QĐND - Năm 1969, vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng, Thượng sĩ Hoàng Kim Nông (sau này là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn 171 Hải quân) và đồng đội được giao một nhiệm vụ đặc biệt. Bằng sự thông minh, gan dạ, người lính đặc công ấy không chỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, mà còn trở về vẹn nguyên trong vòng tay đồng đội.
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kim Nông.
|
Tết Kỷ Dậu năm 1969, Thượng sĩ Hoàng Kim Nông là Tổ trưởng Tổ chiến đấu thuộc Đội 1, Đoàn Đặc công 126 Hải quân. Mới ngoài 20 tuổi nên mỗi khi Tết đến, Xuân về, Nông và đồng đội háo hức lắm. Ngày ấy, tuy ở chiến trường nhưng lãnh đạo đơn vị vẫn tổ chức chu đáo để anh em cùng vui Xuân đón Tết. Bạt được căng lên, hai đường dây "xúc xích" giấy bắt chéo nhau, ở giữa là chiếc đèn lồng do đồng chí Đặng Văn Thanh khéo léo làm ra trông rất đẹp. Một tối Giao thừa vui vẻ hiếm có ở chiến trường, sau khi nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết, anh em trong đơn vị chúc nhau mạnh khỏe, lập nhiều chiến công. Bữa tiệc đang vui thì Hoàng Kim Nông nhận được “mật lệnh”. Anh biết, đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi trước đó, Nông đã mất ba ngày đêm nằm vùng bám địch điều tra tình hình tại cảng Cửa Việt.
Thời điểm ấy, người ta ví Cửa Việt như cái "cuống họng" của Mặt trận Đường 9. Nó giữ vị trí hết sức quan trọng không chỉ với Mặt trận Trị Thiên mà cả Nam Lào. Nếu ngăn chặn được tuyến giao thông đường thủy lợi hại này thì có thể làm chủ cả một vùng rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng toàn Đông Dương. Các tướng lĩnh Nhà Trắng cũng hiểu rất rõ điều đó. Hơn nữa, chúng bị đánh rất đau, bị chìm hàng chục tàu ở cảng nên càng điên cuồng bày binh bố trận hết sức nghiêm ngặt. Bao quanh khu cảng là ba lớp hàng rào dây thép gai dày đặc. Chúng còn dùng khí tài điện tử (cây nhiệt đới) phát hiện tiếng động; bố trí hàng trăm lính bộ binh có xe bọc thép phối hợp, có lực lượng thám báo rình mò, càn quét, lập vành đai trắng… Dưới sông, các tàu tuần tiễu chạy qua chạy lại ném lựu đạn, bắn xả xuống sông, các tàu trong cảng cứ năm phút lại ném lựu đạn xuống nước. Ngoài ra, địch còn lắp đặt hệ thống đèn cao áp sáng rực cả vùng trời làm ta gặp nhiều khó khăn, nhiều lần không lọt vào cảng được vì cách bố phòng nghiêm ngặt của địch.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Hoàng Kim Nông đề xuất cách đánh táo bạo nhưng khả thi… Chi bộ xác định quyết tâm: Phải ra tay trừng trị bọn chúng. Trận đánh chia làm hai mũi. Một mũi đánh bằng khí tài hiện đại do hai đồng chí Nhâm và Khoát đảm nhiệm. Mũi thứ hai do Hoàng Kim Nông và Nguyễn Văn Nhượng dùng ống thả (còn gọi là cách đánh thô sơ). Nhiệm vụ của mỗi mũi phải tiêu diệt hai tàu địch tại cảng. Đây là trận đánh rất khó khăn, quan trọng để rút kinh nghiệm tìm cách đánh mới. "Bữa cơm trưa vẫn đầy ắp không khí Tết. Anh em chuẩn bị khá chu đáo, có cả xôi đỗ, thịt gà và bánh chưng. Có lẽ, anh em biết chúng tôi khó có thể trở về nên bữa cơm này là lần chia tay đặc biệt. Ai cũng nhường cho chúng tôi những gì ngon nhất. Chẳng thế mà khi Chính trị viên Đoàn Ngọc Tú tiễn tôi và anh Nhượng đến Cửa Tùng đã quay mặt đi, kín đáo lau nước mắt. Còn Đội trưởng Nguyễn Sĩ Trinh, chỉ huy trận đánh, thì dặn dò từng li từng tí, bịn rịn không muốn rời xa...", Đại tá Hoàng Kim Nông nhớ lại.
 |
Đại tá Hoàng Kim Nông (bên trái) trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4-2004. Ảnh: Gia Linh
|
23 giờ 30 phút, Nông và Nhượng đã khéo léo vượt qua các ổ phục kích, chui qua ba lớp hàng rào, áp sát bờ sông. Tính toán thấy tổ của Nhâm và Khoát đã hành quân được 30 phút, Nông và Nhượng từ từ ôm mìn xuống nước. Nước lạnh thấm vào da thịt buốt như kim châm. Hai anh em ôm chặt lấy nhau dìm người dưới nước quan sát địch. Kia rồi, những chiếc tàu phơi hông mốc thếch dưới ánh điện cực sáng của địch như những con quái vật khổng lồ. Nhưng làm sao tiếp cận được vào tàu mà không bị hy sinh do lựu đạn chúng ném xuống? Suy nghĩ và quan sát một hồi, Hoàng Kim Nông bàn với anh Nhượng: "Bọn địch ném lựu đạn dữ lắm, không thể vào trực diện được đâu anh ạ! Bây giờ, anh em mình tìm cách bơi vào trong cảng rồi từ trong cảng bơi ra tiếp cận tàu, vì địch ít khi ném lựu đạn vào bên trong cảng". Nhượng đồng ý và khen Hoàng Kim Nông nhanh trí. Hai anh em bắt đầu xuất kích. Khi đến nửa sông, bỗng một tàu tuần tiễu bắn xối xả vào vị trí hai người đang ẩn mình dưới nước. Anh Nhượng bị thương vào chân không bơi được nữa. Biết làm sao bây giờ? Nếu trở về thì không hoàn thành nhiệm vụ, nếu đi tiếp thì anh Nhượng ở đâu? Đắn đo mãi, Hoàng Kim Nông quyết định dùng dây buộc vào Nhượng rồi vừa bơi, vừa kéo anh đi cùng. Hoàng Kim Nông còn mang theo 4 quả mìn, mỗi quả nặng 3,8kg, trong đó có hai quả của anh Nhượng, Nông đeo cả vào người để nhẹ cho anh. Vì kéo nặng nên Nông bơi rất chậm. Cuối cùng, Nông và Nhượng cũng bơi được vào gầm cảng Cửa Việt. Nông bình tĩnh tháo dây và nói với anh Nhượng: "Anh bám lấy trụ cầu đợi em đi đánh rồi quay lại đón anh ra".
Nói rồi, Nông thả ống tiếp cận bí mật vào tàu, khi chạm vào mạn tàu, anh ngoi lên quan sát. Một dãy tàu đậu nối đuôi nhau. Trên tàu, tiếng giày đinh kêu lộp cộp và chúng nói với nhau xì xồ gì đó. Tiếng lựu đạn nổ bên mạn tàu làm ngực Nông đau nhói. Nông lần tới chiếc thứ ba và thứ tư là hai tàu to nhất, gắn mìn vào hai tàu rồi rút chốt an toàn. Nông mừng rơn vì biết chắc phần thắng ở trong tay. Nhanh chóng trở lại ôm lấy anh Nhượng, Nông nói nhỏ sợ địch nghe thấy: "Anh ơi! Thắng lợi rồi. Ta về thôi!".
Nông buộc dây và kéo anh Nhượng ra. Khi kéo được một đoạn, Nông thấy nhè nhẹ nên mừng thầm: Có lẽ anh Nhượng được nghỉ đã lại sức nên bơi kịp. Đến vị trí an toàn, Nông nắm dây kéo anh Nhượng lại nhưng không thấy anh đâu cả. Dây không thể tuột được, vậy tại sao? Nông linh cảm là anh Nhượng đã cởi dây cho Nông về an toàn còn anh ở lại, vì không đủ sức đi cùng Nông nữa, nếu cứ nhùng nhằng có khi chết cả hai.
Thương anh quá! Không thể như thế được, sống cùng nhau, chết cùng nhau. Hoàng Kim Nông quyết định quay lại tìm anh Nhượng cho dù rất nguy hiểm, bởi mìn đã rút chốt an toàn có thể phát nổ. Bơi trở lại một quãng đường dài, Hoàng Kim Nông tìm được Nhượng, mừng quá, hai anh em ôm chầm lấy nhau nước mắt trào ra. Nông nghẹn ngào nói nhỏ: "Sao anh tháo dây ra?". Nghe vậy, anh Nhượng nắm tay Nông giật giật: "Về đi, em về đi, đừng vì anh… anh không về được đâu". "Không! Em phải đưa anh về, nếu chết thì cùng chết". Nói rồi Hoàng Kim Nông buộc dây vào người anh Nhượng kéo đi trong màn đêm. Mệt lả và tê cứng vì quá lạnh, nước đẩy hai người ra tận cửa biển. Men theo bờ phía Bắc, Nông và Nhượng dìu nhau lần về vị trí tập kết. Vừa thấy tổ của Nông trở về, anh Sĩ Trinh, chỉ huy trận đánh ôm chầm lấy Nông nâng lên đặt xuống mấy lần rồi hỏi:
- Thế nào? Tốt chứ?
- Ăn chắc rồi anh ạ. Nông nói.
- Các cậu khá lắm, hoan hô các cậu.
Rồi anh Trinh cười vang. Trong ánh điện, mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Anh Nhượng về tới nơi thì nằm vật ra không kịp nói câu nào. Mũi đánh hiện đại do anh Nhâm chỉ huy, trên đường tiếp cận vào mục tiêu bị lựu đạn nổ gần, anh Nhâm hy sinh còn anh Khoát bị sức ép, khi tỉnh lại không thấy anh Nhâm đâu, một mình anh Khoát tiến tới đặt mìn vào tàu rồi nhanh chóng rút ra trở về an toàn.
Sáng hôm sau, đơn vị được cơ sở báo: Ba chiếc tàu LST, một chiếc trọng tải 5000 tấn, hai chiếc trọng tải 4.800 tấn đã bị nổ tung và chìm xuống lòng sông Cửa Việt như một chiếc quan tài sắt chôn vùi nhiều trang bị vũ khí và hàng trăm tên lính Mỹ. Đây là trận đánh mở đầu rút ra được nhiều kinh nghiệm, cách đánh mới cho những trận sau này vào Cửa Việt. Riêng Hoàng Kim Nông vinh dự được Mặt trận B5, Bộ tư lệnh Hải quân khen ngợi và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN