QĐND - Những khúc nhạc Xuân đã rộ trên từng góc phố, đường thôn, ngõ xóm, trong mỗi nếp nhà, bên thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ… Đi trong rộn ràng giai điệu mừng Xuân, chúng ta cảm thụ rõ những thanh âm mừng vui và tự hào trước những thành tựu đạt được của đất nước. Năm Giáp Ngọ-2014 khép lại với nhiều cam go, khó khăn, thách thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Với sự đồng tâm hiệp lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đã vững tay chèo, đưa con thuyền đất nước vượt qua chông gai thử thách, giữ vững ổn định chính trị và mức độ tăng trưởng kinh tế, chấn hưng văn hóa dân tộc, ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là giữ vững nền hòa bình độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước những sóng gió, diễn biến khó lường trên Biển Đông…

Chuẩn bị đón Tết ở Lữ đoàn Thông tin 602 Hải quân. Ảnh Trọng Thiết.

Lắng nghe tiếng nhạc, cung đàn hôm nay, chúng ta lại nhớ đến tiếng đàn của chàng Thạch Sanh trong truyền thuyết dân gian. Vượt qua biết bao trầm luân khổ ải, với đầy rẫy những man trá, lọc lừa và hiểm nguy, chết chóc, với bản lĩnh, ý chí và sức mạnh vô song, chàng trai của truyền thuyết đã mang về cho cuộc sống muôn dân tiếng đàn của hòa bình, ấm no, thịnh vượng; tiếng đàn của đức nhân từ, lòng nhân ái, bao dung, thể hiện tính nhân văn, giá trị nhân đạo cao cả. Khi kẻ thù ngoại bang bại trận, tiếng đàn Thạch Sanh đã mang cơm ngon để thết đãi, tiễn những kẻ bại trận trở về quê hương của họ. Tiếng đàn ấy đã rung lên những khúc nhạc hòa hiếu, thức tỉnh lương tri của những kẻ hiếu chiến, nhằm nối lại mối quan hệ bang giao. Tiếng đàn Thạch Sanh thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam và đạo lý nhân ái, khoan dung của cha ông ta.

Trao tấm ảnh "O du kích nhỏ..." cho viên phi công Rô-bin-xơn, người bị dẫn giải trong bức ảnh này.

Từ truyền thuyết đến hiện thực, trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của các thế hệ con Lạc, cháu Hồng, khát vọng hòa bình và tinh thần hòa hiếu, hữu nghị luôn được tổ tiên, ông cha ta coi trọng, gìn giữ, đắp bồi như một giá trị đạo đức văn hóa truyền đời. Từ đời nhà Trần 3 lần chiến thắng giặc Nguyên-Mông, Lê Lợi đánh tan giặc Minh, Nguyễn Huệ-Quang Trung đại phá quân Mãn Thanh… cho đến những anh hùng bao đời của dân tộc, sau khi lãnh đạo toàn dân đánh bại kẻ thù, bên ly rượu mừng với ba quân tướng sĩ, cha ông ta không bao giờ quên những nghĩa cử khoan dung, nhân đạo dành cho kẻ bại trận đã bị khuất phục: Cấp ngựa, quần áo, quân lương… cho họ trở về nước. Sau khi đất nước hòa bình, lại cử sứ giả sang đất nước họ để chuyển tải thông điệp hòa hiếu, hòa bình, hữu hảo bang giao…

Ở thời đại Hồ Chí Minh, hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, bên cạnh khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam, nhân loại đã chứng kiến và cảm phục những hành động thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của nhân dân trên đất nước hình chữ S. Hình ảnh những cô y tá hiền hậu băng bó vết thương cho phi công địch khi phi cơ của kẻ thù bị bắn rơi, đã trở thành những khoảnh khắc lịch sử của tinh thần nhân đạo Việt Nam trong chiến tranh. Việc đối xử khoan dung với tù binh, chủ trương hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ để tập trung nguồn lực kiến thiết, xây dựng lại đất nước từ đống đổ nát của chiến tranh; việc giúp đỡ tận tình chính phủ và nhân dân Mỹ tìm lại hài cốt cựu binh Mỹ trên các chiến trường, cùng rất nhiều chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta sau chiến tranh, đã khiến không ít chính khách, cựu binh, nhân dân Mỹ và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới cảm kích, nể phục. Nhiều cựu binh trong quân đội Pháp, Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, sau nhiều thập kỷ trở lại đất nước này đã bày tỏ xúc động sâu sắc trước tấm lòng, nghĩa cử của người dân Việt Nam. Họ thổ lộ rằng, việc tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược đất nước này là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời họ, một sai lầm lịch sử của đất nước họ. Họ muốn góp sức cho những hành động hôm nay để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.

Vâng! Chỉ có thể là Việt Nam mới có thái độ ứng xử khoan dung, nhân hậu như thế. Lòng nhân hậu, khoan dung thể hiện trong suy nghĩ, việc làm bình dị của những người dân một nắng hai sương. Đường lối hòa hợp dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng để duy trì nền hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền cương thổ là chủ trương nhất quán của Đảng ta. Khát vọng và lẽ sống của tiên tổ, cha ông đã được các thế hệ người Việt giữ gìn, phát huy, trở thành tinh thần Việt, cốt cách Việt, đạo đức Việt, văn hóa Việt. Tinh thần ấy, cốt cách ấy, giá trị đạo đức văn hóa truyền đời ấy, theo cách nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài viết chào mừng năm mới 2015, đó là thứ "quả lành” cho nền độc lập tự do, cho “non sông ngàn thuở vững âu vàng” của dân tộc ta.

Những tù binh Mỹ bị thương được khiêng cáng ra tận sân bay (Sân bay Gia Lâm năm 1973) . Ảnh: Đoàn Công Tính.

Sứ mệnh đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nền hòa bình, độc lập dân tộc và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trong giai đoạn mới đang đặt ra những yêu cầu, thách thức ngày càng gay gắt. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc ở Biển Đông thời gian qua, dù phải trải qua muôn vàn thách thức, nhưng bằng sự sáng suốt, tỉnh táo, kế thừa truyền thống cha ông, Đảng ta đã khôn khéo đề ra mục tiêu đúng đắn, sách lược mềm dẻo để giữ vững môi trường hòa bình và chủ quyền lãnh thổ. Chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu tối thượng. Đó là cái “bất biến”. Đấu tranh để giữ vững mục tiêu đó bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế là giải pháp thượng sách. Sách lược để đạt được mục tiêu ấy, để thực hiện thắng lợi giải pháp ấy thì luôn có sự linh hoạt, tỉnh táo, mềm dẻo, đó là cái “vạn biến”. Giành chiến thắng từ một cuộc chiến tranh là điều rất khó. Nhưng để tránh được chiến tranh mà vẫn giữ vững môi trường hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh tranh chấp, nguy cơ xung đột gay gắt trên thế giới và khu vực, lại là điều còn khó khăn gấp bội. Thừa hưởng những quốc bảo của cha ông để lại, với thứ “quả lành” đất Việt ngàn năm, chúng ta luôn biết lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là cơ sở để hun đúc, đắp bồi tinh thần yêu nước cho muôn dân!

Quân đội ta được thừa hưởng thứ “quả lành” truyền đời của dân tộc, kết tinh thành giá trị Bộ đội Cụ Hồ như một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Những cuộc luyện quân từ núi rừng đến biển cả, từ biên cương đến hải đảo trong hành trình tiến lên tinh nhuệ, chính quy, hiện đại là để duy trì sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị bất ngờ trước mọi hoàn cảnh, tình huống. Không một người chiến sĩ nào mong muốn có chiến tranh để cầm súng xông trận, nhưng khi đất nước lâm nguy, không một chiến sĩ nào run sợ, chùn bước nơi chiến trường. “Quả lành” của cha ông đã thấm vị, tỏa hương trong huyết mạch, hồn cốt của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, tạo nên bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh. Sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mang tính nhân văn cao cả.

Trong khúc quân hành giục giã bước chân hành quân của đội ngũ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay, có sự kết tinh những thanh âm, giai điệu của tiếng đàn Thạch Sanh, của linh khí thuở dựng nước từ các Vua Hùng, của hào khí đánh giặc giữ gìn bờ cõi xã tắc của các triều đại và cao hơn cả là hào khí và giá trị nhân đạo của thời đại Hồ Chí Minh.

Để có thứ quả lành cho con cháu hôm nay, tổ tiên ta từ thuở khai thiên lập địa đã ươm gieo hạt giống cây lành. Trải qua những thăng trầm lịch sử, giống cây lành ấy không ngừng được chăm sóc cho sâu gốc bền rễ, đơm hoa kết trái. Kế tục truyền thống cha ông, chúng ta có bổn phận và sứ mệnh tiếp tục vun xới cho cây lành gốc rễ bền sâu, gieo hồn dân tộc nhân nghĩa tươi sáng cho tương lai, để các thế hệ con cháu mai sau tiếp tục được thừa hưởng hoa thơm trái ngọt, để “quả lành” mãi mãi tỏa hương vị đậm đà trong huyết quản, hồn cốt, lẽ sống của muôn đời con cháu Rồng Tiên, giữ cho Tổ quốc giang sơn trường tồn hưng thịnh…

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN