QĐND - Tháng cuối năm, tôi nhận được cuộc hẹn từ một cựu chiến binh 87 tuổi. Ông là Bùi Huy Hùng (trú tại ngõ 100, phố Trần Đại Nghĩa, TP Hà Nội), nguyên chiến sĩ quyết tử Thủ đô. Từng có dịp hầu chuyện nên tôi phỏng đoán, lần này, người lính già sẽ tiếp tục trải lòng về những tháng ngày chiến trận. Nào ngờ, vừa bước chân vào nhà, ông đã cười khà khà, bảo: “Tết này, bác muốn chuyển lời “thách đố” tới cánh lính trẻ: Làm sao có thể gói được một chiếc bánh chưng từ hai chiếc lá dong?”.

Nói rồi, ông chỉ đống “đồ nghề” đã chuẩn bị sẵn trên bàn. Đó là những tờ giấy được cắt theo hình lá dong, những chiếc khuôn bánh và đầy đủ gạo, lạt buộc… Không để tôi phải đợi lâu, ông vừa làm, vừa hướng dẫn cụ thể các bước để tôi ghi chép, chụp ảnh. Ông tếu táo bảo: “Bác đưa ra lời thách đố, nhưng cháu cũng có thể công khai cả câu đố lẫn… đáp án để anh em trổ tài!”.

Hỏi chuyện ông, mới hay xuất xứ của cách gói bánh chưng độc đáo này bắt nguồn từ cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, tại nhà ông ở Khu tập thể Trường Đại học Kinh tế quốc dân, một người hàng xóm tên Diệp (quê Phủ Lý, Hà Nam) đã phổ biến cách gói “2 lá dong”. “Bà Diệp bảo, ở quê, cũng không có nhiều người làm theo cách ấy, còn nhà tôi và các gia đình trong khu tập thể thấy tiện dụng nên đã làm theo từ 20 năm nay”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng và chiếc khuôn “cải tiến” được ông dùng 20 năm qua.

Quả thật, qua quan sát và trực tiếp làm thử, chúng tôi nhận thấy cách gói bánh chưng mà ông Hùng áp dụng đã khắc phục được những điểm hạn chế của cách gói cũ là phải dùng nhiều lá, trong khi lá thường bị cắt ở các góc khuôn nên kém dai, bền. Ngoài ra, lá thường chỉ ôm nửa vòng bánh, các mép lá đè hờ lên nhau làm bánh kém chắc, đặc biệt ở bốn góc, dù có gia cố thêm lá phụ thì vẫn rất yếu, ruột bánh dễ lòi ra, bánh hay bị nhão. “Theo cách gói của tôi thì chỉ cần đóng thêm một khuôn nhỏ bên trong chiếc khuôn sẵn có. Nghĩa là, với một khuôn thường dùng (kích thước xấp xỉ 15x15cm, cao 4cm), ta đóng mới một khuôn có thể đặt lọt vào khuôn to, các khe hở cách đều giữa các cạnh của hai khuôn khoảng 5mm”.

Ông Hùng vừa giải thích, vừa tỉ mỉ vẽ lên một tờ giấy để minh họa. Sau đó, ông trực tiếp thao tác bằng việc đặt hai lá dong xếp chữ thập, hai mặt lá màu nhạt áp lưng vào nhau. Lúc này, khuôn nhỏ được đặt vào giữa chữ thập, người gói vuốt hai mép lá đối diện từng đôi một. Chú ý bắt góc sao cho mép lá thẳng đứng, các lá không rúm chéo tam giác. Không được để sống lá vào mép cạnh góc khuôn, bởi làm vậy sẽ dễ bị rách sống lá. Khi làm xong, nhấc khuôn nhỏ đặt lồng vào khuôn to rồi nhẹ tay kéo dựng các lá lên, sau đó nhấc riêng khuôn nhỏ ra ngoài. Khi đó, các lá vẫn nằm yên trong khuôn to. Do khuôn to vẫn ôm chắc các lá nên ta dễ dàng đổ gạo, đỗ, thịt… vào. Sau đó, dùng ngón tay chọc, dồn gạo vào bốn góc bánh cho đầy chặt, đồng thời đậy miết các mép lá từng đôi một theo nếp gấp cũ. Khi gói phải chú ý để mặt bánh hơi lồi lên thì ta mới có thể ấn, nén chặt. Cuối cùng, người gói lồng 4 lạt vào để buộc rồi tháo bánh ra khỏi khuôn (đặt sẵn lạt ở khuôn trước khi cho khuôn nhỏ vào).

Ông Hùng cho biết: Việc gói hai khuôn lồng vào nhau làm cho lá dong còn nguyên vẹn nên khá dai, bền, lá quấn liền vòng quanh bánh nên rất chắc. Bánh luộc xong đem nén cũng không lòi nhân ra như cách gói thông thường. Việc gói cũng khá đơn giản, không cần phải gấp, cắt lá theo khuôn mà tấm bánh chưng vẫn chắc và đẹp hơn cách gói cũ.

“Tôi thấy việc gói không tốn nhiều lá dong, bánh lại đẹp, rất phù hợp với điều kiện của các đơn vị ở hải đảo và biên giới nên tôi muốn phổ biến cho anh em chiến sĩ”, ông Hùng bộc bạch.

Ông cũng mong rằng, Tết Ất Mùi năm nay, sẽ có nhiều chiến sĩ các đơn vị “trổ tài” gói bánh chưng theo cách mới và coi đây như một “hơi ấm” từ hậu phương gửi tới những người lính đang làm nhiệm vụ trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Bài và ảnh: BÙI VŨ MINH