QĐND - Trong nhiều năm được làm việc với Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, tôi thường được nghe vị tướng trận mạc tâm sự: Với người lính Tây Nguyên, mỗi lần nhớ về Tây Nguyên, nhớ lại những năm tháng khó khăn chưa xa, có lẽ câu chuyện ám ảnh, ấn tượng và khó quên nhất chính là cái đói. Phải chiến thắng được cái đói thì mới tính tới chuyện đánh giặc, vì vậy ở Tây Nguyên, có lúc bộ đội đã từng ví gạo là “tư lệnh”, bởi không có gạo thì không thể mở chiến dịch được.
Căn cứ những số liệu ghi trong sổ công tác của mình, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp cho biết, có thời điểm, tổng số lương thực dự trữ của chiến trường Tây Nguyên chỉ đủ nuôi bộ đội một tuần, thực phẩm còn cạn kiệt hơn, cả hệ thống kho tàng đều trống rỗng. Trong tình hình các nguồn tiếp tế bị tắc nghẽn, các đơn vị ở mặt trận vừa phải tự nuôi mình, vừa phải lo cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị hành lang qua Tây Nguyên. Những “khách hàng lang” mỗi năm cũng lên tới hàng chục nghìn người, gồm các đơn vị bộ đội, các đoàn cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam, thương binh, bệnh binh từ miền Nam đưa ra hậu phương miền Bắc. Nguồn lương thực, thực phẩm nuôi sống bộ đội Tây Nguyên và các đoàn "phương và tự túc tăng gia sản xuất. Trong khi số lương thực, thực phẩm từ miền Bắc vào chỉ nhỏ giọt do địch đánh phá trên Đường mòn Hồ Chí Minh thì nguồn thu mua từ các cửa khẩu Cam-pu-chia cũng bị hạn chế, nguồn thu mua ở các đô thị Khu 5 chủ yếu là nhu yếu phẩm...
 |
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Ảnh tư liệu. |
Giữa lúc khó khăn ấy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Mặt trận đã tập trung trí tuệ, mở nhiều cuộc họp với các ngành và thủ trưởng các đơn vị để nắm thực lực của chiến trường, đánh giá tình hình tư tưởng và khả năng khắc phục khó khăn của bộ đội, tìm ra những biện pháp nhằm ổn định tình hình. Để chống đói, với cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên, bên cạnh cây lúa, cây ngô thì cây sắn có vai trò hết sức quan trọng. Sắn đi vào nội dung của các cuộc họp giao ban. Sắn được ghi trong sổ tay tư lệnh. Sắn vào thơ văn, thành bài hát, thành kỷ niệm một thời chinh chiến của người lính Tây Nguyên. Vì là loại cây dễ trồng, dễ chế biến nên sắn dễ gần gũi với bộ đội trong những ngày gian nan đói kém. Củ sắn có thể luộc, hấp, đồ xôi, nướng ăn ngay hoặc giã thành bột làm bánh. Sắn còn có thể phơi khô để tích trữ, ngoài củ, sắn còn cho lá để luộc, nấu canh, làm nộm, làm dưa...
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp nhớ mãi dịp Tết Đinh Mùi năm 1967, khi đó, ông đang là Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Tây Nguyên. Ông kể, ngày 29 Tết, cơ quan Chính trị chỉ còn vài chục lon gạo và sắn, thực phẩm không có gì. Anh em bàn nhau và quyết định: Ngày 30 Tết, một mình Chủ nhiệm trực giải quyết công việc, còn hơn 20 cán bộ, chiến sĩ phân công nhau đi kiếm lương thực, đào củ rừng, hái rau, săn bắn. Vậy là ai có sở trường gì thì trổ tài sở trường ấy. Mấy cậu công vụ quê Cao Bằng có tài đi săn được giao mang súng thể thao đi săn bắn (ngày ấy, cán bộ cấp cao được cấp súng thể thao và hằng tháng được cấp đạn), còn lại thì một nửa kiếm rau, đào củ. Chiều về, tổ đi săn bắn được mấy con gà rừng, vài con sóc. Tổ đào củ kiếm được đầy gùi củ mài. Tổ hái rau thì mang về vài gùi rau môn thục, rau tàu bay, rau sam đá, rau dớn, ít quả sung, quả vả,... Vậy là đủ thực phẩm cho ba ngày Tết.
Ra Tết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kon Tum đến chúc Tết Bộ tư lệnh và cơ quan mặt trận. Đang thời kỳ thiếu đói, từ cán bộ đến chiến sĩ đều phải lên rừng, xuống suối kiếm lương thực. Khách đến, anh em cơ quan thật khó nghĩ. Nhưng rồi, thấu hiểu những khó khăn của bộ đội, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã đem tặng Bộ tư lệnh một con heo khoảng chục ký. Sau khi nhận món quà ý nghĩa giữa lúc khó khăn về thực phẩm, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo hỏi Chủ nhiệm Chính trị Đặng Vũ Hiệp: “Ta nên chế biến con heo này thế nào?”. Ông Hiệp trả lời: “Theo tôi, ta cho mổ heo nấu cháo để toàn thể anh em đều được hưởng một bữa ăn tươi”. Ý kiến của Chủ nhiệm Chính trị được thực hiện ngay sau đó. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp tâm sự: “Sau bữa liên hoan cháo heo vui vẻ ấy, tôi càng nghĩ, càng thấy thấm thía câu nói của cụ Nguyễn Trãi thuở nào: Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào".
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp còn cho biết, dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng Tây Nguyên, có nhà báo hỏi ông: “Nói về những gì xảy ra ở Tây Nguyên mùa Xuân 1975, có lẽ trước hết phải nói đến trận Buôn Ma Thuột?”. Lúc đó, ông trả lời: “Không! Phải nói tới những gì đã xảy ra trên cao nguyên này từ nhiều năm trước. Phải nói tới cái nhìn đúng đắn, xa rộng của Đảng ta khi đánh giá địa bàn chiến lược Tây Nguyên và đã âm thầm xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang từ những ngày còn mong manh, gian khổ nhất, để rồi từ Tây Nguyên, chúng ta bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
LÊ HẢI TRIỀU