QĐND - Trước thềm năm mới Ất Mùi 2015 - năm kết thúc kế hoạch 5 năm (2011-2015), GS, TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc trao đổi khá thẳng thắn và cởi mở về triển vọng, thách thức của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vấn đề kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí đánh giá khái quát về những thuận lợi, triển vọng trong năm 2015 của kinh tế Việt Nam?
GS, TS Vương Đình Huệ: Tình hình kinh tế Việt Nam từ năm 2014 sang 2015 sáng lên rất nhiều so với thời điểm cách đây một năm. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn. Đặc biệt là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
Nhìn vào năm 2015, có thể thấy, chưa khi nào Việt Nam gặt hái được những kết quả đàm phán các hiệp định thương mại tự do nhiều như thế. Việt Nam đã hoàn tất đàm phán FTA với Hàn Quốc và Liên minh thuế quan Nga - Ca-dắc-xtan - Bê-la-rút, đã thống nhất về nguyên tắc FTA với Liên minh EU. Hiệp định TPP cũng được kỳ vọng ký kết trong năm 2015. Năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tất cả các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Năm 2015 là năm sẽ có nhiều đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực. Những luật này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thông thoáng hơn.
 |
GS, TS Vương Đình Huệ |
PV: Nền kinh tế còn những khó khăn, thách thức nào trong năm nay, thưa đồng chí?
GS, TS Vương Đình Huệ: Một số khó khăn thách thức đối với kinh tế của năm 2014 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2015, đó là một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc, nhất là cân đối thu chi ngân sách trong điều kiện nợ công đã ở mức cao và giá dầu thô giảm nhiều có thể kéo dài sang năm 2015. Tốc độ tăng trưởng cũng chưa xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thách thức nữa là nợ công của chúng ta cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có thực hiện khá quyết liệt nhưng còn chậm không được như mong muốn.
Rủi ro còn lại là khả năng, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chúng ta như thế nào, có tiếp tục được đà từ năm 2014 để tạo ra cái mới hay không.
PV: Có ý kiến cho rằng, trong những năm gần đây, chúng ta tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế mà lơ là nhiệm vụ củng cố quốc phòng. Theo đồng chí, quan điểm này đã đúng chưa?
GS, TS Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng, quan điểm đó là chưa đúng. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng. Thời gian qua, thực hiện đường lối của Đảng, việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai nghiêm túc bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công trình cụ thể. Quân đội làm tốt chức năng vừa là lực lượng bảo vệ các thành quả kinh tế-xã hội của đất nước, vừa là lực lượng xây dựng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp quân đội vừa thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, vừa là nơi gìn giữ tiềm lực quốc phòng và trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cá biệt còn có hiện tượng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên mất nhiệm vụ quốc phòng. Trận địa pháo phòng không bị những nhà cao tầng “bao vây”, vị trí trọng yếu về quốc phòng lại được giao cho doanh nghiệp nước ngoài xây khách sạn, đất giáp biên giới cũng bị cho người nước ngoài thuê trồng rừng… Những thiếu sót nói trên đã được các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh.
PV: Theo đồng chí, để kết hợp được tăng trưởng kinh tế gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, chúng ta phải làm gì?
GS, TS Vương Đình Huệ: Đảng ta đã xác định trong giai đoạn hiện nay, hoạt động phát triển kinh tế đang là nhiệm vụ trung tâm, hàng đầu của đất nước. Phát triển kinh tế còn tạo ra những điều kiện vật chất, kỹ thuật quan trọng để củng cố quốc phòng. Thế nhưng, để phát triển được kinh tế nhanh và bền vững, cần phải có môi trường hòa bình, an ninh ổn định. Muốn vậy, phải xây dựng được thế trận và lực lượng sẵn sàng, đủ sức bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Hai nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng phải thống nhất về mục tiêu và định hướng phát triển.
Để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Quy chế quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế và trách nhiệm phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định các chủ trương, chính sách, các chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh và quốc phòng-an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Thực hiện tốt quy chế này cũng sẽ góp phần gắn kết được kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
ĐỖ PHÚ THỌ (thực hiện)