QĐND - Năm Giáp Ngọ 2014 qua đi với rất nhiều biến động trong đời sống quốc gia và quốc tế. Đầu năm mới ất Mùi 2015, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân những suy nghĩ của ông về công việc, cuộc sống, gia đình…

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Những “hàng rào” vẫn tồn tại trong “làng toàn cầu”

Phóng viên (PV): Thưa Phó thủ tướng, chúng ta đang sống trong một thế giới đang thay đổi, ông cảm nhận điều này như thế nào?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Đúng là thế giới đang thay đổi và thay đổi rất nhanh. Hằng ngày, hằng giờ, các phát minh và ứng dụng công nghệ mới đang làm thay đổi cách sống của con người, cũng như quan hệ giữa các cộng đồng, các dân tộc. Trước kia, người đi xa liên hệ với người ở quê nhà qua thư từ, qua các trạm điện thoại của bưu điện. Ngày nay thì thư điện tử, điện thoại di động được sử dụng ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến miền núi, biên cương, hải đảo. Sự phát triển của khoa học-công nghệ đã làm cho thế giới trở nên nhỏ bé hơn, các cá nhân và cộng đồng gần nhau hơn. Trong quan hệ quốc tế, cách mạng khoa học-công nghệ cũng làm cho so sánh sức mạnh của các nước cũng như quan niệm của các nước về lợi ích, về phương cách thực hiện lợi ích của mình trong quan hệ với các nước khác trong cộng đồng quốc tế cũng thay đổi nhanh chóng.

Trên cơ sở sự phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là trong lĩnh vực thông tin và giao thông vận tải, quá trình toàn cầu hóa cũng phát triển với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang làm cho sự khác biệt giữa các nước dần bị xóa nhòa. Thế giới dường như “phẳng” hơn, nhưng thế giới cũng “gập ghềnh” hơn vì các nước tham gia vào toàn cầu hóa với năng lực khác nhau, phải đối diện với các thách thức và cơ hội không giống nhau. Cùng với cách mạng khoa học-công nghệ, toàn cầu hóa làm cho thế giới đang nhanh chóng trở thành một ngôi “làng toàn cầu”, trong đó tính tùy thuộc giữa các gia đình ngày càng tăng nhưng những “riêng tư” và “hàng rào” giữa họ vẫn tiếp tục tồn tại.

PV: Trong năm 2014, đã có những thời khắc khó khăn đối với đất nước, đặc biệt là về chủ quyền biển, đảo. Trong thời điểm ấy, Phó thủ tướng có suy nghĩ gì?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Kể từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên Biển Đông lại bị thách thức nghiêm trọng như vậy. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh kiên quyết về đối ngoại của ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên sau 20 năm kể từ năm 1995, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình, ổn định ở khu vực. Lần đầu tiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Lãnh đạo Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7), Tổng thư ký NATO… đều bày tỏ lo ngại sâu sắc các hành động đơn phương ở Biển Đông. Quốc hội Hoa Kỳ và Nghị viện châu âu đã ra các nghị quyết về tình hình Biển Đông. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông được sự ủng hộ của quốc tế vì chúng ta đã kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, chính nghĩa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Quan trọng là, chúng ta đã bảo vệ vững chắc chủ quyền trong khi vẫn duy trì được quan hệ hữu nghị hợp tác; củng cố và phát triển được quan hệ của ta với tất cả các nước, nhất là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Tăng tốc độ công cụ không quan trọng bằng tăng tốc độ tư duy

PV: Phó thủ tướng đã gắn bó với ngành ngoại giao gần 35 năm và trưởng thành từ ngoại giao đa phương. Xin Phó thủ tướng chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Tôi đã được trải qua hầu hết các lĩnh vực của công tác đối ngoại, từ tham gia xử lý quan hệ song phương, tức là quan hệ với một nước đến tham gia ngoại giao đa phương, tức là các công việc liên quan đến các diễn đàn và tổ chức quốc tế; từ nghiên cứu tình hình, kiến nghị đường lối, chính sách đến tác nghiệp xử lý các vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác. Tuy trải qua nhiều lĩnh vực, song phần lớn thời gian công tác ngoại giao là trong lĩnh vực đa phương.

Mỗi công việc có một số đặc điểm riêng và do đó cũng có một số yêu cầu riêng. Làm song phương thì phải là “chuyên gia” sâu về đối tác, lĩnh vực mình được giao phụ trách, phải nắm vững những điểm lớn về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đối tác, hiểu rõ lợi ích, quy trình họ xây dựng và triển khai chính sách của họ với nước mình, lợi ích của nước mình và phương cách tối ưu để thực hiện lợi ích của nước mình trong quan hệ với họ.

Làm đa phương thì đòi hỏi kiến thức rộng, nắm được các vấn đề cơ bản của tất cả các đối tác liên quan đến vấn đề mình được giao; hiểu rõ “luật chơi” và biết cách sử dụng “luật chơi” để bảo vệ lợi ích của đất nước. Làm đa phương cần có nghệ thuật đàm phán, rất linh hoạt, “thiên biến vạn hóa” trên cơ sở nguyên tắc lợi ích và xây dựng được mối quan hệ rộng với các đồng nghiệp của các nước, đồng thời biết lợi ích của các đối tác để có được một “mẫu số chung” về lợi ích.

Ngồi bên tách cà phê tại hành lang tòa nhà Liên hợp quốc để vận động bạn bỏ phiếu cho nước mình; đấu tranh và hợp tác để xây dựng các văn bản pháp lý quốc tế đều là các cuộc đàm phán ngoại giao. Làm nghiên cứu, nhất là nghiên cứu chiến lược, thì phải nhận thức rõ lợi ích quốc gia, hiểu rõ môi trường quốc tế và điều rất quan trọng là phải nắm vững phương pháp luận. Còn tác nghiệp thì rất cần sự nhạy bén và linh hoạt. Để làm tốt các loại công tác đối ngoại thì rất cần hiểu rõ và học theo cách mà Bác Hồ vận dụng tư duy phương Đông-biết người, biết mình, biết thời thế và biết xử thế-trong đối ngoại. Đây là kinh nghiệm quan trọng nhất của tôi.

PV: Giới báo chí chúng tôi có đặt cho Phó thủ tướng một biệt danh là “Phi công cấp 1”! Không chỉ một lần, chúng tôi chứng kiến Phó thủ tướng vừa hoàn thành xong một hoạt động ngoại giao ở nước này, đã ngay lập tức di chuyển ra sân bay để bay đi nước khác cho hoạt động tiếp theo. Trong những chuyến bay dài như thế, Phó thủ tướng ngẫm nghĩ điều gì?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Tôi có lẽ là một trong những người bay nhiều nhất trong một năm qua! Đúng là có đợt đi công tác 3 ngày 4 nước, có lúc ngủ trên máy bay, sáng ra là vào hội đàm hoặc hội nghị, chiều tối lại ra sân bay để đi tiếp nước khác. Có người nói với tôi: “Vừa thấy anh ở châu lục này, hôm sau đã thấy anh ở châu lục khác, anh không ngán à?”. Trong những chuyến bay, tôi ngẫm nghĩ nhiều đến những việc cần làm trong đối ngoại để nâng cao vị thế đất nước, nghĩ về những khó khăn, thách thức phải vượt qua; nghĩ đến nội dung của các cuộc hội đàm, hội nghị của chặng đến và về gia đình. Suy nghĩ như vậy làm thời gian bay ngắn lại. Tôi nghĩ mình đi công tác nhiều, bay nhiều là vì yêu cầu công việc và khi đó, cảm thấy mình có ích.

Tôi cũng hay nghĩ về những đổi thay ghê gớm trong công việc của mình. Thế hệ các nhà ngoại giao trước đây không được thuận lợi như tôi, ví như chỉ nội việc di chuyển từ Hà Nội qua Pa-ri, nhiều khi phải trung chuyển qua Bắc Kinh hay Mát-xcơ-va, có khi mất cả tuần lễ. Bây giờ thì có thể bay liên tục, sau vài tiếng đồng hồ có thể đã ở một nước mới và bắt tay vào việc được ngay. Rồi internet, email, smartphone… giúp sức cho công việc được vận hành với tốc độ cực nhanh. Nhưng theo tôi quan niệm thì vấn đề tăng tốc độ vận hành công việc bằng các công cụ không quan trọng bằng tăng tốc độ của tư duy! Đó mới chính là điểm căn cốt của những người làm ngoại giao hiện nay.    

PV: Nhân dịp năm mới, Phó thủ tướng có thể chia sẻ đôi điều tâm sự với bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Năm 2014 đã ghi nhận những đóng góp rất to lớn của đối ngoại quốc phòng vào nhiệm vụ chung nâng cao vị thế và vai trò của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Lần đầu tiên, chúng ta đã cử các sĩ quan tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng và làm đại diện quân sự tại Phái đoàn thường trực của Việt Nam ở Liên hợp quốc. Hợp tác quốc phòng từng bước đi vào thực chất, hiệu quả, đã góp phần củng cố quan hệ song phương, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với xây dựng lòng tin, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, tôi mong các chiến sĩ, các độc giả của Báo Quân đội nhân dân hãy coi các cán bộ đối ngoại là những người đồng đội trên cùng một chiến hào, là những lực lượng hỗ trợ nhau trong một binh chủng hợp thành để thực hiện thành công đường lối đối ngoại mà Đảng ta đã đề ra.

Bước sang năm mới 2015, thay mặt các cán bộ ngành ngoại giao, chúc Báo Quân đội nhân dân và các độc giả của báo tiếp tục giành được nhiều thành công mới.

YÊN VĂN (thực hiện)