QĐND - Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào xuân, dưới dòng sông Long Hồ chảy trên địa bàn phường 1, thị xã Vĩnh Long, tấp nập xuồng, ghe xuôi dòng mang theo sắc màu của hàng trăm loài hoa, trái cây đặc sản của miền Tây Nam Bộ tỏa đi khắp các miền quê. Hương thơm hoa trái ngọt lành vương theo làn gió mát tràn ngập căn gác nhỏ đơn sơ của căn nhà số 33, đường 1-5 (phường 1) tọa lạc ngay bờ sông. Sức xuân thêm thúc giục từng đường kim, mũi chỉ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Kim Ngọc ngụ trong ngôi nhà này. “Vừa rồi, tui tặng 7 cái mền (chăn) nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 cho người dân nghèo. Hiện tại đang ráng khâu và hoàn thành 2 cái nữa cho đủ 7 cái để Tết này tặng người nghèo ở huyện Tam Bình”. Vừa cắm cúi khâu, mẹ vừa trò chuyện...
 |
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Kim Ngọc khâu mền tặng người nghèo nhân dịp Tết Ất Mùi. |
Mẹ Trần Kim Ngọc sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, sang xuân này mẹ vừa tròn 90 tuổi. Từ nhỏ, mẹ đã là giao liên cho cách mạng. Năm 1947, mẹ được kết nạp Đảng. Năm 26 tuổi, mẹ kết hôn và lần lượt sinh hạ được 4 người con (3 trai, 1 gái). Chiến tranh đã cướp đi của mẹ hai người thân yêu: Chồng mẹ, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long, hy sinh năm 1971 và con trai cả của mẹ hy sinh năm 20 tuổi, trong một trận chống càn ác liệt với giặc. Một mình mẹ vừa tần tảo nuôi 3 con còn nhỏ dại, vừa tham gia, gây dựng phong trào cách mạng. Mẹ kể: “Khi tui đang là Trưởng ban Phụ vận Huyện ủy Châu Thành thì nhận được lệnh của trên chuẩn bị tổ chức Đồng khởi. Bọn tui tập hợp được hơn 34 thanh niên chủ yếu làm ở lò gạch, quyết tâm cướp súng địch ở chốt gác cầu Cái Sơn Lớn thuộc xã Thanh Đức. Bọn tui gom góp được vài trăm bạc, mua rượu, thịt chó rồi rủ lính đồn có quen biết đám thanh niên ra ăn nhậu. Khi đã ép chúng uống say mềm, bọn tui bí mật tiếp cận. Khi câu vọng cổ “Em Lan ơi chớ vội lấy chồng…” cất lên là tín hiệu cửa chốt gác mở, ngay lập tức lực lượng ta ập vào cướp được 6 cây súng, trong sự hoảng loạn của những tên địch đóng ở chốt”.
Mẹ Trần Kim Ngọc từng bị địch bắt giữ và giam tù nhiều lần. Lần cuối mẹ bị bắt vào năm 1973 và bị giam cầm đến năm 1975. Những lần ấy, 3 con thơ nhỏ dại của mẹ được vòng tay đồng chí, đồng đội, của bà con lối xóm chở che nuôi dạy. Đất nước thống nhất, những năm 1976-1980, mẹ là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy thị xã Vĩnh Long, sau đó nghỉ hưu. Ngày 20-6-2014, mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
“Lúc đầu nghỉ hưu, vừa có thời gian rảnh rỗi, cộng thêm cuộc sống gia đình còn nhiều túng thiếu, khi thấy những tiệm may thường vứt đi những mảnh vải thừa đầy màu sắc, tui xin về, khâu vá thành những chiếc mền để gia đình dùng. Sau khâu được nhiều, tui mang tặng bà con lối xóm, họ hàng có hoàn cảnh khó khăn”. Đôi bàn tay mẹ hằn lên vết tích thời gian, nhưng vẫn còn rất khéo léo cắt từng mảnh vải thành các hình khối và đưa từng đường kim mũi chỉ. Một miếng vải ghép, hai miếng vải ghép… hàng trăm, nghìn miếng vải được ghép với nhau và chiếc mền hoa sặc sỡ, đẹp đẽ được ra đời, đong đầy tình cảm của Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thời gian đầu, mẹ phải mất 6 tháng mới hoàn thành một chiếc mền, về sau thời gian được rút ngắn còn 3 tháng, 2 tháng và 1 tháng… Trân trọng tình cảm của mẹ, hằng tháng, các tiệm may trên địa bàn lựa ra những mảnh vải thừa đem đến để mẹ khâu mền. Vậy nên trong căn phòng nhỏ của mẹ có từng đống vải mụn. Hơn 20 năm trời, mẹ đã khâu được hơn 200 chiếc mền. Khi dự định tặng mền ở địa bàn nào, mẹ cũng nhờ con gái là Nguyễn Thị Thu Vân liên hệ với chính quyền xã chọn lựa hộ nghèo thiết thực. “Trước tui còn làm nhiều hình khối khác, sau tui chỉ khâu mền hoa. Bởi vì tui muốn nhắn nhủ: Mọi người dù giàu sang hay nghèo hèn thì ai cũng là một bông hoa và bông hoa có đẹp hay không thì cần phải có sự phấn đấu vươn lên và có sự chung tay ủng hộ của toàn xã hội”.
Không chỉ khâu mền tặng người nghèo, hằng tháng, mẹ Ngọc còn tiết kiệm tiền lương của mình để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn và mua quà tặng các gia đình chính sách nghèo, nhất là những dịp lễ, Tết.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ