QĐND :
Mưa xuân
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em dừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.
Chờ mãi anh sang, anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
Anh ạ, mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng: Hát tối nay?
1936
NGUYỄN BÍNH
(Tuyển tập thơ Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986)
Nước Việt Nam ta nằm trọn trong vùng nhiệt đới, tuy nhiên, thời tiết hai vùng Nam, Bắc có nhiều sự khác nhau. Trong khi vùng Nam Bộ chỉ có hai mùa khô và mưa thì Bắc Bộ có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mưa xuân là nét đặc trưng của thời tiết vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Từ xưa đến nay, đã nhiều nhà thơ viết về mưa xuân, những hạt mưa li ti như bụi phấn không rơi mà bay như sương, kể cả những bài viết về mưa xuân có gắn kết với đêm chèo như: Mưa xuân đêm chèo người xích lại/ Hơi ấm liền nhau ngăn gió lùa/ Vô tình chạm tóc người bạn gái/ Vội rút tay về, giữ hạt mưa (“Mưa xuân"-Vương Trọng)… Nhưng bài “Mưa xuân”, tác phẩm đầu tay của nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) viết từ năm 1936, được bạn đọc nhập tâm và yêu thích nhất. Đầu đề là “Mưa xuân” nhưng tác giả không có ý viết về chuyện thời tiết, mà chỉ mượn mưa xuân làm bối cảnh tình yêu của một đôi trai gái nông thôn Bắc Bộ và qua đó, cho bạn đọc hiểu được một phần nét văn hóa độc đáo của nông thôn vùng này vào nửa đầu của thế kỷ 20.
 |
Minh họa: Phạm Hà
|
Cả bài thơ là lời tự sự của cô gái, mở đầu cô tự giới thiệu mình:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Với nghề dệt vải thủ công, khi dệt, người dệt phải ngồi vào “trong khung cửi”, nhưng ở đây, tác giả dùng ba từ ấy để nói tính thường xuyên, chuyên nghiệp nghề dệt của cô gái. Câu tiếp theo: “Dệt lụa quanh năm với mẹ già” không chỉ làm rõ thêm ý câu trên, mà một phần giới thiệu hoàn cảnh gia đình của cô gái: Hình như nhà chỉ có hai mẹ con, không chỉ cùng dệt lụa, mà trong tình cảm gia đình của cô gái. Nhưng “Dệt lụa quanh năm với mẹ già” còn một ý quan trọng: Cô gái muốn nói mình là “con nhà lành”, không chơi bời, chỉ lo công việc, có rất ít dịp tiếp xúc với người khác, nhất là đối với các chàng trai. Và hình như mối tình chớm nở trong bài thơ là mối tình đầu, vì cô còn trong trắng: “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng...”. Sau khi giới thiệu mình, giới thiệu hoàn cảnh gia đình mình, cô gái kể chuyện tình yêu của mình bắt đầu vào một ngày mùa xuân:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”!
Mưa xuân bay thì đúng rồi, nhưng “phơi phới bay” vì lòng cô gái đang phấn chấn, vui tươi. Thông thường, cảnh hoa rụng thường gợi chuyện buồn, nhưng ở đây thì không thế vì cô gái đang vui, đang hy vọng, nên “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” chỉ đơn thuần tả cảnh mùa xuân, mùa văn nghệ của các làng quê. Ngày ấy ở vùng Bắc Bộ, nhiều làng có “hội chèo”, nói theo ngày nay là đoàn chèo. Đó là những đoàn chèo nghiệp dư của những người nông dân có năng khiếu văn nghệ, họp nhau lại tập chèo vào các buổi tối hoặc khi nông nhàn, với mục đích chính là diễn cho dân địa phương mình xem. Nhiều làng, xã có hội chèo như thế nhưng những hội chèo nổi tiếng thì không chỉ diễn trên làng mình, mà các làng, xã khác cũng mời đến biểu diễn… Hội chèo làng Đặng là một hội nổi tiếng nên thôn Đoài mới mời đến diễn và đoàn chèo ấy đã đi qua ngõ nhà cô gái trong bài thơ. Cô gái náo nức đến thôn Đoài, mục đích xem chèo thì ít mà nghĩ đến cơ hội gặp chàng trai thì nhiều, và cô sẽ đi cho bằng được, nhưng trước hết, thử xem mưa xuân có nặng hạt hay không: “Em ngửa bàn tay trước mái hiên” và phát hiện ra mưa xuân rất nhỏ, chỉ “thấm bàn tay từng chấm lạnh” nên tin chắc thế nào anh ấy cũng sang xem. Thế rồi cô xin phép mẹ ra đi, mọi trở ngại coi như chuyện vặt: Trời thì chỉ mưa bụi và thôn Đoài thì gần, “chỉ cách một thôi đê”. Mặc dù “Mưa xuân” là bài thơ đầu tay nhưng đã báo hiệu cho bạn đọc biết được sở trường viết về nông thôn của Nguyễn Bính ở sự quan sát tinh tế, như muốn biết trời mưa xuân nặng nhẹ thế nào thì đứng trong thềm, “ngửa bàn tay trước mái hiên” làm phép thử, còn ngôn ngữ cô thôn nữ gọi quãng đê là “thôi đê” hết sức dân dã, như người nông dân bao đời vẫn dùng. Và đúng như ở đoạn trên ta đã dự đoán, cô gái đến thôn Đoài đâu vì xem chèo, mà “em mải tìm anh, chả thiết xem”. Nhưng thật đáng buồn cho cô, chàng trai đã không có mặt trong đêm chèo này. Hình như cô đã thốt lên trong nước mắt lời trách móc chàng trai:
Chờ mãi anh sang, anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.
Thì ra trong đêm chèo “bên làng” lần trước, chàng trai đã hẹn cô gái là sẽ gặp nhau trong đêm chèo ở thôn Đoài lần này, mà đâu chỉ hẹn một lần, “năm tao bảy tuyết” kia mà! Khoảng cách thời gian giữa hai đêm chèo “bên làng” và thôn Đoài, tác giả không cho chúng ta biết bao lâu, nhưng cũng chỉ một vài tuần chứ không quá xa, vì đêm nay, cô gái gọi lần hò hẹn là “hôm nọ”. Các bạn trẻ thời nay có sẵn điện thoại di động trong tay, hãy thương cho lứa đôi thuở trước. Có thể chàng trai vì một lý do bất khả kháng mà lỗi hẹn với cô gái, nhưng có cách nào báo được cho cô gái biết đâu, để cho cô gái thất vọng:
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Trong "Truyện Kiều", Đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nguyễn Bính đã dùng “nguyên lý” ấy để nói ý nghĩ của cô gái trên đường về. Vẫn đoạn đê ấy nhưng khi đi, vì cô vui nên quãng đê đã ngắn lại thành “thôi đê”, còn bây giờ “có ngắn gì đâu một dải đê”. Và trong cảm giác, cô thấy mưa nặng hạt, áo mỏng không thể che đầu được, nhưng thực tế, mưa có nặng hạt hơn lúc đi hay cũng chỉ “Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh” thì không ai biết được chính xác!
Sự thất vọng của cô gái còn tăng thêm khi hội chèo làng Đặng diễn ở thôn Đoài xong, trên đường trở về lại ngang ngõ nhà cô, khi “hoa xoan đã nát dưới chân giày” vì “mùa xuân đã cạn ngày”. Nhưng cô gái vẫn tin vào tình cảm của người bạn trai, hy vọng sẽ gặp lại chàng trong một đêm diễn khác của hội chèo làng Đặng. Khổ kết bài thơ bộc lộ niềm hy vọng ấy qua câu hỏi, cũng là lời tâm sự với người yêu của mình.
Thông qua câu chuyện về mối tình của đôi trai gái vùng Đồng bằng Bắc Bộ được thể hiện bằng lời tự sự của cô gái, nhà thơ Nguyễn Bính đã không chỉ phản ánh tình yêu của các cặp nam nữ ở nông thôn vùng Bắc Bộ ngày xưa, mà điều nữa tác giả đã thông tin tới bạn đọc: Chính những đêm chèo là nơi gặp gỡ, hò hẹn tình yêu của trai gái.
Nhiều người hết sức ngạc nhiên, không hiểu sao nghệ thuật chèo nước ta chưa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và trong hồ sơ đề nghị UNESCO xét duyệt nghệ thuật chèo, theo tôi, nên giới thiệu bài thơ “Mưa xuân” này, để bạn bè quốc tế hiểu được vai trò to lớn của nghệ thuật chèo trong đời sống tinh thần của đồng bào Bắc Bộ từ xưa đến nay.
VƯƠNG TRỌNG