QĐND - Năm 2007, Đảng ta mở Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2011, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chuyển CVĐ trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày. Chặng đường 8 năm đó đã thu được những thành tựu đáng trân trọng, đồng thời cũng tồn tại không ít hạn chế, yếu kém, giúp chúng ta rút ra những bài học sâu sắc cho chặng đường tiếp theo.
 |
Màn đồng diễn với chủ đề phát huy truyền thống dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1.
|
Từ khi thực hiện Chỉ thị 03, câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng ta không tiếp tục thực hiện CVĐ, mà coi đó như là nhu cầu nội tại trong Đảng và trong dân, lại là nhu cầu thường xuyên, hằng ngày? Điều đó có lý do bắt đầu từ nhận thức và điều chỉnh tổ chức chỉ đạo của Đảng sao cho hiệu quả, thiết thực hơn, nhất là nuôi dưỡng sức sống, ảnh hưởng, ý nghĩa của di sản Hồ Chí Minh trong đời sống của Đảng và của nhân dân. Sự điều chỉnh đó, từ góc nhìn văn hóa là một bước chuyển biến rất rõ nét. Cái gì là văn hóa thì mới lâu bền, đi vào lòng người một cách tự nguyện, tự giác, bền bỉ, sâu lắng, chứ không hình thức, càng không phải hành chính, quan liêu. Bằng việc thực hiện Chỉ thị 03, chúng ta đã chuyển từ tư duy theo kiểu lễ hội, mùa vụ, phong trào, kỷ niệm… theo từng thời kỳ, thời điểm, trở thành việc làm thường xuyên như “cơm ăn nước uống” hằng ngày. Điều đó cũng đúng với ý nguyện của nhân dân. Nhân dân ở cơ sở cảm nhận rõ những chuyển biến trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của Nhà nước bằng những việc làm cụ thể. Chuyển từ CVĐ sang việc làm thường xuyên, chúng ta sẽ khắc phục được tính chất hành chính, quan liêu một thời, phô trương hình thức, sang học tập và làm theo Bác một cách thiết thực. Bước chuyển về nhận thức, chuyển trong tổ chức chỉ đạo thực hiện này có thể xem là một thành tựu của Đảng ta.
Qua 8 năm học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, chúng ta đã thu được thành tựu đáng khích lệ, trước hết là làm phấn khích lòng dân. Dù Bác đi xa hơn 45 năm, nhưng ảnh hưởng, sức sống của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất lâu bền trong lòng dân. Mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta lại hướng tới Bác, nghĩ về Bác, vận dụng đúng các luận điểm tư tưởng của Bác thì đều tìm thấy “chìa khóa” để giải quyết, kể cả trong quan hệ lãnh đạo quản lý và trong xử lý các mối quan hệ trong nước, quốc tế.
Một thực tiễn sinh động là việc thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng ta từ khi đổi mới đã coi dân chủ là động lực phát triển, chủ trương dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến Đại hội XI của Đảng, Đảng ta xác định “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội. Không khí dân chủ, đồng thuận mà xã hội có được như hôm nay, chính là nhờ chúng ta đã quyết liệt thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác luôn xem dân chủ là một mục tiêu, động lực quan trọng của cách mạng. Trong Di chúc, Bác nhắc rất nhiều đến vấn đề dân chủ. Đặc biệt, đối với việc thực hiện dân chủ trong Đảng, Bác là người đặt ra đầu tiên. Bây giờ soi lại, chúng ta đều thấy, nếu thực hành được dân chủ theo tư tưởng và tấm gương mẫu mực của Hồ Chí Minh thì thành tựu cách mạng sẽ lớn hơn nhiều. Và khiếm khuyết của chúng ta, nếu nhờ sức mạnh dân chủ sẽ giảm đi rất nhiều.
Rõ ràng, việc học và làm theo Bác ngày càng thiết thực, cụ thể, sâu sắc, biến thành hành động của từng tập thể, cá nhân. Đây là một phương pháp lãnh đạo đầy sáng tạo của Đảng ta, tạo động lực lâu dài, bền bỉ trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Còn có nhiều điều chưa được như mong muốn, nhưng nhờ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nước ta đã có bước chuyển động tích cực về nhận thức. Việc học tập tư tưởng và đạo đức của Bác Hồ trở thành một trong những nội dung lớn của lý luận nước ta, nhất là trong đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Nó cũng làm chuyển biến trong đội ngũ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; tạo chuyển biến về nhận thức trong các tầng lớp dân chúng, trong đó có thế hệ trẻ. Qua học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, chúng ta có thêm năng lượng tinh thần để đoàn kết, đồng thuận từ Đảng đến dân thành một khối. Đó là điểm tựa tinh thần rất quan trọng trong điều kiện chúng ta rất khó khăn từ kinh tế đến xã hội. Và có thể nói, sự nghiệp đổi mới càng phát triển, càng giúp chúng ta nhận ra chân giá trị Hồ Chí Minh.
Chính nhờ học tập và làm theo Bác, chúng ta có đủ dũng khí phanh phui các hiện tượng tiêu cực, những cái xấu trong xã hội, xử lý các đại án tham nhũng. Những sai sót, suy thoái trong một số cán bộ cấp cao đã làm tổn thương lớn đến uy tín và thanh danh của Đảng. Sẽ rất khó xử lý nếu chúng ta không có tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không dám chấp nhận đau đớn để cắt bỏ “khối u” thì không thể giữ cho được sự trong sạch của thể chế, của chế độ, nhất là bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.
Tổng hợp tất cả những điều đó, là niềm tin của dân vào Đảng, vào chế độ thông qua hình tượng sáng ngời Hồ Chí Minh ngày càng được củng cố, tăng cường. Qua việc thực hiện Chỉ thị 03, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quảng bá rộng rãi trong xã hội, hiệu ứng của nó lan tỏa không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra nước ngoài. Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đưa đến cho chúng ta nhiều bạn bè trong sự nghiệp đổi mới và họ rất quan tâm đến sự nghiệp đổi mới ở nước ta, đã nhiệt tình giúp chúng ta nghiên cứu, quảng bá sâu sắc hơn di sản Hồ Chí Minh.
Nhận rõ thành tựu, cũng đòi hỏi chúng ta phải thấy rõ hạn chế, yếu kém; đặc biệt phải khắc phục cho được bệnh hình thức, đi kèm với đó là chống chủ nghĩa kinh nghiệm, không coi trọng việc học lý luận; tách rời giữa lời nói và việc làm. Học Bác, làm theo Bác là phải bằng hành động. Hiểu biết là quý, nâng cao nhận thức là cần thiết, nhưng đó là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Điều kiện đủ là phải chuyển biến về hành động, bằng lối sống đạo đức, bằng sự ứng xử nhân văn, bằng việc làm gương mẫu... Đó là cách học tập và làm theo Bác một cách thiết thực nhất. Nếu mỗi người, mỗi ngày làm một việc tốt, suy nghĩ một điều tốt, ứng xử với nhau một cách tốt đẹp, cứ tích lũy như vậy sẽ từ lượng thành chất, sẽ làm thay đổi tình hình trong Đảng và toàn xã hội; sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, nhất định sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO