QĐND - Ở Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), mọi người rất ấn tượng với PGS, TS Phạm Thành Hưng bởi gương mặt hiền từ, giọng nói truyền cảm. Thầy dạy Văn nhưng lại được sinh viên gọi với tên thân quen là “thầy Hưng báo chí”. Và ít ai biết được rằng, hơn 40 năm trước đây, thầy là người lính tại Mặt trận Quảng Trị...

Tuổi trẻ và khát vọng

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, khi mái tóc đã ngả màu, đôi chân không còn nhanh nhẹn, nhưng dường như ở thầy còn giữ được thần thái của người lính chiến năm xưa: Giản dị trong lối sống; ấm áp, chân tình trong ứng xử với đồng nghiệp, với học trò. Xen lẫn trong những bài học lý thuyết khô khan, thầy luôn kể lại cho sinh viên nghe kỷ niệm về một thời tuổi trẻ của mình, sống đầy đam mê và hoài bão. Lời kể giàu cảm xúc, ánh mắt tự hào, trong thầy như đang sống dậy cả một khung trời của tuổi hai mươi chưa bao giờ bị quên lãng.

Thầy giáo Phạm Thành Hưng lúc trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Vùng quê Nga Sơn, Thanh Hóa thập niên 1960 quằn quại trong bom Mỹ là phần ký ức luôn ám ảnh tuổi thơ thầy, một cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đó là ngày Hạm đội 7 của Mỹ nghênh ngang chắn cửa biển, là màu trắng tang thương của các gia đình có người chết vì bom đạn, là tiếng khóc như chưa khi nào dứt ở miền quê nghèo. Có lẽ, ý thức trách nhiệm của một người trai thời chiến tranh đã được nhen nhóm trong thầy từ ngày ấy, để đến năm 1971, thầy hăm hở viết đơn xin nhập ngũ, trở thành chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 12 Pháo cao xạ, Trung đoàn 58, Sư đoàn 308, cùng hàng trăm sinh viên khác của Trường Đại học Tổng hợp (cũ) xông pha vào chiến trường khói lửa.

Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, mặt trận cũng là một hiện thực sống động, một trải nghiệm quý báu cho những người chỉ quen nghiệp bút nghiên như thầy. Ở đó, sự sống và cái chết luôn giao tranh, người ta sống chưa biết ngày mai, thầy cùng những người lính sinh viên cố gắng ghi chép lại những điều cảm nhận được trong cuộc chiến để làm tư liệu về sau-nếu còn sống, như ý thức được thế hệ mình đang là nhân chứng cho một giai đoạn khốc liệt mà hào hùng của dân tộc.

Thầy tâm sự: "Những ngày bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, sợ không may hy sinh, tôi ghi quê quán, họ tên cha mẹ vào mặt sau chữ "Phúc" của chiếc vòng cổ, rồi gói kín vào túi ni-lông, đút túi ngực”. Gần một năm lăn lộn trong chiến trường khói lửa, thầy đã ba lần bị thương, có lúc kiệt sức tưởng như không gượng dậy được. Tới năm 19 tuổi, do vết thương nặng, thương binh Phạm Thành Hưng quay về trường tiếp tục học tập. Với thầy, phải rời xa cuộc chiến, xa đồng đội luôn là một niềm tiếc nuối lớn...

Miền ký ức chưa bao giờ ngủ yên

Chiến tranh đã trôi qua, nhưng di chứng của nó vẫn còn hiện hữu trên cơ thể và cả tâm hồn người lính ngày ấy. Mỗi khi trái gió trở trời là vết thương lại nhức buốt, nhưng hơn cả là nỗi nhớ thương đồng đội của thầy, nhớ những con người vào sinh ra tử cùng nhau, quý nhau như anh em ruột thịt, nay người còn, người mất. Kỷ niệm đối với thầy không đơn giản là năm tháng đã trôi qua trong đời, mà đó là niềm tự hào của một thời tuổi trẻ nhiệt huyết và say mê, để thấy được mình đã sống lý tưởng như thế. Năm nào thầy cũng một mình trở lại chiến trường xưa, vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 thắp hương tưởng nhớ bạn bè, đồng đội. Thầy tự hào rằng, “mình cũng từng chung chiến hào với những người lính dưới hàng bia mộ kia”, từng cái tên khắc trên bia đá như nhắc nhở thầy rằng, mình là một người may mắn, một thương binh từ Mặt trận Quảng Trị khói lửa.

Trong những giờ đứng lớp với sinh viên, bằng những câu chuyện của mình, thầy cố gắng khơi dậy sự hào hứng của học trò với quá khứ không chỉ của riêng thầy. Thế hệ trẻ càng ngày càng xa dần với quá khứ ấy, nó chỉ hiện hữu trong các lời kể, trong hình ảnh cũ được lưu giữ và trong bạt ngàn những ngôi mộ Trường Sơn.

Những giờ học rồi cũng trôi qua, nhưng in đậm trong trí nhớ chúng tôi là hình ảnh một người thầy giản dị, nhân hậu, ngày ngày cần mẫn thắp lửa, gieo hạt trên cánh đồng tri thức, người “truyền ký ức” cho bao thế hệ sinh viên...

HUYỀN TRANG - THÙY AN