QĐND - Đầu thế kỷ 20, một nhà địa chất là An-phrét Guy-giê-nơ, đã đưa ra thuyết trôi dạt các lục địa. Đến năm thứ 14 của thế kỷ 21, đã xuất hiện một sự “trôi dạt” những mảng địa-chính trị không liên quan gì đến địa chất, mà chủ yếu là về an ninh và chính trị…

Nếu như trong lý thuyết của An-phrét Guy-giê-nơ, sự nở ra của lòng đất đã khiến các lục địa bị tách ra rồi trượt trên bề mặt Trái Đất thì nguyên nhân khiến cho các “lục địa” địa-chính trị bị “trôi dạt” trong năm 2014 nằm ở một nguyên nhân chủ yếu: U-crai-na.

Sự biến ở U-crai-na đã như một “vụ nổ lớn” cực mạnh làm rung chuyển các mối quan hệ mong manh-với nước Nga là trục trung tâm-được thiết lập kể từ sau Chiến tranh lạnh, khiến cho các thực thể bị trôi dạt về các hướng khác nhau.

Các “lục địa” địa-chính trị bị “trôi dạt” có: Liên bang Nga, Mỹ, Trung Quốc, Tây Âu (cụ thể là EU).

“Mắt đền mắt, răng đền răng”

Chắc chắn đó là một sự chia tách rõ rệt và quyết liệt. Tây Âu, mà nhiều chính khách đã không ngần ngại tiếp tế cho những người biểu tình trên Quảng trường Mai-đan ở Ki-ép và thậm chí còn tiếp đón các thủ lĩnh đối lập trong những ngày khủng hoảng, đã không sao có thể nuốt trôi được cái thực tế là chỉ trong chớp mắt, vùng đất Crưm đã quay trở về với nước Nga.

Người dân Crưm ăn mừng khi vùng đất này quay trở về với nước Nga. Ảnh: NBCnews

Tiếp đó, các lực lượng đòi độc lập, theo khuynh hướng liên bang hóa ở miền Đông U-crai-na đã đụng độ quyết liệt với lực lượng chính phủ Ki-ép, đẩy đất nước U-crai-na vào một cuộc nội chiến không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Trừng phạt, đến lúc này, đó là cách tiếp cận mà Tây Âu thực hiện đối với nước Nga. Các biện pháp trừng phạt được thực hiện từ thấp lên cao, từ lỏng đến chặt, ngày càng có khuynh hướng bạo liệt hơn khiến cho nền kinh tế Nga lao đao. Hàng trăm tỷ USD theo chân các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường Nga. Giá dầu mỏ lao dốc-không loại trừ do có sự can thiệp bởi những quyết định chính trị-khiến nền kinh tế Nga, vốn định hướng chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, bị thiệt hại nặng nề. Các ngân hàng của Nga bắt đầu hứng chịu những hậu quả của lệnh trừng phạt và như một tác động dây chuyền, các ngành kinh tế phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng, bắt đầu rơi vào giảm phát…

Nhưng, như Tổng thống Nga V.Pu-tin đã không ít lần nhắc nhở các đối tác châu Âu của mình rằng, chớ có nói chuyện với nước Nga bằng sức mạnh, Tây Âu cũng ngay lập tức chịu những đòn trả đũa từ phía Nga. “Mắt đền mắt, răng đền răng”, đấy là cái cách mà nước Nga của Tổng thống V.Pu-tin đáp trả. Lệnh cấm các sản phẩm nông sản từ Tây Âu khiến hàng loạt nhà sản xuất: Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan lo lắng. Bản thân U-crai-na cũng bị thiệt hại nặng nề. Người ta đánh giá, ít nhất 10 triệu nông dân EU khốn đốn vì phản đòn từ phía Nga, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU.

Tiếp đó, khi Tổng thống Nga V.Pu-tin, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, bất ngờ công bố quyết định của phía Nga dừng dự án “Dòng chảy phương Nam” trị giá 40 tỷ USD cung cấp 63 tỷ mét khối khí đốt hằng năm cho các quốc gia Trung và Nam Âu qua biển Đen, thì các đối tác châu Âu chưng hửng. Lý do phía Nga đưa ra là do sức ép của Ủy ban châu Âu, Bun-ga-ri đã không cấp giấy phép xây dựng để thực hiện dự án và vì thế, Nga buộc phải dừng dự án. Quyết định này không chỉ đe dọa đến an ninh năng lượng của châu Âu khi mùa đông lạnh giá đang tới gần mà còn khiến cho hàng loạt quốc gia, trong đó có: Bun-ga-ri, Xéc-bi-a, Xlô-vê-ni-a, Hung-ga-ri, I-ta-li-a bị thiệt hại ít nhiều.

Bước leo thang này cho thấy, sự va đập giữa hai “lục địa” Nga và Tây Âu đã xảy ra liên tục ở cường độ cao trong năm 2014, đẩy hai bên ra xa nhau đến hết mức có thể kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Chưa tìm thấy chiếc lò vi sóng để “rã đông”

Cùng với chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng buộc phải “cài đặt lại” quan hệ với nước Nga, đối thủ cũ từ thời Chiến tranh lạnh, đối tác mới của kỷ nguyên toàn cầu hóa. Với muôn vàn thách thức xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”, nước Mỹ dù tài giỏi và có tiềm lực hùng hậu đến cỡ nào đi chăng nữa, cũng không thể một tay gánh vác hết.

Hồ sơ hạt nhân gây tranh cãi của I-ran, tiến trình tắc nghẹn của hòa bình Trung Đông, mối đe dọa càng ngày càng hiển hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cuộc nội chiến dằng dai đẫm máu ở Xy-ri… tất cả sẽ không thể giải quyết được nếu thiếu vai trò của Nga.

Cả Nga và Mỹ đều nhận thấy, trong vai trò của hai siêu cường hàng đầu thế giới, sự cần thiết phải phối hợp để cùng nhau đối mặt với những thách thức an ninh, chính trị, kinh tế ở tầm mức khu vực cũng như toàn cầu. Sự phối hợp giữa Nga và Mỹ trong việc tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng Xy-ri ở phút cuối cùng là một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của sự phối hợp này.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng U-crai-na nổ ra vào đầu năm 2014 đã kích hoạt phản ứng của nước Nga trước việc an ninh quốc gia bị đe dọa. Crưm sáp nhập vào Liên bang Nga, cùng với các cuộc xung đột triền miên giữa lực lượng ủng hộ liên bang ở miền Đông U-crai-na với chính quyền Ki-ép, đã khiến Mỹ không thể thờ ơ.

Những biện pháp trừng phạt dè dặt được tung ra, cho dù Mỹ không phải gánh chịu những hậu quả nặng nề như các đồng minh của mình ở châu Âu do các biện pháp đáp trả từ phía Nga. Quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết kể từ những ngày cuối của Chiến tranh lạnh. Ngăn cách giữa hai “lục địa” Nga-Mỹ không chỉ một Đại Tây Dương nhiều sóng gió, mà là cả một biển trời băng giá.

Cho đến cuối năm 2014, chưa thấy một chiếc lò vi sóng nào có công suất đủ để “rã đông” quan hệ Nga-Mỹ, một tình trạng sẽ đẩy thế giới đến bên bờ vực thẳm nếu cả hai bên đều cương quyết giữ vững lập trường, không chịu thỏa hiệp và tiếp tục lao vào cái vòng luẩn quẩn trừng phạt-trả đũa-trừng phạt…

“Lục địa” Nga “trôi” về phía Đông

Những “va chạm” với Mỹ và Tây Âu đã buộc nước Nga quay sang hướng Đông. Ở đây, nước Nga bắt gặp một “đối tác” dễ chịu: Trung Quốc.

Thật ra thì Trung Quốc và Nga đã có những bước xích lại gần nhau một cách đáng kể sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Tuy chưa phải là những đối tác chiến lược toàn diện, thế nhưng, cả Mát-xcơ-va lẫn Bắc Kinh đều tìm thấy những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên trong việc liên kết với nhau để đạt tới các lợi ích an ninh chung.

Xy-ri chính là một ví dụ cho thấy mối liên kết này sau bài học cay đắng “đứng ra một bên” ở Li-bi. Cả Nga và Trung Quốc đã liên thủ với nhau ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chống lại tất cả mọi tiến trình của Mỹ và phương Tây liên quan đến việc “cấp phép” cho lực lượng liên minh có cớ hợp pháp để đánh “bề hội đồng” chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát.

Sang năm 2014, trong bối cảnh bị Tây Âu và Mỹ o ép mọi bề xung quanh vấn đề U-crai-na, đặc biệt là trong vấn đề năng lượng, nước Nga đã bắt tay với Trung Quốc trong một hợp đồng thế kỷ trị giá 400 tỷ USD, liên quan đến hợp tác về dầu khí. Có thể nói, đây là đột phá khẩu để Nga phá thế bao vây ở hướng Tây, khơi dòng năng lượng chảy sang hướng Đông với mục tiêu bù đắp lại những thiếu hụt ngân sách trầm trọng không thể tránh khỏi do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây gây ra. Sự hợp tác giữa Nga với Trung Quốc đã đạt tới mức cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Chắc chắn, chính sách hướng sang phía Đông của nước Nga sẽ không dừng lại ở đó. Đã xuất hiện Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) với ba thành viên ban đầu: Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, sau có thêm Ác-mê-ni-a, Cư-rơ-gư-xtan, bắt đầu có hiệu lực từ ngày đầu năm 2015, một cánh cửa mở sang phía Đông cho nước Nga.

Thực chất, đây chính là một chính sách “xoay trục” bắt buộc sang hướng Đông của nước Nga để thoát khỏi muôn trùng vây mà Mỹ và phương Tây tạo ra để gây sức ép với Mát-xcơ-va xung quanh cuộc khủng hoảng U-crai-na. Với nhiều quốc gia đang bày tỏ ý định tham gia vào Liên minh này, EEU là một cơ cấu mà Nga muốn tạo lập nhằm thiết lập một trật tự địa-kinh tế mới để đối chọi với những sức ép đến từ phía Tây.

Còn Trung Quốc, đối tác phương Đông của nước Nga thì sao?

Dao động con lắc đơn

Nếu như có ai cảm thấy được lợi một cách rõ rệt do tình trạng quan hệ căng thẳng Nga-Tây Âu và Nga-Mỹ trong năm 2014 thì đó chỉ có thể là Trung Quốc!

Cuộc khủng hoảng U-crai-na đã đột nhiên đẩy Trung Quốc ở vào một vị thế “ngư ông đắc lợi”, khi ngôn ngữ chủ yếu để đối thoại giữa Nga với phương Tây là “trừng phạt”!

Nước Nga quay sang phía Đông, Trung Quốc có được những hợp đồng dầu khí khổng lồ với giá rẻ, trở thành đối tác quân sự hàng đầu của Nga. Nhưng còn lâu Trung Quốc và Nga mới trở thành một đồng minh thân thiết, không phải vì Trung Quốc ngại ngần mang tiếng liên minh để chống lại một nước thứ ba, mà cơ bản vì quan hệ Trung-Mỹ vẫn có một tầm quan trọng chiến lược.

Trong bối cảnh Nga-Mỹ đang ở vào thời điểm căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, Trung Quốc hy vọng sẽ trở thành một cực cân bằng giữa hai đối tác khổng lồ đang mâu thuẫn gay gắt. Nói cách khác, Trung Quốc thấy đã đến lúc rũ bỏ ý tưởng “náu mình chờ thời” để vươn lên chiếm vị thế của một cường quốc thế giới.

Quan hệ Mỹ-Trung đã trải qua lịch sử lâu dài đầy thăng trầm và cho đến thời điểm hiện tại, giữa hai bên vẫn duy trì, không phải một “lòng tin chiến lược”, mà là một sự “nghi ngờ chiến lược” thường xuyên, dai dẳng.

Tham vọng thoát khỏi chiếc áo chật chội “nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới” của Trung Quốc chắc chắn sẽ va đập với chính sách kiềm chế của Mỹ, vốn định vị Trung Quốc như một đối thủ tiềm tàng có tham vọng lấn át vị trí siêu cường số một thế giới mà lâu nay Mỹ đang nắm giữ. Ngay cả việc Trung Quốc là một quốc gia khó lường trong mối quan hệ với các nước láng giềng ở ngay trong khu vực châu Á cũng khiến Mỹ không thể không nghi ngờ.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn luôn cảnh giác với chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ. Một sự tăng cường hợp tác với nước Nga trong năm 2014 cho phép Trung Quốc có được vị thế mạnh hơn trong đối thoại với Mỹ về các vấn đề quốc tế. Mặt khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ bởi nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế như trong thời gian qua, thị trường khổng lồ Mỹ là yếu tố có tầm quan trọng sống còn.

Sự chuyển dịch của Trung Quốc, vì thế, giống như dao động của con lắc đơn, luôn giữ một vị trí tương đối giữa Nga và Mỹ, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa hai siêu cường.

*

*    *

Năm 2015, các “lục địa” vẫn sẽ tiếp tục “trôi dạt” theo hướng kim la bàn của những lợi ích quốc gia và quốc tế. Xét trên bình diện của một quá trình, năm 2014 thực ra mới chỉ là sự khởi đầu…

YÊN BA