xã Xuân Thủy rồi đi bộ theo đồi cát ven biển để vào Vĩnh Linh. Ngày đầu hành quân đường bộ, buổi trưa đoàn vừa dừng lại để ăn cơm nắm thì cả 3 lần, vừa bắt đầu ăn đều phải thu dọn nhanh để di chuyển, vì máy bay địch ập tới ném bom vào đoạn đường mà đoàn vừa đi qua cách đó chưa đầy 500m. Cứ thế, tư lệnh cùng mọi người vượt qua bom đạn đánh phá ác liệt, hành quân vào làm việc với Đoàn 126. Ông đến kiểm tra khu vực các đội xuất phát đi chiến đấu, động viên bộ đội và chỉ thị cụ thể nhiệm vụ cho từng đội trước giờ xuất quân.

VĂN PHUNG