QĐND - Tôi có may mắn được theo các chiến sĩ vào tiếp quản Gia Rai, rồi Sài Gòn trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975...

Một buổi tối, khi ấy ta mới làm chủ thành phố Plei-cu được vài hôm, tôi theo hai chiến sĩ kiểm soát quân sự vào khu Nhà thờ Đức An hỏi thăm nhà chị Hồ Thị Minh Nguyệt. Trời còn sớm, nghe tiếng gõ cửa, chị Nguyệt vẫn ngồi trong giường, mệt mỏi hỏi vọng ra: Ai gọi tui đó?

Minh họa: Hương Ly

Một chiến sĩ điềm tĩnh nói vọng vào: Chúng tôi, Quân giải phóng mà!

Chị Nguyệt thoáng hoảng hốt chắc là nghĩ tới người chồng đi lính ngụy, lúc đó chưa rõ đang chạy theo tàn quân phiêu bạt ở chỗ nào. Chị rụt rè hé cửa, khi thấy chiếc va-li màu đỏ của mình đang ở trong tay chú bộ đội thì chị vội kéo mạnh cửa ra và đứng ngây giữa thềm nhà...

Chị Nguyệt nhớ lại, hôm bộ đội đánh vào thành phố, chồng chị đâu kịp về nhà, te tát theo bọn rằn ri chạy vào Phú Bổn. Ngay đêm ấy, tên Đỗ Trọng (cùng lính ngụy với chồng chị) gõ cửa xin ngủ nhờ. Đang sốt ruột vì chồng, lại thấy Trọng tiều tụy, đói khát, chị Nguyệt mủi lòng, cho hắn trú ngụ. Sáng dậy, Trọng đã đi từ lúc nào, chiếc va-li màu đỏ đựng tiền bạc và các tư trang quý của chị cũng biến mất. Giờ sao chiếc va-li ấy lại ở đây? Chị Nguyệt dụi mắt, ngỡ nhìn nhầm, nhưng đúng là chiếc va-li màu đỏ kia. Thấy chị ngơ ngác, một chiến sĩ nhẹ nhàng bảo:

- Chúng tôi đã bắt được Đỗ Trọng. Hắn khai lấy cắp chiếc va-li này của chị. Trong va-li có 2 chiếc đồng hồ, 5 lá vàng, 185.000 đồng (tiền ngụy cũ) và nhiều tư trang khác. Chúng tôi mang tới hoàn lại cho chị...

Tôi quan sát thấy chị Nguyệt như chẳng nghĩ đến tiền bạc, đến chiếc va-li nữa, mà đôi mắt chị cứ tròn xoe nhìn hai chiến sĩ trong sự xúc động, ngỡ ngàng.

Ngay tối hôm sau, tôi lại được đi với tổ tuần tra của Trung úy Hoàng Xuân Thịnh. Mấy anh em vừa rẽ vào khu chợ Mới thì một tiếng kêu xói vào trời đêm: Cứu tôi với! Con tôi chết rồi...

Cả tổ chạy nhanh về cuối chợ. Quang đứng ngoài cảnh giới, còn Thịnh và Thông đẩy cửa ngôi nhà vừa có tiếng kêu vọng ra. Trong gian nhà hẹp, hai người phụ nữ (một già, một trẻ) đang ôm một cháu nhỏ, vật vã, khóc lóc. Cháu bé đã bất động, hai mắt trợn trừng, chân tay lạnh giá. Thịnh ôm cháu vào lòng, móc ở túi ra lọ dầu xoa vội khắp người cháu, rồi quay sang hỏi hai người phụ nữ: Chắc cụ là bà cháu, chị là mẹ cháu? Còn bố cháu đâu?

Bà cụ ngập ngừng: Bố cháu đi ngụy, bị quân ta đánh, chạy đâu đó rồi...

Nom bà cụ lúng túng, cô con gái thì cúi đầu ngượng ngập, Thịnh bảo Thông:

- Trường hợp này, ta càng phải cố giúp bà con... Có lẽ phải hô hấp nhân tạo cậu ạ, mình đã cứu con mình bị trúng gió cấm khẩu bằng cách này...

Nói rồi, Thịnh nới quần áo cho cháu, xoa mạnh vùng ngực và kề miệng mình vào miệng, mũi của cháu, hút hết đờm dãi trong miệng cháu ra... Không lâu sau, da thịt cháu bé nóng dần, đôi mắt chớp chớp và từ miệng nó bật ra một tiếng “má”...

Người phụ nữ trẻ đâu có bế con, lại ôm choàng lấy Thịnh, cười mà như khóc:

- Em đội ơn các anh... Cháu sống lại rồi, em sống lại rồi...

Một sáng, vẫn tại thành phố Plei-cu, trong đoàn người nối nhau đến Ủy ban Quân quản trình báo chuyện mất của, lạc chồng, có một thương gia Ấn Độ - ông Mô-ha-mét Dác-cai-a - chủ nhà buôn tơ lụa ở số nhà 132 phố Hoàng Diệu. Đại úy Đặng Mai Từ phải chắp nối những lời khai đã lơ lớ tiếng Việt, lại đứt quãng của ông ta, mới hiểu rõ chuyện. Số là, ngày quân ngụy rút chạy, mấy chục lính biệt động đã ập vào tiệm buôn của ông, dí súng vào từng người, bắt họ trao chìa khóa mở các quầy hàng. Anh trai của Mô-ha-mét chậm chạp, bị chúng bắn gẫy chân. Rồi chúng lấy báng súng đập vỡ cửa kính, lôi ra từng súc vải lớn, khuân lên xe đưa đi.

- Chúng tôi sẽ cố gắng tìm giúp ông-Đại úy Mai Từ động viên vị thương gia nước ngoài-chỉ khuyên ông bình tĩnh, chuyện này cần có thời gian...

Kết quả là 12 ngày sau, ông Mô-ha-mét được báo tới ủy ban nhận lại gần đủ số vải đã bị mất. Hôm ấy, tôi cũng có mặt. Ông thương gia Ấn Độ mặt mũi rạng rỡ hẳn. Ông luôn mồm “cảm ơn”, “cảm ơn” và nói với chúng tôi: Thưa các ngài, thế là tôi hiểu, tôi hiểu...

Do công tác chuyên môn của mình, Chiến dịch Hồ Chí Minh vừa toàn thắng, tôi lại có mặt ở Sài Gòn và lại được theo các chiến sĩ Kiểm soát quân sự đi bảo vệ an ninh trật tự trên các đường phố. Bữa đó, ngồi trong chiếc xe con của Tiểu đoàn trưởng Mai Kim Mẫn vừa rẽ vào đường Trương Minh Lý thì chúng tôi nghe có tiếng gào khóc vọng lại. Anh Mẫn dừng xe. Giữa đám đông túm tụm trên vỉa hè có một người phụ nữ nằm còng queo trên nền xi măng, hai tay ôm bụng rên la, vật vã. Người đàn ông ngồi bên cạnh, giữ người phụ nữ nhưng mắt lại nhớn nhác nhìn hết người này đến người kia, vẻ cầu khẩn. Mẫn hiểu ngay: Vợ anh ta đang trở dạ. Anh vội giục: Đưa chị ấy vào viện ngay!

Người chồng mếu máo: Dạ... con không thuê được xe...

Mẫn nhìn đồng hồ, mới 9 giờ đêm. Ngoài đường, xe buýt, xe lam, xe xích lô máy vẫn chạy qua lại như mắc cửi. Mẫn rút chiếc ví trong túi áo ra, hỏi: Anh thiếu tiền phải không?

- Dạ không... chả là xe cộ ở đây kiêng chở người đẻ ban đêm ạ.

Mẫn thoáng bối rối, rồi chợt hối hả: Dìu chị ấy vào xe của tôi.

Người chồng đưa vợ tới cửa xe, còn ngơ ngác: Xe du lịch mà ông cũng chở à!

Mẫn bật cười: Xe du lịch cũng không quý bằng tính mệnh của bà con. Mà nhanh lên. Đây tới Bệnh viện Bình Hòa gần 5 cây số chứ không ít đâu.

Một đêm khác, khuya lắm rồi, tôi theo tổ Kiểm soát quân sự của Đinh Văn Thông đi tuần tra quanh Ngã Bảy (Sài Gòn), thì gặp một thanh niên nằm sóng sượt dưới chân chiếc cột điện. Thông tới gần, mùi rượu xông lên nồng nặc. Ra đó là một thanh niên đang say xỉn. Ba chiến sĩ chụm đầu thầm thì... Rồi Thông nói to: Thưa bà con! Chúng tôi xin mời bà con tới chứng kiến cho một vụ lập biên bản.

Chờ mọi người đến gần, Thông nói tiếp: Thưa bà con! Đây là một người say rượu, đang mê man bất tỉnh. Xét thấy để anh ta nằm đây, có thể bị cảm và bọn trộm cắp sẽ lấy hết tiền bạc của anh ấy, chúng tôi đưa anh ấy vào Trạm Kiểm soát quân sự của chúng tôi nghỉ cho an toàn, song trước khi đi, mời bà con kiểm kê giúp tài sản của anh ấy...

Một cụ già và một phụ nữ được mời làm việc này. Tờ biên bản ghi rõ những thứ anh ta có: Một chiếc đồng hồ tự động mặt đính kim cương; một dây chuyền vàng nặng tới cây rưỡi, rồi 800 đồng tiền Cụ Hồ.

- Thưa bà con-Thông lại nói sau khi mọi người đã ký vào biên bản-Sớm mai, chúng tôi sẽ trao lại tài sản và tờ giấy này để chàng trai trở về gia đình...

Sáng hôm sau, tôi và mọi người lại gặp anh thanh niên từ trạm kiểm soát quân sự bước ra, nét mặt đỏ bừng vì xúc động. Trên cổ tay của anh, chiếc đồng hồ mặt đính kim cương vẫn lấp lánh. Tiễn anh ấy ra tận đường lớn là hai chiến sĩ đeo băng đỏ…

NGUYỄN PHÚC ẤM