Lễ hội cưỡi dê:

QĐND - Tại miền Tây Ni-giê-ri-a có lễ tục kỳ lạ: Khi ra ngoài đường, người dân luôn dùng dê để cưỡi. Loại dê này to khỏe, lông trắng, chân dài và thon. Lưng chú dê này có thể chịu đựng được hai tạ hàng hóa mà vẫn đi khá nhanh. Hằng năm, người dân địa phương vẫn tổ chức Lễ hội cưỡi dê để mua bán những chú dê tốt.

Dùng dê để bói toán:

Ở Trung Phi, Công-gô, U-gan-đa quan niệm, buổi sáng, khi đàn dê ra khỏi chuồng mà đi đều nhau, con nọ nối tiếp con kia thì là điềm xấu. Điềm tốt là đàn dê chen chúc nhau ra khỏi chuồng. Khi đàn dê không chịu ra ngay lúc mở cửa chuồng có nghĩa là gia chủ chuẩn bị đón khách lạ. Còn khi râu con dê đực đầu đàn bị rụng thì có nghĩa là gia chủ sắp có mất mát về tiền bạc, của cải.

Minh họa. Lê Anh.

Tết dành cho dê:

Ở ô-xtrây-li-a, ngày 14-8 hằng năm là ngày Tết dê. Sáng sớm hôm đó, người chăn dê phải đốt một bánh pháo rồi đọc lời chúc mừng dê, mong ước cho dê luôn khỏe mạnh, sinh con đẻ cái đầy đàn. Sau đó, người ta “chiêu đãi” chúng cỏ non, lá non, hoa cúc… Trong ngày này, người chăn dê không được đánh đập dê, mặc dù chúng quậy phá thế nào tùy thích.

Dê trong lễ cưới:

Ở Mông Cổ, có những bộ lạc coi con dê như một lễ vật hiến tế cho vị thần cai quản việc sinh nở. Trước khi bước vào phòng cưới, chú rể phải đuổi bắt bằng được một con dê đực lớn nhất đàn. Nếu chú rể không đủ sức chạy để tóm được con dê đó thì không được động phòng. Khi đã bắt được dê, tự cô dâu, chú rể phải tìm mọi cách để đưa chú dê này vào phòng cưới. Sáng hôm sau, người ta sẽ giết con dê đó. Điều này có ý nghĩa là con dê đã chứng kiến tất cả sự âu yếm của đôi vợ chồng trẻ và nó sẽ đi báo cho thần sinh nở, nhờ thần phù hộ cho người mẹ trẻ trong tương lai.

Phạt chăn dê:

Ở ô-man, chăn dê là một công việc rất khó nhọc. Vì thế, việc này dành cho những người chồng hoặc người vợ phạm tội ngoại tình. Họ phải cắm trại, sống cùng bầy dê trong ba tháng trời và không được tắm rửa. Trong khi chăn dê, nếu để mất dê thì họ sẽ bị phạt rất nặng.

NGUYỄN ĐỨC TRUNG