QĐND - Đúng thời khắc đất trời giao hòa, các già làng người Mông ở đỉnh núi Tà Ghênh, xã Nậm Có (Mù Cang Chải, Yên Bái) mới đồng thuận cử ông Hàng Bùa Thào mượn tiếng khèn xin phép tổ tiên cho dân bản được ăn Tết chung với cả nước và kết nạp các anh Bộ đội Cụ Hồ vào dòng tộc của mình. Đây là một việc làm mang đầy ý nghĩa trên rẻo cao mờ sương này.

 

 Trung úy Vàng A Nủ cùng thanh niên bản Tà Ghênh thu hoạch lúa nếp về làm cốm ăn Tết.

Tà Ghênh xa nhưng không mờ, cao nhưng không lạnh vì suốt từ mùa sương giá năm 2012 đến dịp Tết Ất Mùi này, đồng bào Mông đã được các thành viên trong Tổ công tác 1 của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái sưởi ấm bằng nhiều việc làm thiết thực. Vừa đón chúng tôi vào nhà, già Lù Pằng Sử vừa chỉ tay vào con lợn đen đang bị gông trước sân, hồ hởi bảo: “Hầy dà! Cán bộ ơi! Chiều mai gia đình mình mổ nó đấy. Ở lại ăn Tết cho vui nhé. Dân bản Tà Ghênh mình nhờ có bộ đội tỉnh chỉ bảo cho cách làm ăn, nên Tết này cái bụng vui nhiều”. Nghe già Sử nói thế, chúng tôi thấy lòng trào dâng một nỗi niềm khó tả khi biết dân bản Tà Ghênh Tết này đều rủng rỉnh thóc, rủng rỉnh ngô và có rất nhiều gia súc, gia cầm, con nào con ấy đều béo núc.

Khách đến thăm, khiến cho căn nhà của già Lù Pằng Sử trở nên tấp nập. Nhất là khi đêm về, dân bản Tà Ghênh đến chơi rất đông. Sau khi rít một hơi thuốc căng lồng ngực, ông Sùng A Giàng từ từ nhả những làn khói mờ mờ rồi nói: “Bộ đội tỉnh, mùa đông năm nào cũng tới giúp bà con mình làm ruộng bậc thang đẹp như những cung đàn và hướng dẫn cách nuôi trâu thì trâu béo, trồng lúa thì lúa tốt”.

Câu nói của ông Giàng nghe như một điệu dân ca Mông. Làn điệu mà ông đã ngất ngây, say đắm ở phiên chợ Tết Nậm Có sớm nay. Nhớ về những ngày đầu các thành viên Tổ công tác 1 của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đến bản, ông Giàng bồi hồi nhớ lại: “Ở sườn núi phía đông của bản, đồng bào mình ngày trước luôn bị ám ảnh bởi những lời đồn thổi là chốn của ma đói cư ngụ, nên không ai dám vào”.

Thiếu tá Sùng A Hù và Trung úy Vàng A Nủ mặc áo dân tộc Mông sau khi được kết nạp vào dòng họ Hàng.

Theo như lời ông Giàng thì xưa kia, nơi đây từng cháy sạch 20 nóc nhà do bà con đun nấu sơ ý, để lửa gặp gió lan ra. Kế đó là dịch tả bùng phát làm chết 12 trẻ nhỏ, khiến dân bản không dám đến gần khu vực này. Biết được điều đó, Trung tá Hà Long Giang và Thiếu tá Sùng A Hù cùng các thành viên trong tổ công tác của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã giải thích, động viên bà con quên đi sợ hãi, tiến vào sườn núi, cải tạo đất hoang thành những chân ruộng bậc thang màu mỡ để cho hạt lúa, hạt ngô liên tục nảy mầm. Có nhiều ngô, nhiều lúa thì Tết này cái bụng dân bản Tà Ghênh càng thêm vui. Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Sùng A Hù, Tổ phó Tổ công tác 1 không giấu được niềm vui:

- Đúng tục lệ của đồng bào Mông thì vào tháng 11 âm lịch hằng năm, dân bản Tà Ghênh sẽ nghỉ ngơi 30 ngày để ăn Tết. Thấy bà con đón Xuân mới dài như vậy sẽ ngừng trệ sản xuất và ảnh hưởng tới việc học hành của con em, chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con ăn chung một Tết cổ truyền của dân tộc. Việc làm này rất khó, vì từ bao đời nay đồng bào đã quen với tục lệ cha ông để lại. Nhưng do khéo vận động, lại được cấp ủy, chính quyền tích cực giúp đỡ, nên dân bản Tà Ghênh đều đồng thuận từ năm nay trở đi sẽ ăn chung một Tết cùng cả nước.

Đất trời Tà Ghênh cuối năm như hoa nở. Hoa nở của lòng người, hoa nở từ núi rừng mờ sương. Trong cái không gian ăm ắp hương xuân Tây Bắc, các chị người Mông tất bật lấy những tấm áo tự tay mình dệt bằng vỏ cây rừng ra tặng bộ đội Giang, bộ đội Hù và bộ đội Nủ trước khi họ rời bản. Món quà giản dị mà ấm áp biết bao. Vì vậy khi mặc tấm áo nghĩa tình này, các anh thấy mình chẳng khác gì những trai bản đang mở đất trồng thêm lúa nước từ sáng đến tối không biết mệt; gùi cây giống vượt đèo, lội suối cả tháng không biết mỏi. Để rồi vào cái đêm lành lạnh này, thuận theo ý chỉ của các già làng, Trưởng bản Hàng A Di đã làm lễ xin phép tổ tiên, thần rừng, thần núi về việc dân bản ăn Tết chung với đồng bào cả nước và kết nạp bộ đội Giang, bộ đội Hù, bộ đội Nủ vào dòng tộc của mình, với cái tên mới Hàng A Giang, Hàng A Hù, Hàng A Nủ.

Chúng tôi biết rằng, khuyên người Mông bản Tà Ghênh ăn Tết chung với đồng bào cả nước còn khó hơn xuống vực sâu; động viên được bà con nơi đây vào sườn núi mà họ từng cho là có ma, khai hoang thành đất sản xuất nông nghiệp còn khó hơn trèo lên ngọn cây ở rừng Cấm. Khó đến đâu thì bộ đội Tết này cũng đã làm trọn vẹn. Để rồi sớm nay, Trưởng bản Di cùng các thành viên trong họ hàng đã cầm cây khèn của già Thào chuyển giao cất lên giai điệu gọi mùa xuân đến...

Bài và ảnh: TÔ VĂN BINH