QĐND - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Song Thao không thể nào quên thời thơ ấu của mình lẫm chẫm theo cha đi hát tuồng ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cha của bà là một nghệ sĩ dân gian, tập hợp trai gái trong làng lập gánh diễn tuồng, hát ví, hát giặm phục vụ bà con, có khi đi lưu diễn hàng tháng trời…

Vào những năm đầu tiên hòa bình trên miền Bắc, bà lại theo chị dâu cùng đội hát tuồng của xã Trung Thành đi biểu diễn khắp nơi. Lúc này, giọng hát dân ca, hát tuồng của cô bé Song Thao đã có tiếng trong vùng… Năm 1956, bà đóng vai bé Nghi Xuân trong vở kịch “Phạm Công, Cúc Hoa” đi hội diễn nghệ thuật ở TP Vinh, đoạt giải cao. Năm 1957, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị nghe tiếng, về tuyển cô bé Song Thao vào làm diễn viên, nhưng lúc ấy cô còn bé quá, mọi người trong gia đình không đồng ý. Đến năm 1959, Song Thao 17 tuổi, khuôn mặt đẹp rạng ngời như trăng rằm, giọng hát nồng nàn, truyền cảm làm nức lòng khán giả. Một hôm, nhạc sĩ Thanh Tùng tìm về xã Trung Thành, thuyết phục Song Thao và gia đình vào TP Vinh làm diễn viên Đoàn Văn công nhân dân tỉnh Nghệ An, lúc bấy giờ đang chuẩn bị thành lập. Gia đình vẫn không đồng ý. Nhạc sĩ Thanh Tùng ở lại nhà cô 3 ngày, cố thuyết phục bằng được, rốt cuộc, bà ngoại của Song Thao cũng đồng ý. Bà ngoại cô nói rằng: “Nó đẹp, nó hát hay thì phải hát, phải diễn cho nhiều người nghe, người xem. Để nó ở nhà thì nó chỉ hát cho trong làng, trong xã nghe thôi, uổng lắm!”.

NSƯT Song Thao dạy cháu gái hát ví, giặm

NSƯT Song Thao nhớ mãi câu nói ấy của bà ngoại đến bây giờ, bà hiểu đó chính là cuộc sống của người nghệ sĩ, là phải cống hiến hết mình cho công chúng và khán giả, bằng tài năng và nhân cách của mình…

Giữa thập niên 1960, khi cuộc chiến tranh phá hoại do quân đội Mỹ tiến hành ngày càng ác liệt, cũng là thời điểm diễn ra phong trào cải biên, thể nghiệm “sân khấu hóa” dân ca ví, giặm bằng các vở kịch hát dân ca nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của bộ đội và nhân dân. Nhiều vở kịch hát dân ca nổi tiếng đã ra đời như: “Không phải tôi”, “Cô gái sông Lam”, “Đốm lửa núi Hồng”, “Đầu bến sông”… mà NSƯT Song Thao luôn đảm nhiệm vai nữ chính đã được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Đoàn Văn công nhân dân tỉnh Nghệ An chia thành các tốp nhỏ tỏa đi khắp các công xưởng, nhà máy, trận địa biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Nhiều lần bà đang hát ở trận địa thì bị máy bay, pháo hạm địch tập kích… Trước những mất mát đau thương, hy sinh vô kể của đồng bào, đồng chí, kỳ lạ thay, giọng ví, lời giặm của bà lại nồng thắm, ngọt ngào, vang lên trên những chiến hào, trận địa còn nồng nặc mùi khói bom, thuốc súng… NSƯT Song Thao tâm sự: “Những năm tháng đó lòng tôi cũng đau xót lắm chứ, nhưng tôi nghĩ, với tiếng hát và tấm lòng của mình có thể góp đôi chút xoa dịu nỗi đau thương mất mát của mọi người và giúp cho mọi người tin tưởng vào thắng lợi ngày mai”.

Vui Xuân. Ảnh: Vũ Phong

Sau ngày Bác Hồ mất (2-9-1969), nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”, một tác phẩm âm nhạc phát triển từ âm hưởng dân ca ví, giặm và Song Thao vinh dự được nhạc sĩ mời thể hiện. Bằng tất cả tấm lòng của một người con gái xứ Nghệ, bà đã hát với niềm yêu thương, kính trọng và chất chứa tình cảm lớn lao đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm, phát trên làn sóng điện, còn ngân vang đến tận bây giờ…

Một đời hát dân ca ví, giặm, NSƯT Song

Thao được vinh danh bởi hai Huy chương vàng, một Huy chương bạc trong các hội diễn nghệ

thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT.

Có lần, tôi đến thăm NSƯT Song Thao, gặp bà đang truyền dạy cho cháu gái Vinh Thy một làn điệu dân ca ví, giặm. Tôi hình dung, đấy chính là hình ảnh của bà hơn 60 năm trước, cũng từng được bà ngoại, cha mẹ, anh chị trong một gia đình yêu dân ca trao truyền cho lớp trẻ tình yêu với di sản của ông cha để lại.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI