QĐND - “Núi Mẹ” là tên thuần Việt, còn có tên chữ khác là “Mẫu Sơn”. Với cái tên sau, nhiều người biết đó là một địa danh nổi tiếng của xứ Lạng. Tuy nhiên, xét về chiều sâu văn hóa, tôi thích cái tên trước hơn.

Đây là một địa điểm trên núi cao, cách thị xã Lạng Sơn gần 40 cây số về phía đông nam. Từ những năm 30 của thế kỷ 20, người Pháp đã khám phá nơi đây và cho xây dựng thành khu nghỉ mát. Nó được sinh ra cùng anh em với Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt, Bà Nà…

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, do phải lo toan nhiều việc khác, Mẫu Sơn hầu như bị bỏ quên. Phải chờ đến những năm sau Đổi mới, người ta mới trở lại Mẫu Sơn và từng bước có quy hoạch, đầu tư, làm sống lại nó với tư cách là một khu du lịch và nghỉ dưỡng…

 
Bàn thờ trên đỉnh Phật Chỉ. Ảnh: LA THÀNH

Nhưng, tôi đang muốn nói đến một câu chuyện khác. Bởi, tôi chưa thấy ở đâu như Mẫu Sơn so với các khu nghỉ dưỡng tôi vừa kể trên, lại châu tuần nhiều huyền thoại đến vậy!

Như chúng ta biết, trong hàng loạt truyện dân gian, có một loại truyện sự tích chuyên giải thích sự ra đời của các di tích, danh lam thắng cảnh, tên gọi vùng đất, con người…

Chuyện kể rằng: Có một người chồng nọ làm chức quan mọn, gặp buổi binh đao phải ra chiến trận, chỉ có hai mẹ con ở nhà. Người vợ trẻ lại xinh đẹp nên có một gã gia nhân đem lòng yêu. Tán tỉnh mãi không được, gã lấy làm căm tức, rắp tâm trả thù. Trong khi đó, hai mẹ con có quen biết một chàng trai hiền lành, tốt bụng ở bản bên. Thỉnh thoảng, nhân những chuyến đi xuống chợ, chàng vào chơi thăm mẹ con chị, giúp chị một vài công việc nặng nhọc mà chỉ đàn ông mới làm nổi. Khi đánh tan giặc, người chồng trở về. Gã gia nhân ti tiện bịa đặt chuyện người vợ tư tình với chàng trai kia. Người chồng trong cơn tức giận mù quáng đã rút dao chém đầu người vợ. Lúc sau, nghe thấy tiếng khóc của con, bình tâm nghĩ lại, chàng thấy hình như có điều gì không ổn. Chàng bèn đi dò hỏi nhiều người mới biết rằng, mình đã nghĩ oan cho vợ. Nơi đặt ngôi mộ của người vợ bỗng nhiên một rừng đào mọc lên với muôn ngàn bông hoa thắm như nỗi niềm oan khuất và khắc khoải của nàng.

Trong cơn đau khổ, chàng bèn cầu cứu Ngọc Hoàng giúp cho vợ sống lại. Trước nỗi ân hận tột độ và lòng đau xót lớn lao của người chồng, Ngọc Hoàng cảm động. Ngài phán quyết: Kiếp này ngươi chưa trả nghĩa được cho vợ của ngươi đâu; ngươi hãy về tu nhân tích đức, nuôi con khôn lớn, chờ đến kiếp sau ta mới có thể giúp ngươi được.

Bà con trong vùng đồn rằng, ngôi mộ người mẹ trẻ linh thiêng lắm. Cứ thế, ai muốn cầu nguyện gì, lên thắp hương cầu khấn đều được cứu độ. Từ bấy trở đi, người dân trong vùng đặt tên cho ngọn núi nơi người mẹ nằm là Núi Mẹ-Mẫu Sơn. Cách đấy không xa, có ba ngọn núi cùng ngoảnh về Núi Mẹ, được dân gian đặt tên là: Núi Cha, Núi Con, Núi Cháu…

Như vậy, cái tâm thức “nhà-dòng họ/gia đình-gia tộc” như một tổ ấm bền vững đã chi phối những hình dung về thiên nhiên, tạo vật; chi phối ngay cả việc đặt tên cho những ngọn núi nơi đây. Hiện tượng này thường thấy phổ biến trên đất nước Việt Nam.

Cũng tại khu vực Núi Mẹ, có một địa danh rất thú vị tên là Phật Chỉ. Người Dao sinh sống ở đây gọi chệch là “Phặt Chỉ” và để tôn trọng cách phát âm này, chính quyền địa phương quyết định giữ nguyên. Nơi đây là một lòng thung khá rộng, chừng 6ha chỉ toàn cỏ, ít cây cối, bốn bề núi cao nguyên sinh, giữa lòng thung lô xô những đụn, những gò với nhiều hình thế sinh động, đẹp mắt. Trong số đó, có một đụn núi được mọc lên chủ yếu bằng đá. Do là núi thiêng nên ai đi qua đây cũng phải xuống ngựa, tự tay xếp lên một hòn đá. Dần dần thành ngọn núi đá đồ sộ như bây giờ. Đây cũng chính là nơi bà con người Dao các bản xung quanh thường lên thắp hương thờ thần Đá, thần Núi phù hộ độ trì mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tục truyền rằng, người dân bản địa đã từng nhìn thấy ở nơi đây một đàn ngựa của Thiên Đình, có hôm xuống đây gặm cỏ, rong chơi. Bà con còn nhìn thấy bóng của một người đàn ông cao lớn, tay cầm roi da, vai đeo túi vải ngồi trông đàn ngựa. Cuối ngày, khi trời nhập nhoạng, cả người và ngựa lại bay về trời. Chỗ ông chăn ngựa ngồi, người dân thường mang đá lên kê cao thêm. Còn những chỗ ngựa ăn cỏ, nước bọt ngựa tiết ra đã mọc lên một loài thảo dược quý, dùng để chế làm thuốc uống hoặc đun nước tắm, chữa được bách bệnh… Hiện nay, tại Phật Chỉ, Ban Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn cho xây trên đụn núi đá 4 cột đá và một bát nhang lớn để bà con tiện có chỗ thắp hương cầu nguyện…

Tôi được anh Nguyễn Hải Đăng, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn, cho biết về hướng phát triển nơi đây. Anh nói: “Hướng chiến lược của tỉnh Lạng Sơn là biến nơi đây thành khu du lịch kết hợp giữa sinh thái với văn hóa, trong đó nhấn mạnh yếu tố tâm linh và phong tục. Hiện nay, tỉnh đang đầu tư mở đường, phát triển nhà nghỉ dưỡng, xét soát lại toàn bộ tiềm năng về văn hóa tộc người, về sản vật, sinh thái, danh thắng… để có một kế hoạch đầu tư bài bản, hiệu quả và bền vững”.

Núi Mẹ-Mẫu Sơn, Núi Cha, Núi Con, Núi Cháu, Phật Chỉ… Những cái tên quen thuộc đang mời gọi những ai yêu non xanh nước biếc, yêu văn hóa tộc người, yêu chốn dừng chân tĩnh lặng mà thanh khiết tìm đến để khám phá và thưởng ngoạn.

PGS, TS VĂN GIÁ