QĐND - Tháng 10-2014, đoàn cán bộ, phóng viên báo chí Quân đội nhân dân (QĐND) Lào, do Trung tá Khăm Sảo Kẹo Vi Sệt, Phó tổng biên tập Báo QĐND Lào làm Trưởng đoàn, đến thăm Trường Đại học Trần Quốc Tuấn. Các thành viên trong đoàn đã được nghe câu chuyện cảm động của Đại tá Võ Công Tâm (Phó chủ nhiệm Khoa Quân sự chung) kể về những năm tháng của gần 40 năm trước, khi các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Lào tiễu trừ quân phỉ Vàng Pao. Đặc biệt, câu chuyện về người mẹ Lào-“người mẹ thứ hai của tôi”-như lời Đại tá Võ Công Tâm, khiến cả khán phòng xúc động và càng thêm quý trọng tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.

Tháng 4-1977, mới 17 tuổi, chiến sĩ Võ Công Tâm cùng đồng đội thuộc Trung đoàn 335 hành quân hơn 1000 cây số sang giúp bạn giải phóng vùng núi Phu Bia-căn cứ cuối cùng của quân phỉ Vàng Pao trên đất Lào. Nhờ chịu khó học tiếng, học chữ, sau thời gian ngắn, chiến sĩ Tâm đã giao tiếp được bằng tiếng Lào. Cuối năm đó, đơn vị chuyển về đóng quân ở khu vực Mường Phùn (tỉnh Viêng Chăn). Được đại đội trưởng cử vào bản Phun Xay nắm tình hình, kết hợp làm công tác dân vận, người đầu tiên chiến sĩ Tâm gặp là một phụ nữ Lào, chừng 50 tuổi, tên là Bun Mi. Mẹ mời khách vào nhà, vừa rót nước, vừa thân mật hỏi chuyện. Chiến sĩ Tâm kể cho mẹ nghe về đất nước, con người Việt Nam, về sự tàn khốc của chiến tranh, về tình hữu nghị Lào-Việt. Mẹ rất vui và khen bộ đội Việt Nam đẹp trai, tốt bụng, nói chuyện có duyên...

Đại tá Võ Công Tâm trò chuyện với Trung tá Khăm Sảo Kẹo Vi Sệt và các học viên Lào đang học tập tại Trường Đại học Trần Quốc Tuấn.

Bỗng giọng mẹ trầm xuống khi kể về cuộc sống cực khổ, thiếu thốn của bà con trong thời gian bị quân phỉ Vàng Pao chiếm đóng. Mẹ bảo: “Từ khi bộ đội Việt Nam sang giúp, lính phỉ không còn, mẹ và dân bản được tự do, được chính phủ và bộ đội cho muối, gạo, quần áo…, bớt khổ rất nhiều rồi”.

Lần khác, chiến sĩ Tâm có dịp trở lại thăm mẹ. Nghe kể, ngoài việc tiễu phỉ, Quân tình nguyện còn phải sửa sang nơi ở, chuẩn bị vật chất đón Tết, mẹ càng thương bộ đội Việt Nam, nhất là Tết đến vẫn xa Tổ quốc, gia đình... Gần 40 năm đã qua, nhưng khi kể lại, Đại tá Võ Công Tâm vẫn xúc động, rơm rớm nước mắt: “Nghe chuyện, tôi thấy mẹ lặng im và thoáng buồn. Có lẽ mẹ đang tự lý giải, vì sao những người lính tình nguyện trẻ tuổi chúng tôi sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh sang giúp bạn Lào đánh giặc. Bỗng mẹ nắm chặt tay tôi và nói: “Mẹ thương các con nhiều lắm! Mẹ muốn nhận Tâm làm con, con có đồng ý không?”

Câu hỏi của mẹ làm chiến sĩ Tâm xúc động, bất ngờ. Thấy người chiến sĩ trẻ nhận lời, mẹ vui lắm. Tưởng mọi chuyện chỉ dừng ở đó, nào ngờ mẹ bảo chờ một lát để mẹ qua nhà hàng xóm. Ít phút sau, hơn mười người trong bản kéo đến, hầu hết là người lớn tuổi. Rồi mẹ vào bếp mang ra một chum rượu cần và trịnh trọng tuyên bố:

- Bộ đội Tâm từ Việt Nam sang đây giúp bà con mình đánh đuổi phỉ Vàng Pao. Nó tốt lắm, lại nói tiếng Lào giỏi. Hôm nay, nó đồng ý làm con. Tôi mời bà con cùng chứng kiến và uống rượu mừng cho gia đình có thêm một người con!

Mọi người ồ lên vui vẻ. Chiến sĩ Tâm đứng dậy cảm ơn tình cảm của mẹ và mọi người. Mẹ Bun Mi lấy trong túi ra cuộn chỉ trắng, buộc vào cổ tay chiến sĩ Tâm và nói: “Từ nay con là con của mẹ, của gia đình. Mẹ cầu chúc cho con mạnh khỏe, đánh thắng giặc!”.

Mọi người cùng uống rượu cần và lần lượt buộc chỉ vào cổ tay chiến sĩ trẻ Quân tình nguyện Việt Nam, cầu chúc cho anh sức khỏe và gặp điều tốt lành. Mọi việc diễn ra trang trọng, linh thiêng, Võ Công Tâm thật sự bất ngờ, cảm động. Lúc chia tay, mẹ Bun Mi đến bên dặn dò: “Con đã là con của mẹ rồi, năng về thăm mẹ nhé!”.

Lần khác, có dịp trở về, chiến sĩ Tâm vừa bước vào sân, mẹ Bun Mi đã chạy ra ôm chầm lấy và thảng thốt: "Có đúng là Tâm không con? Lâu nay không thấy tin con, mẹ cứ bồn chồn lo lắng, đang vào chiến dịch, tránh sao khỏi những mất mát, hy sinh...". Rồi mẹ khóc, những giọt nước mắt nồng ấm của mẹ thấm vào vai áo tôi. Xúc động quá, tôi cũng không cầm được nước mắt. Được ở bên mẹ không lâu, tôi phải tạm biệt mẹ để trở về đơn vị; không ngờ, đó cũng là lần cuối tôi được gặp mẹ”-Đại tá Võ Công Tâm bồi hồi nhớ lại. Sau gần nửa năm tiến hành chiến dịch, vùng núi Phu Bia-căn cứ cuối cùng của quân phỉ Vàng Pao trên đất Lào được giải phóng. Tháng 7-1980, Trung đoàn 335 hoàn thành nhiệm vụ, trở về nước.

- Từ đó đến giờ, trong trái tim tôi luôn in đậm hình ảnh và tấm lòng của người mẹ Lào, đã động viên tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Chắc rằng, không ít người lính tình nguyện Việt Nam cũng có người mẹ Lào như tôi. Xa mẹ đã gần 40 năm, không biết bây giờ mẹ có còn không? Cho con được cảm ơn tấm lòng và tình cảm cao quý, nồng hậu của mẹ đã dành cho con, một người lính tình nguyện Việt Nam, mà mẹ chỉ biết là ở một nơi xa, xa lắm!-Đại tá Võ Công Tâm kết thúc câu chuyện trong niềm xúc động trào dâng của những người có mặt-những đồng chí, đồng đội đang tiếp tục giữ trọn nghĩa tình thủy chung, son sắt Việt-Lào.

Bài và ảnh: ANH QUÂN