QĐND - Đêm chiến trường mừng xuân sáu tám/ Tiếng đạn, bom át pháo Giao thừa/ Cùng đồng đội kiên cường mật tập/ Vững lòng tin, quyết chí lập công -Trung úy, cựu chiến binh (CCB) Trần Nguyên Hải, 68 tuổi, ngụ tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 408 Đặc công Gia Lai, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những câu thơ ông tự sáng tác trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. CCB Trần Nguyên Hải kể:
 |
CCB Trần Nguyên Hải.
|
- Mấy câu thơ ấy tôi viết về trận đánh diễn ra trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Trước đó, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ tiến công trại lính và nhà kho của địch đóng gần Sân bay Cù Hanh (Sân bay Plei-cu). Với lính đặc công, những trận đánh như thế luôn diễn ra hết sức bí mật, khẩn trương, mạo hiểm. Theo phương án tác chiến của tiểu đoàn, mỗi đại đội đảm nhiệm một khu vực, trong đó Đại đội 60 của tôi trực tiếp đánh vào trại lính ngụy. Đại đội 90 tiến công Nhà lao Plei-cu giải thoát các chiến sĩ ta đang bị địch giam cầm. Đại đội 80 là hỏa lực cối chi viện chung cho các đơn vị. Sau thời gian chuẩn bị, điều nghiên, khoảng 6 giờ sáng 30 Tết, chúng tôi cơ động tiếp cận mục tiêu; đến 15 giờ vào tới căn cứ. Đường hành quân không xa nhưng phải đi qua ấp chiến lược và nhiều đồn, bốt địch nên khoảng 22 giờ, chúng tôi mới tới đúng vị trí triển khai đội hình chiến đấu.
Năm đó, Hạ sĩ Trần Nguyên Hải mới tròn 20 tuổi. Anh là một trong số rất ít chiến sĩ của đơn vị có trình độ lớp 10, lại từng đoạt giải nhì môn Văn tỉnh Hà Nam Ninh nên tâm hồn khá lãng mạn. Trong quá trình hành quân, lác đác nghe tiếng pháo, tâm trạng chàng lính trẻ thoáng chút nhớ nhà, nhớ cô bạn gái nơi quê hương miền Bắc. Nhiệt huyết tuổi 20 và ý chí hừng hực thi đua giết giặc lập công đã giúp anh thăng hoa, phấn chấn. Ý tưởng về những vần thơ chợt hiện lên. CCB Trần Nguyên Hải kể tiếp:
- Trước khi bắt đầu tiếp cận mục tiêu, chúng tôi thay đồ, chỉ mặc mỗi chiếc quần xà lỏn, tiến hành bôi trát than đen ngụy trang. Đêm 30 trời tối như bưng, mũi chiến đấu của tôi lợi dụng màn đêm bò vào sát lớp hàng rào đầu tiên, bí mật cắt gỡ. Tôi đảm nhiệm vị trí xạ thủ B40, trực tiếp yểm trợ cho đồng đội. Đây là khoảng thời gian căng thẳng nhất trong tác chiến của bộ đội đặc công. Tôi căng mắt quan sát, hồi hộp lắng nghe từng tiếng động nhỏ xung quanh, đặc biệt chú ý âm thanh báo động của hệ thống hàng rào địch. Hai khẩu B40 của tôi và đồng chí Viễn kết hợp với trung liên đã sẵn sàng bắn phủ đầu bảo vệ đội hình để toàn mũi rút ra ngoài khi có sự cố.
Theo hiệp đồng, giờ “G” bắt đầu lúc 0 giờ để địch không phân biệt được tiếng súng đạn với tiếng pháo đón Giao thừa và tạo sự bất ngờ. Khi các chiến sĩ đặc công đã cắt xong hàng rào cuối cùng, đặt bộc phá sẵn sàng đánh mục tiêu thì một tình huống xảy ra. Tôi chợt phát hiện một chiếc xe tăng của địch cơ động ra, nhằm thẳng hướng mũi chiến đấu của tôi. Nguy hiểm quá! Tôi nhìn đồng hồ, còn khoảng 2 phút nữa mới tới giờ nổ súng, nhưng đúng lúc đó tiếng pháo Giao thừa đã bắt đầu nổ đì đùng. Tôi nhận được lệnh, tiêu diệt chiếc xe tăng. Một tiếng nổ vang, chiếc xe tăng khựng lại. Ngay lập tức, hiệu lệnh tác chiến phát ra, các đơn vị đồng loạt tiến công. Mũi chiến đấu của tôi giật bộc phá, cơ động đánh vào trại lính ngụy. Cũng thời điểm này, Đại đội 90 nhanh chóng khống chế, tiêu diệt tụi lính bảo vệ ở vòng ngoài, rồi cơ động vào các buồng giam giải thoát cho hàng trăm chiến sĩ cách mạng của ta chạy ra khỏi nhà lao. Tuy nhiên, do lực lượng của địch đông, hỏa lực mạnh nên đến gần 5 giờ sáng, chúng tôi phải rút khỏi khu vực tác chiến.
Liên tiếp trong 3 đêm, Tiểu đoàn 408 luồn sâu, đánh hiểm, liên tục tấn công vào thị xã Plei-cu và các căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy, giáng cho địch những đòn chí mạng, gây tổn thất nhiều sinh lực và phương tiện ngay tại sào huyệt của chúng. Sau đó, đơn vị được lệnh cơ động về căn cứ chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo. Trong thời gian chuẩn bị ở hậu cứ, Trần Nguyên Hải có dịp hoàn chỉnh bài thơ còn dang dở trên đường hành quân. Anh viết khá dài và đầy cảm xúc về cái đêm Giao thừa nằm ôm súng yểm trợ cho đồng đội.
- Trong chiến tranh, mỗi lần hành quân qua địa bàn nào đó, tôi lại lưu bút mấy dòng để đánh dấu những nơi mình từng đặt chân tới. Có lần, khi hành quân qua sông Sê-rê-pốc, thấy dòng nước mênh mông, chảy xiết, tự nhiên tôi thốt lên: Giá mà có một công trình thủy điện ở đây… Lúc nghỉ giải lao, tôi viết bài "Xuân trên dòng Sê-rê-pốc", được anh em đọc và tấm tắc khen. Riêng với bài thơ "Giao thừa Xuân Mậu Thân" năm ấy, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên: Đêm Giao thừa chắc tay ôm súng/ Mắt căng tròn quan sát địch, ta/ Trong hơi thở nghe mùa xuân đến/ Thêm tuổi đời, tuổi lính, thêm xuân... Ông Hải đọc thơ, giọng vẫn trẻ trung hừng hực như tuổi đôi mươi...
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH