Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa!
Đấy là những câu thơ trong bài “Toàn thắng về ta”, Tố Hữu viết vào ngày 1-5-1975, chỉ sau dấu mốc lịch sử chói lọi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 30-4 một ngày.
Có lẽ, khó ai tiên đoán được ngày cuối cùng của tháng 4-1975 lại trở thành ngày mở ra cánh cửa hòa bình của Tổ quốc yêu dấu. Sau những tháng năm vô cùng khốc liệt với muôn vàn gian khó, hy sinh của một cuộc chiến tranh yêu nước kéo dài hai thập kỷ đầm đìa máu-mồ hôi-nước mắt, dân tộc ta có ngày 30-4 rạng rỡ màu cờ, rạng rỡ ánh mắt và rạng rỡ nụ cười chiến thắng.
 |
Minh họa: LÊ ANH |
Bốn mươi năm rồi kể từ khi Sài Gòn òa vỡ trong niềm vui giải phóng: Năm cánh quân từ năm hướng trở về/ Thành phố đầy áo trận/ Ở cuối đường một vành lá vút qua/ Chỉ chờ thế là người xô như sóng... (thơ Hữu Thỉnh). Ngày 30-4 năm ấy, nếu tính theo lịch trăng là ngày 20 tháng 3 năm Ất Mão. Thời điểm này đã cuối xuân, một mùa xuân lịch sử được định danh bằng hai tiếng “Đại thắng” vang lừng. Đại thắng mùa xuân! Ước mơ, khao khát Tiến lên toàn thắng ắt về ta; ước mơ, khao khát Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào; ước mơ, khao khát Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn… như Bác Hồ đã viết trong các bài thơ chúc Tết đã trở thành hiện thực.
Cái hiện thực lộng lẫy ấy được làm nên bởi máu xương của nhiều thế hệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, bởi sự chia ly dằng dặc của bao cặp vợ chồng sau lễ thành hôn chưa kịp bén hơi thuộc nết, bởi niềm tin đợi chờ đôi khi chỉ từ một lời hẹn thề đầu ngõ đêm trăng lưỡi liềm mờ khuyết, bởi nỗi tự hào xót xa của những người mẹ mấy lần tiễn con ra trận... Nói bao nhiêu cũng không đủ, nói bao nhiêu cũng không hết những huyền thoại đời thường ấy, chỉ biết rằng, cái ngày cuối cùng của tháng 4-1975 đã vỡ òa ra nước mắt, vỡ òa ra nụ cười, vỡ òa ra ánh sáng hòa bình ngây ngất, đắm say…
Bản giao hưởng hòa bình được cất lên hoành tráng đầy xúc động trên những thành phố, làng quê chưa tan hết mùi thuốc súng. Bắc-Nam hai miền kề vai nhau, rừng-biển kề vai nhau, chiến sĩ-đồng bào kề vai nhau… trong âm hưởng tự hào chiến thắng. Những người lính Cụ Hồ lặng lẽ nhận vào mình những xôn xao, rưng rưng khôn tả: Cát bụi đường xa, khẩu súng, ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau... Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa (thơ Anh Ngọc).
Khẩu súng, ngọn cờ trở thành linh vật tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử bi tráng đã qua của dân tộc. Những bông sen mọc lên từ mảnh đất Việt Nam thấm máu trở thành thông điệp giao hòa thân thiện của chúng ta. Sự tốt đẹp ấy đã được bắt đầu, được tính từ ngày 30-4 lịch sử mà âm hưởng hào hùng của nó còn vang vọng trong những vần thơ, câu hát sinh ra cùng cái thời mãi mãi không bao giờ quên ấy. Những chiếc xe tăng có ngôi sao vàng trên nền đỏ, những người lính trận mang áo vải màu lá cây đẫm bụi Trường Sơn, đẫm nắng gió trải dọc dài duyên hải… tiến vào thành phố Sài Gòn giữa rùng rùng cờ hoa vẫy chào của nhân dân. Xúc động. Hân hoan. Náo nhiệt. Lắng sâu… Ngày cuối cùng của tháng Tư đã được mặc định thành ngày lịch sử trọng đại với dòng chữ màu đỏ in trang trọng trên tờ lịch: Ngày Chiến thắng, Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước!
Để đi tới ngày 30-4-1975 lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Những kỳ tích, những chiến công làm cho nhân loại phải kinh ngạc ngẫm nghĩ, tốn không ít giấy mực để phân tích, lý giải. Còn chúng ta, thấm thía tận tâm can cái giá vô cùng to lớn của hòa bình. Giá của chiến thắng đâu chỉ là máu xương dân tộc này, còn muôn vàn những chia ly dằng dặc, những chịu đựng dường như đã vượt quá sức mình. Sau năm 1975, dân tộc Việt Nam lại đương đầu với những thử thách nghiệt ngã ít ai ngờ mà sự hiểm nguy tới lãnh thổ, tới chế độ không hề nhỏ chút nào. Thế mà, dân tộc này đã vượt qua, vượt qua những gian nguy thử thách một cách nhọc nhằn nhưng khá ngoạn mục với sự vững chãi toàn vẹn của non sông, với những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội ta đạt được sau đổi mới.
Tuy vậy, vẫn không ít mảng tối còn chiếm lĩnh trong xã hội ta hiện nay mà kể ra sẽ bị mang tiếng là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng sao lại không nói nữa nhỉ? Nói ra, cho ai cũng phải biết, phải thấm thía rằng, máu xương của chiến sĩ, đồng bào ta đổ ra trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc không phải để cho nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền tràn lan và tinh vi hiện hữu; không phải để cho đói nghèo vẫn là nỗi lo của không ít người dân lao động; không phải để cho đạo đức nhân cách con người Việt Nam bị suy thoái; không phải để cho những em bé miền núi vùng cao phải học trong những ngôi trường tuềnh toàng hun hút gió lạnh, không phải để cho những cô giáo, học sinh phải vượt suối bằng cách ngồi vào trong túi ni-lông do người biết bơi kéo...
Nỗi lo tụt hậu không phải chỉ với những quốc gia phát triển trên thế giới, mà ngay với các nước trong khu vực cũng làm ta mất ăn, mất ngủ. Rồi phải làm sao đây để non sông lãnh thổ vững bền toàn vẹn. Làm gì để trong hội nhập mang tính toàn cầu của một thế giới siêu phẳng như hiện tại và tương lai mà ta vẫn là ta, không tan hòa vào đâu cả. Tấm chứng minh thư Việt Nam sẽ ra sao khi nền văn hóa không giữ được cốt cách truyền thống tốt đẹp của ngàn năm dựng nước, giữ nước lại bị pha trộn biến dạng tới độ lai căng không kiểm soát nổi. Những công dân toàn cầu đọc, nghe, nhìn trên mạng có còn là con người Việt Nam không trong muôn vàn thực ảo tốt xấu đang giao thoa từng phút, từng giây...
Giá trị của ngày Chiến thắng 30-4 sẽ như thế nào khi đất nước Việt Nam không giàu mạnh, nhân dân Việt Nam không thực sự được tự do, hạnh phúc, khi sự cao cả tốt đẹp không được tôn vinh đúng mực? ý nghĩa, giá trị thực tiễn của ngày 30-4 sẽ ra sao khi quốc nạn tham nhũng không bị tiêu diệt, khi hiền tài nguyên khí quốc gia không được phát hiện và đặt đúng chỗ, cái giả lấn át cái thật, cái xấu xa hỉ hả lên ngôi...
Dân tộc mình, có lẽ vẫn cần, rất cần có thêm những ngày 30-4 nữa. Để giải phóng những năng lượng đang tiềm ẩn trong lòng đất nước. Để mở ra những tầm nhìn mới, những hành động mới cho Tổ quốc mang dáng Rồng vươn ra biển lớn bay lên...
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua!
Câu thơ chúc Tết của Bác Hồ năm nào vẫn mang những hy vọng bao la của nhân dân. Nhân dân tin vào con đường Cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cái đích của con đường này không gì khác hơn là hạnh phúc của nhân dân, cái hạnh phúc bình dị như Bác từng mong: Dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Hình như Bác đã cụ thể hóa cái biểu tượng hạnh phúc của nhân loại: Bánh mì và hoa hồng vào thực tiễn Việt Nam. Nói như Bác, nhiều người hiểu, ai cũng hiểu. Đấy là cách diễn đạt của những bậc vĩ nhân nhưng luôn ở giữa lòng dân, suốt đời vì dân, cho dân.
Dân tộc hôm nay vẫn hướng về Hồ Chí Minh như hướng về tư tưởng và nhân cách của một Con Người viết hoa. Một Con Người càng vĩ đại càng giản dị, càng giản dị càng vĩ đại. Không mang những học hàm, học vị cao siêu, không lấp lánh huân chương trên ngực, Hồ Chí Minh đã đi và sẽ đi cùng Đất nước và Nhân dân trong hành trình tới tương lai. Trên mỗi dặm đường gian lao, chúng ta không bao giờ đánh mất niềm tin và lòng lạc quan như đã từng giữ vững niềm tin và lòng lạc quan thời kháng chiến.
Tổ quốc vẫn âm vang lời Bác: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ