QĐND - “Ngôi vương” doanh thu

Theo ước tính của giới kinh doanh điện ảnh, trong giai đoạn từ 2004 đến 2013, thị trường châu Á đã có những bước tăng trưởng ngoạn mục, với mức tăng trung bình trên dưới 10%/năm. Năm đầu tiên của giai đoạn này, mức doanh thu từ điện ảnh của các nước châu Á đạt 8,5 tỷ USD. 10 năm sau, doanh thu của thị trường này đã đạt 11,1 tỷ USD, vượt lên hai thị trường mạnh nhất là Bắc Mỹ và châu Âu.

Sự vượt lên của thị trường điện ảnh châu Á bắt nguồn từ 4 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Tính riêng năm 2013, đã có 100 bộ phim từ khu vực Đông Á vượt qua mốc doanh thu 10 triệu USD tại các phòng vé nội địa. Đặc biệt, có tới 5 phim của Hàn Quốc vượt qua con số 50 triệu USD. Ngành điện ảnh Nhật Bản cũng đóng góp 3 phim trong tốp 25 phim có doanh thu cao nhất năm 2013 tại châu Á. Trong đó, có hai bộ phim đạt mức doanh thu kỷ lục là “The wind rises” (tạm dịch: Cuồng phong) đạt 118 triệu USD và “Monsters University” (tạm dịch: Đại học quái vật) đạt 89 triệu USD.

Ma-ghi Q, diễn viên người Mỹ gốc Việt, đã trở thành một biểu tượng thành công ở Hollywood. Ảnh: fanmovies

Tại thị trường đông dân nhất thế giới-Trung Quốc, sự tăng trưởng của điện ảnh là điều đã được dự báo. Đặc biệt, khi khán giả Trung Quốc ngày càng tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới những bộ phim trong nước. Riêng trong năm 2013, doanh thu phòng vé ở Trung Quốc tăng tới 27%, đạt 3,6 tỷ USD, gần gấp đôi thị trường Anh (1,9 tỷ USD). Hơn thế, mức tăng này vượt xa so với mức tăng 1% của thị trường Bắc Mỹ hay 4% của thị trường toàn cầu. Đến hiện tại, thị trường điện ảnh Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai sau Bắc Mỹ. Trong tương lai không xa, việc Trung Quốc chiếm “ngôi vương” trên thị trường điện ảnh hoàn toàn có thể xảy ra.

Tại kinh đô điện ảnh châu Á-Bollywood của Ấn Độ, mức tăng trưởng cũng rất ngoạn mục. Năm 2013, doanh thu của thị trường này tăng trưởng 10%, đạt con số 1,54 tỷ USD, xếp vị trí thứ 5 trong danh sách các thị trường quốc tế. Theo dự đoán của giới chuyên môn, đến năm 2018, thị trường điện ảnh Ấn Độ sẽ chạm mức 3,6 tỷ USD, trong đó phim nội vẫn chiếm đến 75% doanh thu.

Ngoài 4 thị trường lớn trên, khu vực Đông Nam Á cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Những năm qua, phòng vé của các quốc gia trong khu vực này liên tục xác lập những kỷ lục mới. Năm 2013, Ma-lai-xi-a xếp thứ 20 trong danh sách những thị trường phòng vé quốc tế có doanh thu cao nhất với 200 triệu USD. Thái Lan bất ngờ lập kỷ lục với bộ phim nội địa “Tình người duyên ma” đạt con số 33 triệu USD.

“Ngôi vương” chất lượng

“Cuộc đời của Pi” của đạo diễn Lý An giành 4 tượng vàng Oscar năm 2013: Đạo diễn xuất sắc nhất, Bộ phim quay đẹp nhất, Hiệu ứng hình ảnh tốt nhất, Cốt truyện xuất sắc nhất. Ảnh: fanmovies

Tất nhiên, nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của doanh thu, chất lượng của những bộ phim châu Á được nâng cấp hơi chậm chạp. Và, việc “qua mặt” những bộ phim “bom tấn” của Mỹ hay châu Âu còn trong tương lai xa. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận những dấu ấn của điện ảnh châu Á với nhiều bộ phim được trao giải tại các liên hoan phim quốc tế. Trong đó, ngay từ thập niên 1950, những bộ phim như “Tokyo story” (tạm dịch: Câu chuyện Tô-ki-ô) của đạo diễn người Nhật Bản Y-a-su-di-rô O-du, “Rashomon” của đạo diễn A-ki-ra Ku-rô-xa-oa cũng người Nhật Bản hay “The apu trilogy” (tạm dịch: Ba người què) của đạo diễn người Ấn Độ Sa-ti-a-dít Ray... đã được Hollywood thừa nhận như những kiệt tác của điện ảnh thế giới. Gần đây, các tác phẩm điện ảnh như: “Ngọa hổ tàng long”, “Cuộc đời của Pi”, “Sắc giới” (đạo diễn Lý An, Đài Loan-Trung Quốc); “Old boy” (tạm dịch: Cựu học sinh, đạo diễn Park Chan Wook, Hàn Quốc); “Separation” (tạm dịch: Chia cắt, đạo diễn Át-ga Pha-ha-đi, I-ran)… đã nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà phê bình. Đặc biệt, nhiều bộ phim châu Á đã gây được tiếng vang và giành những giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế uy tín Oscar, Cannes, Berlin…

Nền điện ảnh châu Á tuy non trẻ hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ nhưng lại được đánh giá là có sức sáng tạo mạnh mẽ, với những cá nhân đem lại dấu ấn sâu đậm. Từ thập niên 1990, những bộ phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, đạo diễn Vương Gia Vệ người Trung Quốc đã thực sự khiến giới điện ảnh Mỹ và phương Tây ngưỡng mộ bởi sự chi tiết đến mức cầu toàn từ màu sắc chủ đạo của phim, bối cảnh chật hẹp tạo cảm giác ngột ngạt nhưng nổi bật lên tâm trạng con người trong đó. Thành công gần đây nhất của điện ảnh Trung Quốc là giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 2014 dành cho đạo diễn Điêu Diệc Nam. Khoảng 10 năm trở lại đây, điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu gây được sự chú ý. Năm 2003, bộ phim “Old boy” đã giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes. Năm 2010, điện ảnh Thái Lan bất ngờ được vinh danh bằng giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes với bộ phim “Bác Boonmee, người có thể nhớ kiếp trước” của đạo diễn A-pi-chát-pong Uê-ra-xê-tha-cun. Trong khi đó, thành công lớn nhất của điện ảnh Cam-pu-chia là đề cử ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất” của giải Oscar 2014 dành cho bộ phim “The missing picture” (tạm dịch: Tấm ảnh mất tích) của đạo diễn Ri-thi Panh.

HOÀNG TRẦN ANH